Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: 5h sáng nông dân nuôi tôm đã xôn xao giá cả trên Zalo, Viber

Hồng Liên Thứ hai, ngày 12/09/2022 19:03 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin: "Thời đại công nghệ 4.0, những nông dân của ta rất chuyên nghiệp. Tôi có tham gia vào nhóm Zalo, Viber,.. đều đặn 5h sáng mỗi ngày, điện thoại tôi lại rung vì bà con nông dân nuôi tôm đã báo tin giá cả..."
Bình luận 0

Trả lời kiến nghị của nông dân Đặng Văn Bảy, ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu 25 tỷ đồng/năm, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã nhấn mạnh về tính liên kết chuỗi để ngành tôm phát triển bền vững và việc các nông dân chuyên nghiệp tham gia các nhóm Zalo, Viber,... để chia sẻ các thông tin liên quan đến việc nuôi trồng và xuất bán con tôm. 

Cụ thể, tại Diễn đàn, nông dân Đặng Văn Bảy, ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu 25 tỷ đồng/năm đã có kiến nghị:

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: 5h sáng nông dân nuôi tôm đã xôn xao giá cả trên Zalo, Viber - Ảnh 1.

Nông dân Đặng Văn Bảy (Bến Tre).


Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu có 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao vào năm 2025 và xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng coi xuất khẩu tôm là chủ lực.

Để hoàn thành mục tiêu trên, chúng tôi kiến nghị chính quyền các cấp đầu tư hạ tầng đường, điện nuôi tôm công nghệ cao, bởi hiện đa số diện tích chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm chưa có đường và điện phục vụ việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ nông dân chúng tôi tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 79 phê duyệt kế hoạch triển khai kế hoạch hành động của ngành tôm. Tại ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn thì tôm là một trong những đối tượng thích ứng và giúp tạo điều kiện tối đa tiềm năng.

Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII: Người nông dân chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân.

Song song với kế hoạch 79, chúng tôi đã triển khai rất nhiều nội dung từ tôm bố mẹ, quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái khác nhau. Chúng ta có nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm lúa, tôm rừng. Vừa rồi chúng ta thấy sau hạn hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL diện tích tôm lúa tăng lên rất nhiều ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và một phần ở Bến Tre.

Sau Covid-19, thời điểm này năm ngoái tình trạng ở Bến Tre không có nhà máy chế biến tôm nên rất khó khăn. Vừa qua Bến Tre có 1 dự án hạ tầng Nhà nước đầu tư về vùng nuôi tôm thâm canh và hiện nay đang khởi công một dự án nữa ở Bình Đại (Bến Tre). Có thể thấy đầu tư của Nhà nước vào ngành nuôi tôm rất lớn. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì các dự án quốc tế hiện nay cũng đang có nhiều như: Dự án ADB, dự án vay của Ngân hàng Thế giới.

Chiến lược của ngành thủy sản là giảm sản lượng khai thác, cơ cấu lại nghề khai thác cho phù hợp, bền vững và phát huy lợi thế của phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, cá và nuôi biển. Hiện nay, chúng ta nuôi tôm vẫn nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng kém mà chúng ta không tổ chức liên kết được để giảm chi phí đầu vào và đây là khâu yếu nhất. Chi phí nuôi tôm của chúng ta cũng đang cao.

Tại diễn đàn này, có HTX của anh Súa dưới Sóc Trăng hình thành rất lâu, 23 hộ hiện đang làm rất bền vững, tiếp cận được đầu vào, đầu ra, khoa học công nghệ, bền vững. Đây là bài học rất quý chúng ta nên chia sẻ cho các hộ khác hiểu được liên kết hợp tác trong nuôi tôm. Có thể thấy việc tổ chức liên kết rất quan trong, cùng với đó vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng.

Ở Bến Tre có nhà máy thức ăn của CP, Việt Úc, trại giống có nhưng chúng ta vẫn được tổ chức liên kết chuỗi tôm chưa? Thì cái này là một điểm rất yếu. Nông dân ở cơ sở cũng phải đặt vấn đề với chính quyền địa phương để liên kết thật tốt.

Đối với nuôi tôm muốn phát triển bền vững thì phải áp dụng khoa học công nghệ, phải đưa cán bộ về tận cơ sở để có kiến thức mới, giải thích, tuyên truyền cho bà con cho tốt. Đặc biệt, đề xuất nhà máy chế biến về phía Bộ NNPTNT cũng có những quy trình, Bộ có cả văn phòng ở ĐBSCL, tổ công tác 970 sau đó hiện nay tổ chức lại làm sao tránh lúc thừa lúc thiếu.

 "Thời đại công nghệ 4.0, những nông dân của ta rất chuyên nghiệp. Tôi có tham gia vào nhóm Zalo, Viber,.. về nuôi và bán tôm, cứ đều đặn 5h sáng mỗi ngày, điện thoại tôi lại rung vì bà con nông dân đã nhắn tin giá tôm ngày hôm đó..."- ông Luân nhận định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem