Việt Nam không lọt top 61 nước đọc sách nhiều là…đương nhiên?

Mỵ Lương Thứ ba, ngày 31/01/2017 19:00 PM (GMT+7)
Là người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”, được nhận giải thưởng của UNESCO tôn vinh những người khai trí, ông Nguyễn Quang Thạch đã chia sẻ với phóng viên Dân Việt nhân dịp năm mới.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Quang Thạch lý giải về việc 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất, không có tên Việt Nam.

Trong bản thống kê 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất thế giới mới công bố, Việt Nam không có tên trong danh sách này khiến không ít người cảm thấy ngỡ ngàng và có chút hụt hẫng. Nhìn vào thực trạng đọc sách chung của người Việt quả là có nhiều điều đáng lo ngại, băn khoăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn” nhận định, Việt Nam không có tên trong danh sách các quốc gia đọc sách nhiều là điều đương nhiên. “Bởi, hệ thống thư viện trường học – nơi mà đánh thức tiềm năng đọc và tạo thói quen đọc sách cho trẻ em mầm non, bậc tiểu học, trung học cơ sở…thì hầu như không hoạt động. Dù chúng ta đã triển khai, bố trí ngân sách cho ngành thư viện không ít nhưng cách làm không hiệu quả ở chỗ sách đưa về thư viện rất ít. Thứ hai, học trò không được mang sách về nhà và việc này đã kéo dài hàng chục năm rồi” – Ông Thạch lý giải.

img

Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Ông Thạch cũng lý giải thêm, phong trào đọc sách đi xuống trong hàng chục năm nay dù đã được chúng ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cấp cho các thư viện. Trong khi đó, số sách đến với người đọc, số sách giá trị, phù hợp với lứa tuổi thì rất ít. Điều này được chứng minh khi đi thực tế về những trường học và hỏi học sinh về phong trào đọc sách sẽ biết được ngay. Khi tiềm năng đọc của học sinh mỗi năm đọc hai, ba chục cuốn còn thực tế, các em chỉ đọc được vài cuốn sách giáo khoa do các em từ nhỏ không có thói quen đọc sách.

img

Theo ông Thạch, để nâng cao phong trào đọc sách trước hết nên xây dựng tủ sách ở trường học, khuyến đọc cho con trẻ tự quản lý tủ sách. Đối với trẻ em mầm non, các bậc cha mẹ cả ở nông thôn, thành thị nên thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe. Còn đối với học trinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…cần có các tủ sách trong lớp học, khuyến khích việc đọc sách. “Thực hiện được những điều đó thì 10 năm sau chắc có lẽ nước ta sẽ nằm trong danh sách các quốc gia có nhiều người đọc sách nhất” – Ông Thạch nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem