Việt Nam đã thu 7 tỷ USD từ thủy sản, Bộ NNPTNT họp với 9 hiệp hội ngành hàng xây dựng chuỗi liên kết

K.Nguyên Thứ năm, ngày 22/09/2022 09:08 AM (GMT+7)
Trong cuộc họp với 9 hiệp hội ngành hàng thủy sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳg định, các hiệp hội ngành hàng sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Bình luận 0

Xuất khẩu thủy sản đã thu 7 tỷ USD

8 tháng năm 2022, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 8/2022 (từ 01/8 đến 15/8/2022) đạt 427 triệu USD, tăng 62,1% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế từ đầu năm 2022 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 78,5% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD).

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng thủy sản tháng 8/2022 ước đạt 794.000 tấn (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó sản lượng khai thác 352.000 tấn (giảm 1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 441.000 tấn (tăng 5,9%).

Lũy kế đến hết tháng 8/2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5,8 triệu tấn (tăng 2,4% cùng kỳ 2021, đạt 66,4% kế hoạch năm 2022), trong đó sản lượng khai thác thủy sản là 2,6 triệu tấn (giảm 2,6%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,2 triệu tấn (tăng 7%).

Việt Nam đã thu 7 tỷ USD từ thủy sản, Bộ NNPTNT họp với 9 hiệp hội ngành hàng xây dựng chuỗi liên kết  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳg định, các hiệp hội ngành hàng sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Ảnh: Bảo Thắng.

Tính đến ngày 18/8/2022, diện tích cá tra thả nuôi trong kỳ báo cáo ước đạt 3.289,4 ha (bằng 116,3% so với cùng kỳ năm 2021). Sản lượng cá tra ước đạt 1 triệu tấn (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Tại buổi làm việc với các hiệp hội ngành hàng thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, nhiệm vụ của những người làm thủy sản không chỉ dừng ở giá trị xuất khẩu. Ngoài mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành đồng thời nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Hiệp hội ngành hàng là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý

Tại cuộc làm việc với Bộ NNPTNT, đại diện 9 hiệp hội ngành hàng thủy sản đều khẳng định xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do vậy cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh. 

Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển; ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đều đề xuất các hiệp hội ngành hàng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường liên kết, xem xét hình thành Liên đoàn thủy sản Việt Nam hay Liên hiệp hội thủy sản Việt Nam, làm được như thế sẽ phân rõ được trách nhiệm quản lý Nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân.

"Chúng tôi có doanh nghiệp nuôi biển và các hộ nuôi biển nhưng đầu ra rất cần đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Về lâu dài ngành thủy sản muốn phát triển lên tầm cao mới nó phải trở thành chỉnh thể thống nhất", ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng đề xuất xây dựng liên kết 6 nhà: Nhà nước quản lý quy hoạch vùng nuôi đầu tư hạ tầng, các nhà khoa học nghiên cứu thực tế đưa ra sản phẩm khoa học chất lượng. Trên cơ sở này ngân hàng đầu tư tín dụng, bảo hiểm cho các đối tượng thủy sản chủ lực như tôm. 

Bên cạnh đó doanh nghiệp cung cấp đầu vào cũng đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành, cùng với đó nông dân cũng có cơ hội tiếp cận khoa học, tiếp cận được nguồn vốn rút ngắn được khâu trung gian qua đó cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Một số ý kiến cho rằng, hầu hết các ngành hàng đều có hiệp hội và một số hiệp hội đã phát huy tác dụng tốt trong việc đề xuất với Chính phủ về chính sách phát triển của ngành hàng. Tuy nhiên, các Hiệp hội cũng cần nâng cao năng lực nhận thức cho các thành viên tham gia về lợi ích tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh. 

Việt Nam đã thu 7 tỷ USD từ thủy sản, Bộ NNPTNT họp với 9 hiệp hội ngành hàng xây dựng chuỗi liên kết  - Ảnh 2.

Lũy kế từ đầu năm 2022 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 78,5% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD). Ảnh: VASEP.

Ông Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, Hội Nghề cá trước tiên là phục vụ ngành thủy sản, phục vụ người dân rộng hơn nữa là quan tâm đến vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường… Ông Chu Hồi bày tỏ mong muốn, có những cam kết cụ thể để thúc đẩy hợp tác. 

Ông Hồi lấy ví dụ về hợp tác với Tổng cục Thủy sản hoặc từng lĩnh vực ngành hàng, qua đó chi tiết hóa sản phẩm một cách định kỳ. Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy sản giữ vai trò giám sát thực hiện, trước khi có phương hướng huy động nguồn lực.

Coi hiệp hội như cánh tay nối dài của cơ quan quản lý, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường năng lực ở các khâu mà ngành thủy sản có lợi thế cạnh tranh. Với riêng ngành nước mắm, bà Dung hy vọng có thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương hiệu.

Cần có cam kết cụ thể để thúc đẩy hợp tác. Ngoài khẳng định quyết tâm của hội và các Hiệp hội mong muốn các bên trong chuỗi trị ngồi lại với nhau để cam kết hợp tác trong 5 năm tới. Việc phối hợp có thể ký cam kết với Tổng cục thủy sản hoặc với từng lĩnh vực ngành hàng thủy sản qua đó phân công trách nhiệm, cam kết để có những hành động cụ thể, yêu cầu cụ thể và có những sản phẩm cụ thể và định kỳ đánh giá kết quả, qua đó sẽ huy động nguồn lực thực hiện, về phía Bộ cũng có thể giám sát việc thực hiện.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các Hội và Hiệp hội với Bộ NNPTNT là rất quan trọng không chỉ huy động nguồn lực mà còn giải quyết những khó khăn cũng như phát huy tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030.

"Các hiệp hội ngành hàng sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Sức khỏe của ngành là doanh nghiệp, vì thế phải cảm nhận rõ hơi thở của doanh nghiệp đang như nào", Thứ trưởng nói.

Cam kết sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cho hiệp hội, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NNPTNT hy vọng các bên liên quan sẽ chủ động tạo dựng, duy trì hệ sinh thái giữa hiệp hội ngành hàng và người dân, giúp phản ánh tiếng nói chung của ngành, cũng như quyền lợi cho từng thành viên.

Buổi làm việc chiều 21/9 mang tính chất khởi đầu cho công cuộc xây dựng liên kết giữa cơ quan quản lý với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến muốn "sợi dây" này ngày càng bền chặt, và được thể hiện rõ qua chiến lược, kế hoạch hành động thời gian tới. Trước mắt, các bên cần giúp đỡ nhau nhận diện rõ khó khăn thách thức để cùng tháo gỡ, nhất là khi nhiều mối nguy về bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu ngày càng có xu thể lan rộng trên thế giới.

"Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý các hiệp hội sớm có phương án nâng cao nhận thức cho thành viên khi tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh.

"Ngoài quản lý nhà nước thì các hiệp hội phải vào cuộc và quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản phải là các doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải đồng hành và gắn với các doanh nghiệp trong từng ngành", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem