Việt Nam đóng góp cho Hội đồng Bảo an LHQ với tinh thần độc lập, tự chủ, cân bằng
Việt Nam đóng góp cho Hội đồng Bảo an LHQ với tinh thần độc lập, tự chủ, cân bằng
V.N
Thứ năm, ngày 24/09/2020 10:52 AM (GMT+7)
Trong vai trò là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), đối với các vấn đề phức tạp có mâu thuẫn quan điểm, tranh chấp lợi ích giữa các nước, Việt Nam đã xử lý khéo léo, thỏa đáng, tránh bị cuốn vào sự đối đầu, chính trị hóa giữa các nước lớn.
Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 bất ngờ làm tê liệt nhiều hoạt động trên toàn cầu, tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trách nhiệm chủ động tích cực của một quốc gia thành viên, nhất là trên cương vị là thành viên không thường trực HĐBA.
8 tháng đầu năm 2020 đánh dấu các hoạt động đầy ắp, tích cực của Việt Nam tại LHQ. Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng, bao gồm cả sự phối hợp đóng góp tích cực của các bộ ban ngành trong nước cho sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Nhìn lại, có thể nói dấu ấn Việt Nam tại LHQ rất đậm nét với hàng loạt công việc đã được chúng ta hoàn thành xuất sắc.
Trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế và báo giới. Việt Nam để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ; và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA.
Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là "đúng, trúng và kịp thời" trong tháng đầu tiên của năm 2020 - dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và ký kết Hiến chương LHQ, đáp ứng nguyện vọng chung của các nước thành viên là đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, vai trò của các tổ chức khu vực (trong đó có ASEAN) khi môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, một số nước lớn có chiều hướng chính sách, hành động đi ngược lại các nguyên tắc cốt lõi này.
Trong vai trò UVKTT HĐBA, Việt Nam tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Đối với các vấn đề phức tạp có mâu thuẫn quan điểm, tranh chấp lợi ích giữa các nước, Việt Nam đã xử lý khéo léo, thỏa đáng, tránh bị cuốn vào sự đối đầu, chính trị hóa giữa các nước lớn. Việc Việt Nam tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến và phấn đấu thể hiện vai trò cầu nối trên một số vấn đề, vừa nhằm phát huy vai trò "trung gian, hòa giải" và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban theo dõi thực hiện các NQ về Nam Sudan (nơi Việt Nam đang triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2), Việt Nam đã phát huy vai trò trung gian góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước, có nhiều đóng góp về nội dung được phản ánh vào NQ gia hạn cơ chế trừng phạt đối với Nam Sudan, được các nước châu Phi và Mỹ (nước chủ trì dự thảo) ghi nhận tích cực.
Tận dụng tốt "vai trò kép" là UVKTT HĐBA và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tổ chức tốt phiên họp của HĐBA về hợp tác LHQ – ASEAN, thường xuyên đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề của các khu vực. Việt Nam cũng tăng cường phối hợp lập trường với Indonesia, góp phần thúc đẩy đoàn kết, vai trò và hiện diện của ASEAN tại HĐBA LHQ (trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam và Indonesia có 3 lần phát biểu chung tại HĐBA, là hình thức phối hợp mới so với năm 2008 khi hai nước cùng đảm nhận cương vị UVKTT HĐBA).
Việt Nam còn tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên để phát huy vai trò và đóng góp của mình tại HĐBA, gồm: Khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; an ninh và biến đổi khí hậu; phụ nữ, hòa bình và an ninh; hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; trẻ em và xung đột vũ trang và hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.
Có lẽ, đánh giá rõ nét nhất là của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong lời chúc mừng Quốc khánh Việt Nam lần thứ 75. Ông viết: "Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập… Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững. Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam diễn ra trùng hợp với dịp Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của các bạn trên trường quốc tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.