Việt Nam đang là nước xuất khẩu một loại tinh bột lớn thứ 2 thế giới

P.V Thứ năm, ngày 26/10/2023 17:51 PM (GMT+7)
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan.
Bình luận 0

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. 

Việt Nam hiện có 528.000ha sắn, trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Trong 10 ngày giữa tháng 10/2023, một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn phía Bắc đã bắt đầu sản xuất trở lại, lượng cung tinh bột sắn tăng, giao dịch mua hàng từ phía khách hàng Trung Quốc có xu hướng chậm lại để gây áp lực giảm giá do nguồn cung hàng vụ mới của Việt Nam có nhiều hơn. 

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sắn củ tươi vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt và giá thậm chí còn tăng tại khu vực phía Bắc. Do đó, các nhà máy nên điều tiết số lượng hàng bán ra để bình ổn giá cả. 

Tại Tây Ninh, các nhà máy vẫn giữ giá tinh bột thành phẩm bán ra ổn định so với 10 ngày trước đó do giá nguyên liệu vẫn đứng ở mức cao và tiêu thụ nội địa tốt. 

Trong khi đó, một số vùng đã bắt đầu sản xuất sắn lát vụ mới. Tuy nhiên, với giá nguyên liệu sắn củ tươi được đưa vào nhà máy chế biến tinh bột sắn cao như hiện tại, sẽ có ít củ sắn tươi được đưa vào làm sắn lát khô. Tồn kho sắn lát vụ cũ tại các kho ở Hoa Lư và Xa Mát (Tây Ninh) gần như đã giải phóng xong. 

Việt Nam đang là nước xuất khẩu một loại tinh bột lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Ảnh: T.L

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục tăng, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.400-2.450 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.450-2.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Giá sắn tươi (trữ bột 30%) thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.650-3.800 đồng/kg, giảm 50-100 đồng/kg so với 10 ngày trước đó; Tại Đắk Lắk giá dao động ở mức 3.400-3.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/ kg;

Tại Gia Lai, giá sắn dao động ở mức 3.600-4.000 đồng/kg, ổn định so với 10 ngày trước đó. Giá tinh bột sắn xuất khẩu theo đường biển và qua cửa khẩu ổn định so với 10 ngày trước đó.

Hiện, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545-560 USD/tấn, FOB tại cảng TP.Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.300-4.500 CNY/tấn. Giá sắn lát xuất khẩu cũng ổn định so với 10 ngày trước đó. 

Hiện giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 325 USD/tấn, FOB Quy Nhơn.

Trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,26% về lượng và chiếm 90,26% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,94 triệu tấn, trị giá 804,94 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về giá xuất khẩu, trong tháng 9/2023, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc tăng trở lại, đạt 463,8 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 8/2023 và tăng 1,9% so với tháng 9/2022. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 414 USD/tấn.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 89% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước; trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước. 

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tiếp tục giảm; trong khi xuất khẩu sắn lát vẫn trong xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022 do sức mua của Trung Quốc tăng. Trong các tháng tới, nhu cầu mua sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc dự kiến vẫn tăng do các nhà máy chuẩn bị nguồn hàng để sản xuất phục vụ cho dịp lễ Tết cuối năm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh Trung Quốc, thị trường Trung Quốc cũng đang tăng nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 76.000 tấn, trị giá 31,75 triệu USD. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 49,67% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, tăng so với mức 41,85% của 9 tháng đầu năm 2022. 

Với mặt hàng tinh bột sắn, Việt Nam cũng là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 9 tháng năm 2023, với 3.760 tấn, trị giá 2,11 triệu USD, tăng 42,6% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 9 tháng năm 2023, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 13,05% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, tăng mạnh so với mức 9,97% của cùng kỳ năm 2022. 

Qua số liệu thống kê cho thấy, Hàn Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn, trong khi giảm nhập khẩu sắn. Tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang cạnh tranh với sản phẩm đến từ Thái Lan; trong khi giá sắn và tinh bột sắn nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn của Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem