Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
“Việt Nam không để bị lôi kéo vào xung đột”
Dân Việt: Thưa Phó Thủ tướng, phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện Biển Đông vừa qua được cho là phép thứ đối với ASEAN. Có nhiều ý kiến cho rằng một số nước ASEAN tỏ ra muốn đứng ngoài những tranh chấp ở Biển Đông, xin cho biết đánh giá của Việt Nam về lo ngại này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Biển Đông chỉ là một trong những nội dung trong các thảo luận của ASEAN, không phải là tất cả. ASEAN còn có các vấn đề khác như xây dựng cộng đồng ASEAN, cộng đồng kinh tế…vậy ASEAN có lo ngại về tranh chấp Biển Đông hay không? Có một số nước ASEAN có quan điểm khác nhau thì đây là một thực tế. Trong ASEAN có những vấn đề tất cả cùng mục tiêu, có những vấn đề do sự quan tâm của các nước khác nhau thì có mức độ đề cập và quan điểm cũng khác nhau.
Nhưng trong ASEAN phải hiểu rằng, dù là nước nào thì môi trường Biển Đông cũng sẽ tác động đến các nước, tác động đến hoà bình và ổn định của khu vực. Vì, nếu có các xung đột diễn ra nếu có thì nó tác động đến môi trường hoà bình, ổn định khu vực và từng nước, nên các nước và bên ngoài đều có trách nhiệm.
Ngoài ra, cũng phải khẳng định là vấn đề gì ở Biển Đông, tranh chấp chủ quyền giữa những nước nào thì do những quốc gia đó đàm phán giải quyết với nhau, vấn đề nào song phương thì đàm phán song phương, vấn đề nào đa phương thì đàm phán đa phương, nhưng một nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là duy trì được hoà bình, ổn định của khu vực. Nguyên tắc này không thể bỏ được dù nước này, nước kia có đề cập ở mức độ khác nhau song cũng phải bảo đảm được hoà bình, ổn định trong khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế và không sử dụng vũ lực…đó là mẫu số chung của ASEAN. Đến nay, trong ASEAN có 7/10 nước đã sử dụng công cụ pháp lý hay trọng tài.
Tuổi Trẻ: Hiện cũng có lo ngại xu hướng Việt Nam bị cuốn vào cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, xin Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cạnh tranh giữa các nước lớn xuất phát từ lợi ích chiến lược vì vậy ở thời điểm nào cũng luôn luôn có sự cạnh tranh, nơi nào cũng có sự cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nước lớn nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến đối đầu. Chúng ta đã rút ra được những bài học và chúng ta không để cho bất cứ ai lôi kéo chúng ta vào cạnh tranh xung đột. Việt Nam chỉ thực hiện đúng đường lối độc lập và tự chủ thì mới đảm bảo được độc lập và tự chủ và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta có chủ trương không liên minh, liên kết để chống lại bất kỳ nước thứ 3 nào. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của chúng ta là để có độc lập tự chủ chúng ta phải phát triển quan hệ với các nước, đi từ chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù” đến chính sách “làm bạn” để chúng ta không bị rơi vào sự cạnh tranh nào của các nước và không bị lôi kéo vào lợi ích xung đột của các nước. Việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của chúng ta là do chính chúng ta và dựa trên cơ sở sự ủng hộ của các nước, không có nước nào giữ hộ độc lập chủ quyền cho chúng ta.
Không lo Trung Quốc "đi đêm" với Philippines
Dân Việt: Cũng có những lo ngại là Trung Quốc và Philippines sẽ “đi đêm” với nhau sau phán quyết của Toà Trọng tài. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Nếu đó là vấn đề liên quan giữa hai nước Philippines và Trung Quốc thì hai nước phải giải quyết tranh chấp với nhau. Như vấn đề về Trường Sa chúng ta hiểu được đây là khu vực có tranh chấp với 5 nước, 6 bên, nên phải có các nước liên quan tham gia. Các đảo Việt Nam đang quản lý đúng theo luật pháp quốc tế, chúng ta đảm bảo được chủ quyền của chúng ta là 200 hải lý theo luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở đàm phán song phương và đa phương.
Chúng ta cũng có những đàm phán riêng với Trung Quốc về phân định ngoài Vịnh Bắc Bộ hay các vấn đề nhạy cảm khác. Đó là những đàm phán giữa các quốc gia với nhau thì không có gì phải lo ngại, nếu những đàm phán đó không ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta và hoà bình của khu vực.
Thanh Niên: Về khả năng Trung Quốc leo thang ở Biển Đông, nhiều lo ngại xung đột ở Biển Đông biến thành cuộc chiến quy mô lớn. Bình luận của Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Biển Đông không phải là vấn đề riêng của một nước. Biển Đông là tuyến đường hết sức quan trọng. Nhưng để bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông không phải của riêng nước nào mà của tất cả các nước. Tất cả các nước đều có trách nhiệm trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông. Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ làm chậm tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng của tất cả các nước.
Biển Đông có tranh chấp giữa nhiều nước, vì vậy việc giải quyết phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đó cũng là yêu cầu của các nước. Các nước không thể tham gia giải quyết vấn đề chủ quyền mà chỉ có các nước có liên quan, thông qua đàm phán, thương lượng. Việc để xảy ra tình trạng leo thang đó là trách nhiệm của các nước. Và việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược xu thế thời đại. Xu thế chung là ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng kiếm chế và tự kiềm chế trong các khuôn khổ. Tình hình hiện nay là các nước đang kêu gọi các bên kiềm chế thể hiện quan tâm của các nước. Xung đột đó không thể lường trước được. Hậu quả của tất cả các cuộc chiến tranh đều rất thảm khốc và không có kẻ thắng người thua.
Tất cả các nước đều phải đánh giá, xem xét. Các biện pháp hiện nay đang tiến hành trong ASEAN và Trung Quốc là tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Các bên đang nỗ lực để có được COC trong năm 2017.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.