Lào Cai xóa nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

HC Thứ bảy, ngày 16/09/2023 08:00 AM (GMT+7)
Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, công tác truyền thông luôn được tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa thông tin về cơ sở.
Bình luận 0

Đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân

Xác định thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ viễn thông nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với khu vực thành thị. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng nhưng đầy thách thức, cần các giải pháp đồng bộ, dài hạn,...

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, công tác tuyên truyền được tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trên hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội và truyền thông cơ sở.

Với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet, hạ tầng truyền thông cơ sở đã bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

Có mặt tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, chứng kiến người dân đang cùng bàn ở trên nhóm chung trên mạng xã hội về cách trồng chè, giá cả, kỹ thuật trồng chuối, dứa, hay cập nhật chủ trương, chính sách của địa phương… ta mới thấy được mức độ tiếp cận thông tin của người dân nhanh nhạy, hiệu quả đến nhường nào.

Bà Tráng Minh Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình cho biết: "Xã Thanh Bình là địa phương có nhiều sáng tạo trong sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và nhất là công tác bảo vệ an ninh, trật tự xã hội".

Lào Cai xóa nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Nhờ tiếp cận được thông tin nên bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng và sản xuất nông nghiệp.

Được biết, huyện Mường Khương với hơn 88% là bà con dân tộc thiểu số, trong đó có 49.800/67.721 người dân có điện thoại di động (chiếm 73,53% dân số), trong số đó có hơn 20.000 người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn kết nối internet tham gia một số mạng xã hội phổ biến hiện nay để cập nhật tin tức.

Từ thực tế tại địa phương cho thấy, việc tiếp cận được thông tin nhanh nhạy, chính xác bước đầu giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công đến người dân, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính trị, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; công tác truyền thông thực hiện kịp thời đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Tính đến 30/6/2023, hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh Lào Cai phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, thôn, trường học, bệnh viện. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang băng rộng kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn, 100% đến tổ dân phố và 75,7% kết nối đến thôn. Mật độ thuê bao Internet băng rộng đạt 64 thuê bao/100 dân.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã và đang nâng cao mức độ phổ cập sử dụng, kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh. Theo đó, đến nay tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại di động: 98% (168.526/171.984 hộ); tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại smartphone: 93,7% (161.102/171.984 hộ). Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng đến thôn, bản từ đó giúp người dân đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tiếp cận chính sách của đảng và nhà nước được nhanh chóng và thuận tiện.

Thêm nữa, kiến trúc chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh đã được ban hành, từng bước triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị nâng cao an toàn thông tin được bổ sung, nâng cấp hằng năm theo nhiệm vụ của Nghị quyết. Các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý, điều hành bước đầu được triển khai trên cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Nhiều giải pháp nhằm xóa nghèo thông tin

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, thời gian qua, nhằm xóa nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đang triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 170 điểm kết nối tại cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lào Cai còn 14 thôn trắng sóng 2G; 37 thôn trắng sóng 3G, 4G; 270 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cáp quang.

Lào Cai xóa nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Một buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt của Hội nông dân Lào Cai.

Như tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), chương trình đã triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số (đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông). Từ đó, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số cho khoảng 15 xã và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 300 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã triển khai 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng trên 1.562 thôn tổ dân phố địa bàn tỉnh (đạt tỷ lệ 100%) với sự tham gia của 6.870 thành viên với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên tại các thôn, tổ dân phố. Triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành: 100% cơ quan hành chính trên cả 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) được triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành.

Các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện đào tạo cho tổ công nghệ số cộng đồng và lồng ghép với nhiệm vụ đưa sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử gồm: UBND thành phố, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng đã thực hiện tổ chức tập huấn tới từng UBND xã, phường, thị trấn.

Song song với đó, các chương trình được phát sóng trên sóng phát thanh – truyền hình tiếng Việt và dịch sang các tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy) phát sóng trên sóng phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số hiểu, thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy làm giàu, biết cách làm giàu, phát triển kinh tế ổn định.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số.

Tính đến hết tháng 6/2023, việc thực hiện chỉ tiêu "thiếu hụt về thông tin" trong các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội Lào Cai cơ bản đạt 96,7% (đạt 125,6% mục tiêu năm 2023) hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 91,8% (đạt 98,7% mục tiêu năm 2023) các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem