Vườn trồng loại cây ra "nữ hoàng quả khô" ăn tốt cho tim mạch, nông dân Lạng Sơn đón cơ hội làm giàu

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 19/12/2023 09:20 AM (GMT+7)
Vừa qua Văn phòng Phát triển bền vững – Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, canh tác cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học cho một số hộ nông dân xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Bình luận 0

Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, nhằm giúp nông dân thay đổi cách thức sản xuất, vươn lên làm giàu…

Thành lập tổ, hội giúp nhau sản xuất lớn

Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Ngôn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn và đến nay đã khẳng định được tiềm năng, lợi thế với tổng diện tích trồng 486ha (nhiều nhất là huyện Lộc Bình 119ha, Tràng Định 93ha, Cao Lộc 46ha...).

Nhân rộng vườn mắc ca, giúp nhiều nông dân xứ Lạng làm giàu - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Ngôn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn thông tin về mô hình và định hướng cho nông dân tham gia mô hình tổ, hội để sản xuất mắc ca. Ảnh: G.T

"Được các đơn vị triển khai mô hình cung cấp cây giống miễn phí, các hộ chúng tôi rất phấn khởi và sẽ tích cực trồng, chăm sóc cây. Hy vọng đây là cây giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế và sẽ là cây trồng để dành cho thế hệ tương lai…".

Nông dân Hoàng Văn Hoan

(xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc)

Mắc ca là cây chiến lược trong phát triển các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam, được thể hiện tại Quyết định số 344 ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển bền vững cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đề án này, định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành và phát triển ngành hàng cây mắc ca từ trồng, chăm sóc cơ giới hoá, thu hoạch, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai đề án của Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 249 ngày 15/12/2022 về thực hiện đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cây mắc ca lên 1.480ha, đến năm 2030 phát triển lên 2.930ha và đến năm 2050 phát triển lên 6.850ha.

Lạng Sơn cũng phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích mắc ca cho thu hoạch đạt 100ha, sản lượng đạt 210 tấn hạt tươi; đến năm 2030 nâng diện tích cho thu hoạch đạt 550ha, sản lượng đạt 1.155 tấn hạt tươi; tỷ lệ sơ chế, chế biến đạt 85% trở lên.

Việc phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho thấy năng suất đạt khá cao, sản phẩm có chất lượng tốt. Các hộ trồng mắc ca đã được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn hướng tới xuất khẩu…

Nhân rộng vườn mắc ca, giúp nhiều nông dân xứ Lạng làm giàu - Ảnh 3.

Các hộ nông dân tham gia mô hình ở xã Yên Trạch tiếp nhận, tìm hiểu bước đầu về cây giống và phân bón cho cây mắc ca được hỗ trợ. Ảnh: G.T

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mắc ca của Lạng Sơn, yêu cầu đặt ra là cần lựa chọn cây giống đảm bảo tiêu chuẩn (năng suất cao, chất lượng tốt), phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tiểu vùng sinh thái của từng địa phương, từng huyện. Kết hợp hài hòa giữa việc trồng xen và trồng thuần tập trung; cùng với tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để sản xuất mắc ca theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh tốt kể cả trong nước và nước ngoài.

Muốn thực hiện được việc nâng cao năng suất, chất lượng mắc ca, ông Hoàng Văn Ngôn cho rằng các khâu trồng, chăm sóc cần phải đồng bộ, hiệu quả. Do đó, các hộ trồng mắc ca cần tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây mắc ca (hoặc có thể thành lập chi hội, tổ hội trồng cây mắc ca), theo tiêu chí 5 cùng: Cùng ngành nghề; cùng chia sẻ; cùng mối quan tâm; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi; họp sinh hoạt chi hội, tổ hội để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, tìm hiểu giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm).

Từ yêu cầu và mục tiêu đó, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn giao Hội Nông dân huyện Cao Lộc chỉ đạo Hội Nông dân xã Yên Trạch hướng dẫn các hộ nông dân trồng mắc ca trên địa bàn, nhất là các hộ được lựa chọn tham gia dự án ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca tham gia thành lập và hoạt động trong Chi hội nông dân trồng mắc ca xã Yên Trạch. Việc tham gia chi hội sẽ giúp các hộ khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty mắc ca Hoàng Liên (đơn vị bao tiêu sản phẩm mắc ca) cho biết: Hiện sản phẩm hạt mắc ca trên địa bàn Lạng Sơn được khách hàng ưa chuộng, bởi chất lượng hạt thơm ngon. Trong nhiều năm qua, công ty không cung cấp đủ lượng hàng ra thị trường, nên rất mong nhiều nông dân ở Lạng Sơn tham gia trồng mắc ca để có mặt hàng đủ số lượng đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Ngoài ra ông Hùng còn cam kết công ty sẽ bao tiêu toàn bộ quả mắc ca của bà con nông dân sản xuất ra sau này với giá cả tốt nhất.

Tăng thu nhập và làm "của để dành"

Là một trong những nông dân tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học tại xã Yên Trạch, ông Hoàng Việt Hoan (sinh năm 1975, ở thôn Yên Hạ, xã Yên Trạch) cho hay: "Hiện nay giá cây giống mắc ca trên địa bàn khá cao. Để người dân chúng tôi bỏ ra một khoản tiền khá lớn đầu tư cây giống thì chúng tôi chưa sẵn sàng. Vậy nên được các đơn vị triển khai mô hình cung cấp cây giống miễn phí, các hộ chúng tôi rất phấn khởi và sẽ tích cực trồng, chăm sóc cây. Hy vọng đây là cây giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế và sẽ là cây trồng để dành cho thế hệ tương lai vì theo tài liệu mà chúng tôi được phổ biến và tập huấn thì tuổi thọ khai thác của cây mắc ca là rất cao, lên tới hàng chục năm, và cây càng cao tuổi thì chất lượng và năng suất càng cao".

Cũng được tập huấn kỹ thuật sản xuất và nhận cây giống mắc ca, chị Lưu Thị Lệ (sinh năm 1992, ở thôn Yên Hạ, xã Yên Trạch) chia sẻ, gia đình chị đã chuẩn bị diện tích đất sạch để trồng mắc ca đợt này, nếu thấy hiệu quả thì sẽ sẵn sàng mở rộng diện tích hơn nữa. Đây là cây trồng mới nên chị Lệ cho biết mình rất hồi hộp vì thực tế chưa được nhìn thấy cây mắc ca ở bên ngoài bao giờ.

Đại diện Văn phòng Phát triển bền vững – Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (đơn vị hỗ trợ cây giống và phân bón, chế phẩm sinh học để triển khai mô hình) bày tỏ mong muốn các hộ tham gia mô hình tiếp thu đầy đủ nội dung được tập huấn, đọc kỹ tài liệu hướng dẫn về trồng và chăm sóc cây mắc ca… để làm sao áp dụng thành thạo trong sản xuất, từ đó phát huy được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất Lạng Sơn, đảm bảo mô hình đạt hiệu quả cao, giúp bà con nâng cao thu nhập và tiến tới làm giàu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem