Việt Nam đang tiềm ẩn “nạn đói”

Diệu Thu Thứ hai, ngày 25/05/2015 20:43 PM (GMT+7)
PGS.TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo tại buổi gặp mặt báo chí chiều 25/5.
Bình luận 0

Theo bà Mai, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với “nạn đói tiềm ẩn”. Nạn đói này là thiếu vi chất dinh dưỡng, vitamin, sắt, i-ốt và kẽm. Nếu thiếu những vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Thống kê của Viện Dinh Dưỡng cũng cho thấy, ở Việt Nam tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%. Như vậy, cứ 4 bé thì có hơn 1 bé (25,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ngoài ra, chế độ ăn điển hình của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng và vi chất cho trẻ.

Kết quả điều tra dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, 9,1% trẻ em bị thiếu máu, 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu năng lượng diễn ra ở bà mẹ có con dưới 5 tuổi có giảm nhưng vẫn ở mức cao (15,1%).

img
Tại Việt Nam, cứ 4 bé thì có hơn 1 bé bị suy dinh dưỡng thấp còi. (Ảnh: Diệu Thu)

 

Bà Mai cho biết, suy dinh dưỡng thấp còi còn được gọi là suy dinh dưỡng mãn tính, gây hệ lụy lớn với thể lực, tầm vóc, sự dẻo dai và phát triển trí tuệ của trẻ sau này, thậm chí kéo dài qua nhiều thế hệ.

“Người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Trẻ thấp còi phát triển khó đuổi kịp các bạn bình thường cùng tuổi. Nếu 3 tuổi trẻ phát triển tốt, đạt 94,5 cm thì chiều cao khi 18 tuổi là 170 cm, bị suy dinh dưỡng thì con số này chỉ là 158 cm”, PGS.TS. Lê Bạch Mai cảnh báo.

Do đó, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một “cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam.

Ngoài ra, thanh toán nạn đói các vi chất dinh dưỡng cũng là một thách thức về xã hội hơn là kỹ thuật đơn thuần. Do đó, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết.

Các chuyên gia cũng cho biết, suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển, trí tuệ, sức khỏe, học tập và năng suất lao động trong tương lai. Vì thế, cần khuyến khích thực hành dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong 1.000 ngày đầu tiên quan trọng của cuộc đời.

 

Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Người dân nên sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nên đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.

Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Sử dụng muối iốt và các sản phẩm có bổ sung iốt trong bữa ăn hàng ngày.

“Đặc biệt, ngày 1 - 2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường”, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo.

 

 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem