Việt - Nhật hợp tác làm nông nghiệp hữu cơ để xuất sang nước thứ 3

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 08/06/2017 15:30 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm kiếm cơ hội làm nông sản tại Việt Nam rồi xuất ngược về nước họ, thu giá trị kinh tế cao. Nhưng không vì thế mà Việt Nam lạm dụng hướng đi này vì dễ động chạm đến quyền lợi nông dân Nhật Bản.
Bình luận 0

Đó là một trong những lưu ý được ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) đề xuất tại Diễn đàn hợp tác Việt – Nhật lần 2 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tổ chức sáng nay 8.6 tại TP.HCM.

img

Tại Diễn đàn sáng nay, AHTP thực hiện lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Trao đổi cụ thể hơn vấn đề này, ông Thiện giải thích: năm 2008, hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế VJEPA. Đây là một bước tiến trong hợp tác Việt - Nhật. Từ đó thương mại hai nước có điều kiện trao đổi nhiều.

Một số doanh nghiệp Nhật qua Việt Nam tìm nơi sản xuất nông sản và xuất khẩu ngược lại Nhật. “Nhưng nếu hợp tác với Nhật Bản mà cứ duy trì hoặc lợi dụng cách làm là xuất ngược về Nhật thì e rằng không bền vững. Khi đó chúng ta sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nông dân Nhật Bản”, ông Thiện nói.

Nhật là quốc gia có tính bảo hộ nông nghiệp cao, dù hội nhập TPP, Nhật có thể nới lỏng bớt. “Nhưng khi hợp tác, ta nên đi theo hướng đẩy mạnh hợp tác về công nghệ, lao động… để hướng đến thị trường xuất khẩu lớn hơn, hoặc xuất qua một nước thứ 3. Khi đó chúng ta sẽ được Nhật ủng hộ nhiều hơn ”, ông Thiện gợi ý.

img

Cũng tại diễn đàn này, AHTP chính thức ra mắt phòng trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao

Tất nhiên, ông Thiện cho biết đây là lưu ý cho các bước đi tiếp theo vì Việt Nam còn nhiều dư địa để làm nông nghiệp hữu cơ, cần tiếp tục mở rộng kết nối, kêu gọi thêm vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp.

Theo báo cáo từ AHTP, tỷ lệ vốn FDI trong nông nghiệp rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng giảm. Bình quân mỗi năm chỉ thu hút 20 dự án và 130 triệu USD mỗi năm.

Quy mô vốn đầu tư bình quân chỉ 6,6 triệu USD là quá thấp so với mức bình quân 14,7 triệu USD/1 dự án FDI. Chưa kể việc việc phân bổ vớn FDI không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi vốn nhanh như chăn nuôi, lâm sản, thủy sản… Riêng trồng rừng và chế biến gỗ đã chiếm khoảng 78% vốn FDI vào nông nghiệp. Trong khi đó, các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất khiêm tốn.

Đầu tư FDI vào Việt Nam còn có một đặc điểm khó khăn nữa là khoảng cách địa lý cản trở. Nên hầu hết vốn đầu tư tập trung nhiều ở các nước quanh khu vực Châu Á.

img

Với phòng trưng bày sản phẩm, AHTP mong muốn giới thiệu, kết nối sản phẩm và dự án đầu tư tiến tới kết nối đối tác ở các sự kiện tiếp theo.

Ông Tajima Hisashi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA TP.HCM đánh giá khả năng hợp tác đầu tư của Nhật vào vào nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và thuận lợi. Mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua đã minh chứng điều này.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như GDP tăng trưởng ổn định, cũng không chịu áp lực căng thẳng về dân số như Nhật Bản. Dù không có nông sản trong top 5 mặt hàng xuất khẩu nhưng tốc độ tăng trưởng rau quả Việt Nam cao.

“Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi lớn khi cung ứng nông phẩm. Vấn đề là cần hoàn chỉnh thêm sản phẩm để hướng tới hình thành thành kho lương thực thế giới”, ông Tajima nói.

img

AHTP chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu                                   

“Đất nước đang chuyển mình hướng đến kinh tế thị trường với đầy đủ ý nghĩa của nó. Qua 14 năm hình thành và phát triển, chúng tôi có định hướng rất rõ về tính chuyên nghiệp, quyết tâm đổi mới, hướng đến mở rộng hợp tác và phát triển bền vững. AHTP quyết định thay đổi bộ nhận dạng mới để nắm bắt xu thế phù hợp với hiện tại và tương lai”, ông Từ Minh Thiện nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem