Như Dân Việt đã thông tin, trong giai đoạn 2 của vụ án, cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm 2013 và 2014, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do bị cáo Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó, dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng.
Các bị cáo bị dẫn giải ra khỏi tòa.
Cụ thể, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng. Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại Ngân hàng TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng. Hành vi cố ý làm trái của bị cáo Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại trên 2.550 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND Tối cao nhận định, do kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc về Ngân hàng VNCB, nên trong quá trình điều tra VNSND Tối cao đã yêu cầu thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện.
Trong phiên tòa sáng nay, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục nhắc lại việc thu hồi số tiền này, đồng thời đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi. Quan điểm của VKS là yêu cầu thu hồi hơn 6 ngàn tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả, bởi kết luận giám định cho thấy VNCB chính là bên bị thiệt hại. Do đó, đại diện VKS đồng thời nêu câu hỏi về vấn đề này với đại diện cơ quan điều tra tại tòa.
Giải đáp thắc mắc của VKS, điều tra viên Tăng Thị Nga (trực tiếp điều tra vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm), đại diện cơ quan điều tra, cho biết có nhận được công văn của VKSND Tối cao. Quá trình điều tra đã xác định số tiền thiệt hại thông qua các khoản vay của Phạm Công Danh tại các ngân hàng: Sacombank, BIDV, TPBank. Viện KSND Tối cao xác định số tiền này là tang vật vụ án nên phải thu hồi. Tuy nhiên theo cơ quan điều tra, đây là các khoản tiền gửi tại các ngân hàng, đã tất toán, nhưng hành vi gửi tiền chưa có kết luận sai, tất toán cũng chưa có kết luận sai, nên không có cơ sở để thu hồi làm bằng chứng, vật chứng của vụ án.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi liên quan đến hành vi mà bị cáo Phạm Công Danh cùng các đồng phạm thông qua 12 công ty lập các hồ sơ giả tạo để vay 4.700 tỷ đồng từ BIDV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.