Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 07/06/2024 15:16 PM (GMT+7)
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, RCEP, trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi, bởi vậy, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc.
Bình luận 0

Sáng nay, 7/6, tại TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các Hiệp định EVFTA/RCEP (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia-New Zealand).

Tham dự hội nghị có đại diện các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; lãnh đạo Sở NNPTNT các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn và đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu nông sản.

"Bắt buộc phải có cam kết, tuân thủ quy định của nước nhập khẩu"

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nội dung chính của các hội nghị là cập nhật thông tin về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như EVFTA, RCEP.

Đồng thời, nêu rõ những quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động thực vật, sản phẩm thủy sản, sản phẩm chế biến; Quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản của thị trường và các vấn đề cần lưu ý liên quan tới tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc- Ảnh 1.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, RCEP, trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi, bởi vậy, việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc. Ảnh: Minh Ngọc

"Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, RCEP, trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi, bởi vậy, việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật từ các nước nhập khẩu là yêu cầu bắt buộc", ông Nam cho hay.

Nhắc lại chỉ đạo của Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", ông Nam cho rằng, nếu "không đi cùng nhau", chúng ta sẽ bị các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đi trước, thậm chí bỏ xa.

Việt Nam hiện là đối tác số một tại ASEAN của EU. Châu Âu từ xưa đến nay được xem là "khó tính". Việc tăng trưởng thương mại thông qua EVFTA là một minh chứng cho thấy chất lượng nông sản Việt ngày càng được nâng cao.

Còn với RCEP, đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với quy mô hơn 2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Khối có 2/3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc- Ảnh 2.

Cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong các Hiệp định EVFTA/RCEP (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia-New Zealand). Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nam cũng thông tin, thời gian qua, Việt Nam đã xúc tiến ký kết hợp tác xuất khẩu một số loại nông sản với Isarel – một trong những thị trường "cửa ngõ" để vào Trung Đông. Cạnh đó, cũng đang đàm phán với Ả Rập Xê-út để xuất khẩu các sản phẩm nông sản dành cho người hồi giáo. "Halal là thị trường đầy tiềm năng với trên 2 tỷ dân, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các nước hồi giáo có giá trị rất cao, đồng nghĩa quy định, đòi hỏi về chất lượng cũng phải tương ứng", ông Nam cho biết.

Cách đây 4 ngày, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong đó cũng đề cập đến việc Việt Nam sẽ mở cửa và hướng đến xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Phi. 

Và mới ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung đã hội đàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, theo đó, hai nước sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.

Tại hội đàm, Thứ trưởng Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hai lãnh đạo cũng chứng kiến ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

"Có thể thấy rằng, Việt Nam đều đã ký hiệp định xuất khẩu nông sản với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, bởi vậy, bắt buộc chúng ta phải có cam kết, tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu", ông Nam nói.

Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc- Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo ông Nam, Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới với đa dạng các sản phẩm trái cây mà nhiều nước trên thế giới không có, bởi vậy, nhiều nước rất mong muốn nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Và để xuất khẩu nông sản được thuận lợi thì chúng ta cần phải nhận thức cho đúng về đảm bảo ATTP, an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản. 

"Sản xuất an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người dân trong nước mà còn thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng trên thế giới. Đồng thời, đảm bảo các biện pháp kiểm dịch là "2 trục" rất quan trọng trong xuất khẩu nông sản và đây là yêu cầu bắt buộc áp dụng. Nếu như các doanh nghiệp, HTX, nông dân không nắm vững được các yêu cầu ATTP và kiểm dịch động, thực vật, nếu trong sản phẩm không may còn tồn dư thuốc BVTV, quá giới hạn cho phép hoặc trên trái cây còn các đối tượng kiểm dịch lập tức sẽ bị nước nhập khẩu đưa ra cảnh báo hoặc thu hồi, thậm chí tiêu hủy, trả hàng…", ông Nam lưu ý.

Đưa Lạng Sơn lên "bản đồ" xuất khẩu nông sản

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 6 cửa khẩu phụ - là "cửa ngõ" để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Bởi vậy, hội nghị này có vai trò quan trọng, bổ ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Đồng quan điểm, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, Lạng Sơn không chỉ thuận lợi trong xuất khẩu mà còn có dư địa rất lớn để sản xuất nông nghiệp. "Lạng Sơn không có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có nghĩa là không phát triển được, quan trọng là lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp cần ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư...".

Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc- Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Nam, cách đây hơn 5 năm không ai nghĩ Sơn La lại là một tỉnh xuất khẩu nông sản hàng đầu ở phía Bắc. Lạng Sơn cũng có rất nhiều thuận lợi, 5 năm tới rất có thể Lạng Sơn cũng là tỉnh xuất khẩu nông sản tốp đầu ở khu vực Đông Bắc. Ông Nam bày tỏ hi vọng thời gian tới Văn phòng SPS và các đơn vị của Bộ NNPTNT sẽ đồng hành với Lạng Sơn, từ đó góp phần đưa tỉnh "xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu nông sản của Việt Nam". 

Tại hội nghị, ThS. Nguyễn Hoàng Long, TS. Đào Văn Cường, ThS. Đinh Đức Hiệp của Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin về về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; Các quy định của thị trường ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc (Quy định 248) và các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc (Quy định 249) và những vấn đề cần lưu ý.

Việt Nam tham gia 19 hiệp định FTA: Tuân thủ biện pháp ATTP và kiểm dịch động, thực vật là yêu cầu bắt buộc- Ảnh 5.

Hội nghị có sự quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các HTX, hội viên nông dân. Ảnh: Minh Ngọc

Bên cạnh đó, TS. Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc, Văn phòng TBT Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng thông tin về quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản của thị trường RCEP (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand) và các vấn đề cần lưu ý liên quan tới TBT.

Tại hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc, câu hỏi của các doanh nghiệp liên quan đến biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của các nước nhập khẩu; Quy định 248, 249 của Trung Quốc, đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói...

Theo dự kiến, trong tháng 6/2024, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị tại 3 tỉnh là Lạng Sơn, Phú Yên và Thái Bình. Trong số này, Lạng Sơn có thế mạnh về cửa khẩu, cũng là cửa ngõ xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc. Phú Yên là một trong những vựa thủy sản chính của cả nước, đặc biệt là cá ngừ. Còn Thái Bình là địa phương sản xuất lúa nổi tiếng tại Đồng bằng sông Hồng.

Từ năm 2022, Văn phòng SPS Việt Nam liên tục tổ chức các chuỗi hội nghị tại nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua chương trình, doanh nghiệp, HTX và người dân có cơ hội được giải đáp những thắc mắc liên quan tới quy định SPS trong hoạt động xuất nhập khẩu.

"Nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nông sản lại có tính mùa vụ. Việc hiểu chắc, nắm rõ các quy định quốc tế sẽ giúp người sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giảm bớt phần nào rủi ro", Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam chia sẻ.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem