Việt Nam sẽ có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2050
Việt Nam sẽ có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2050
Thiên Hương
Thứ ba, ngày 19/12/2023 11:21 AM (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt Đề án về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ.
Phấn đấu trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực
Đề án được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Cụ thể theo Đề án, mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn).
Nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm.
Đặc biệt đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt…, được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.
Nhiều giải pháp nhiệm vụ được đặt ra
Đề án đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ; phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ;
Nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; triển khai các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Đề xuất các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ sở pháp lý về phòng thử nghiệm kiểm chứng.
Tiến hành giải pháp thực hiện rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số.
Số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) đã được công nhận lưu hành hiện nay là trên 7.000 sản phẩm, chiếm 27% tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành. Sau 4 năm thực hiện Luật Trồng trọt, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP cơ cấu số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đã tăng từ 17,5% lên 27% và số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã giảm từ chiếm 82,5% xuống còn 73%.
200 triệu tấn chất thải hữu cơ có thể dùng làm phân bón hữu cơ
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi; trồng trọt; thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và chất hữu cơ tự nhiên (rong biển, tảo biển, ...) có thể khai thác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.
Tính đến năm 2020, cả nước có 265 cơ sở có sản xuất phân bón hữu cơ (tăng 1,5 lần so với năm 2017) đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, chiếm 31,5% so với tổng số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Nhiều cơ sở đang chuyển dịch từ chỗ chỉ sản xuất phân bón vô cơ sang sản xuất cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm, chiếm 13% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước. Sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp trong nước tăng từ 1,07 triệu tấn năm 2017 lên 2,4 triệu tấn năm 2020.
Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trong nước mới ra đời đã áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến từ các nước trên thế giới cho phép xử lý triệt để, hiệu quả các nguyên liệu đầu vào với thời gian ngắn hơn thông qua các thiết bị điều khiển tự động, chính xác các thông số môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, pH) kết hợp sử dụng các chủng vi sinh vật chức năng do vậy có thể tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao, tương đương với các sản phẩm nhập khẩu.
Thêm vào đó, hầu hết các nhà máy sản xuất mới ra đời đã đầu tư dây chuyển, thiết bị kép kín để cơ giới hóa, tự động hóa các quá trình thu gom, xử lý, cung cấp, nghiền, sàng nguyên liệu; quá trình sấy, tạo hạt, đóng bao nên đã nâng cao năng suất lao động, công suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm nên có thể cạnh tranh về chất lượng và giá thành với phân bón nhập khẩu.
Tiềm năng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ của nước ta rất lớn, nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), lâu nay chúng ta chưa có các chính sách cụ thể, có tác động trực tiếp đến việc khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, giảm sử dụng phân bón hóa học trong canh tác trồng trọt. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý sử dụng phân bón dẫn tới không thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ.
Người dân đang dần mất đi tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trước đây, thay vào đó là sử dụng phân bón vô cơ do có tác dụng nhanh, hiệu quả trước mắt mà chưa chú ý đến những tác hại lâu dài của việc lạm dụng phân bón vô cơ.
Trong chỉ đạo sản xuất và các chương trình, đề tài, dự án còn thiếu sự phối hợp, lồng ghép sử dụng phân bón hữu cơ, vì thế tình trạng sử dụng phân bón mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ vẫn còn phổ biến...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.