Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng sáng nay (13.1) phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại 4 ngân hàng (VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV) vẫn tiếp tục.
Sáng nay, HĐXX và các luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về hành vi Phạm Công Danh cùng đồng phạm lập các hồ sơ vay của BIDV khoảng 4.700 tỷ đồng. Tại tòa, HĐXX thông báo đã chuyển đơn xin vắng mặt và bệnh án của ông Trần Bắc Hà cho VKS, đồng thời mời đại diện VKS có ý kiến về trường hợp này.
Sau đó, đại diện VKS yêu cầu HĐXX tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà và những người liên quan có mặt tại tòa vào thứ Hai tới (15.1) và được HĐXX đồng ý. Trong trường hợp ông Trần Bắc và những người liên quan không có mặt tại tòa, HĐXX sẽ cho phép VKS sử dụng những lời khai trong cáo trạng để xem xét các hành vi liên quan.
Liên quan đến bệnh tình của ông Trần Bắc Hà (ung thư gan) như đơn xin vắng mặt, đại diện VKS cũng đề nghị tòa kiểm tra bệnh án của ông Trần Bắc Hà, đồng thời kiểm tra cơ quan xuất nhập cảnh xem thật sự ông Hà có đi chữa bệnh ở nước ngoài hay không.
Trong số các lãnh đạo Ngân hàng BIDV được triệu tập, mới chỉ có ông Đoàn Ánh Sáng có mặt tại tòa.
Trước đó, khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX và một số luật sư đã yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) có mặt tại tòa để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc BIDV cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay số tiền 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều ngày phiên tòa diễn ra, ông Trần Bắc Hà vẫn chưa xuất hiện. Trước đó, ông Trần Bắc Hà có đơn xin vắng mặt tại tòa với lý do ông bị ung thư gan và đang điều trị, nhưng HĐXX chưa có ý kiến chính thức liên quan đến đơn này.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Phạm Công Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống 4.700 tỷ đồng để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Ông Danh trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh bằng cách gửi tiền sang BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh lập và đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
Trong vụ này, ông Trần Bắc Hà được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, ông đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đóng dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng. Ông Hà cũng ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng 4.700 tỷ đồng; giao quyền cho bốn chi nhánh cho ông Danh vay và thu nợ.
Tại bảng giải trình gửi cơ quan điều tra trước đó, ông Trần Bắc Hà cho biết cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng.
Nguyên lãnh đạo BIDV này cho rằng cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro, nhưng thừa nhận BIDV trong trường hợp này đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính. Tuy nhiên, đây chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm.
Cơ quan điều tra xác nhận không đủ căn cứ xác định các lãnh đạo Ngân hàng BIDV là đồng phạm với Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự. Riêng ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay và cũng không biết các công ty này do Danh thành lập. Do đó, ông Trần Bắc Hà và một số lãnh đạo cấp cao của BIDV chỉ bị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính.
Liên quan đến hành vi 12 công ty của Phạm Công Danh vay tiền tại BIDV, chỉ có ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là cựu lãnh đạo và cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng. Hiện, cả 3 người này đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.