Mới đây, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) đã chính thức ra mắt tại Khánh Hoà sau khi Vinamilk mua lại 65% cổ phần. Tên cũ là Công ty Cổ phần Đường Khánh Hoà đã chấm dứt để đánh dấu một cơ cấu mới, một chặng đường mới cho Vietsugar. Cũng từ đây, ngành mía đường vốn được cho là “địa hạt” của gia đình ông Đặng Văn Thành thì nay đã có “ông vua ngành sữa” Vinamilk lấn sân.
Vì sao Vinamilk chọn Vietsugar?
Trên Báo cáo tài chính hợp nhất qua các năm, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư của Vinamilk liên tục mang dấu âm thể hiện dòng tiền chi ra để bổ sung tài sản vật chất cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của đơn vị, trong đó khoản mục “Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” luôn xuất hiện.
Trước đó, Vinamilk cũng từng thực hiện những thương vụ đình đám như “mua đứt” Công ty Angkor Dairy Products (Angkormilk)-một doanh nghiệp sữa của Campuchia vào đầu năm 2017 hay thâu tóm Driftwood Dairy-công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (như sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ của Mỹ vào năm 2016.
Xa hơn một chút, vào năm 2010 Vinamilk cũng đã mua thâu tóm Công ty Cổ phần Sữa Lam Sơn. Đến nay, số lượng công ty con mà Vinamilk nắm giữ lên đến con số 5 và sẽ không dừng lại ở con số này.
Từ lâu Vinamilk đã quan tâm đến lĩnh vực mía đường bởi vì Đường là nguyên liệu được sử dụng hầu hết trong các sản phẩm của Vinamilk (sữa nước, sữa đặc có đường, sữa chua ăn, sữa chua uống,...). Chi phí nguyên vật liệu trong chi phí sản xuất của Vinamilk, bao gồm cả đường, sau 9 tháng đầu năm 2017 ở mức trên 15.000 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa chi phí sản xuất kinh doanh của công ty. Do đó, việc sở hữu một công ty đường là bước đi tiếp theo để Vinamilk dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Một trong những lý do Vietsugar được chọn có lẽ Công ty có vị trí “lý tưởng” tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn nhất của nước ta, được đánh giá có tiềm năng tốt, có điều kiện thuận lợi để tưới tiêu (do cây mía rất cần cung cấp đủ nước để sinh trưởng). Diện tích mía tại khu vực này những năm gần đây đều đạt trên 20% tổng diện tích mía cả nước.
Nhà máy Đường Khánh Hoà và Nhà máy Đường Ninh Hoà cùng nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà từng là hai trong số những nhà máy có công suất sản xuất lớn trên cả nước. Tuy nhiên, Công ty CP Đường Ninh Hoà đã được Tập đoàn Thành Thành Công thâu tóm và đổi tên là Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà.
Hiện nay, công suất của Vietsugar đạt 10.000 tấn mía/ngày, trong thời gian tới công ty sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày.
Như vậy, việc hợp tác giữa 2 doanh nghiệp vừa giúp Vietsugar có “đầu ra”, Vinamilk cũng đảm bảo được nguồn cung. Ngoài ra, Vinamilk sẽ tận dụng được vùng nguyên liệu cũng như kinh nghiệm sẵn có của Vietsugar trong quá trình đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm đạt lợi nhuận tối ưu trong tương lai.
Bài toán tái cơ cấu doanh nghiệp, trả nợ xấu
Mặc dù công suất của Vietsugar đạt 10.000 tấn mía/ngày được đánh giá ở mức độ khá so với các công ty cùng ngành. Tuy nhiên trong vụ ép 2016/2017, khối lượng ép của công ty là 350.000 tấn mía trong khi đó sản lượng đường là 30.000 tấn. Nhà máy đang hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế là 1,2 triệu tấn mía do thiếu mía nguyên liệu đầu vào.
Ước tính Vinamilk cần khoảng 150.000 tấn đường trong năm 2017, do đó, để đáp ứng nhu cầu của Vinamilk nói riêng và nhu cầu thị trường nói chung, công suất phải đạt mức tối đa và hơn nữa mới đem về lợi nhuận tốt cho công ty.
Để đạt được điều đó, không những đòi hỏi hoạt động thu mua phải diễn ra thường xuyên, công ty cần có tiềm lực tài chính tốt đảm bảo thanh toán cho bà con nông dân để gom được số lượng lớn hàng tốt. Mà còn phải đổi mới, nâng cấp máy móc, trang thiết bị, công nghệ sản xuất mới có thể đạt năng suất tối ưu.
Lựa chọn bước chân vào ngành Đường khi Hiệp định ATIGA sắp có hiệu lực liệu có phải là bước đi sáng suốt của Vinamilk?
Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh thời gian trước của Vietsugar đang là dấu hỏi khi các thông tin không được công bố (Trên website công ty có mục Báo cáo tài chính tuy nhiên không có thông tin). Năng lực quản trị, năng lực tài chính của công ty có vẻ không mấy khả quan khi mà được biết hiện nay Vietsugar đang có khoản nợ xấu lên đến 77 tỷ đồng tại một số Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.
Để tiếp tục hoạt động tín dụng, Công ty buộc phải thanh toán số nợ trên, do đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của năm tài chính 2017. Do đó, ngay sau khi tiếp quản Vietsugar, Vinamilk sẽ phải đối mặt với bài toán về nâng cao năng lực sản xuất cũng như cải thiện tình hình tài chính của công ty.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh sẽ gặp phải thách thức không nhỏ đến từ đối thủ - nhóm các công ty mía đường của tập đoàn Thành Thành Công (TTC) thuộc sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành. Sau hàng loạt vụ M&A, TTC đã trở thành công ty lớn nhất ngành mía đường Việt Nam, nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước. Đáng nói, trước đó Vinamilk là khách hàng lớn của TTC thì nay lại trở thành đối thủ cạnh tranh.
Một khó khăn nữa đến từ những áp lực cạnh tranh khi hạn ngạch bị xóa bỏ, đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% (so với mức 80%-100% như hiện nay) vào năm 2018 và thuế sẽ về 0% vào năm 2020, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Khi đó đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp. Như vậy, lựa chọn bước chân vào ngành Đường khi Hiệp định ATIGA sắp có hiệu lực liệu có phải là bước đi sáng suốt của Vinamilk?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.