Vợ chồng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chủ nhật, ngày 13/05/2012 15:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rời trận mạc, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão - Nguyễn Thị Liên tìm đủ mọi cách để kiếm kế sinh nhai và nuôi con. Nhờ có cách đi đúng hướng, giờ đây ông bà đã có một đội xe vận tải, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người.
Bình luận 0

Cái khó ló cái khôn

Ông Nguyễn Hữu Mão sinh năm 1949, ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc, Nghệ An), nhập ngũ năm 1972, thuộc quân khu Trị - Thiên. Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông sinh năm 1953, cũng là bộ đội. Hai người gặp nhau ở chiến trường, chia lửa cùng nhau trong từng trận đánh cam go ác liệt nhất. Hơn ai hết họ hiểu nhau, thương yêu nhau qua những buồn vui mất còn của người lính chiến...

img
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão - Nguyễn Thị Liên.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, trong niềm hân hoan của quân và dân ta, tiệc cưới của hai quân nhân Nguyễn Hữu Mão và Nguyễn Thị Liên được Bộ Tham mưu quân khu Trị- Thiên tổ chức thật giản dị nhưng không kém phần trang trọng. Những đồng đội cùng chung một chiến hào, sống chết có nhau đã dành nhiều lời tốt lành nhất chúc mừng cô dâu chú rể.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà cơ chế bao cấp đang ngự trị nền kinh tế, cách làm ăn mới chưa rõ hình hài, chưa được chấp nhận, cái chuyện mở cửa, kinh tế thị trường mới là "chuyện nghe nói". Đây là giai đoạn khó khăn nhất của mọi nhà, không riêng gì ai.

Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão cũng thiếu thốn mọi thứ, từ cơm áo gạo tiền đến sách vở cho các con đến trường. Hoàn cảnh khó khăn đã đặt ông bà vào thế phải làm mọi việc để cải thiện đời sống sinh hoạt của gia đình. Ban ngày thì đi làm, tối đến hai vợ chồng bày bàn bán nước chè xanh, bánh kẹo, diêm thuốc ở cổng rạp hát, bãi chiếu phim và những nơi tập trung đông người ở thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An).

Những năm đầu của thế kỷ 21, thực hiện nghị quyết của Thường vụ Đảng bộ huyện, UBND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng nhiều khu công nghiệp vừa và nhỏ ở Thung Khuộc, Châu Quang, Đồng Hợp, Thọ Hợp, Châu Hồng, Châu Tiến... Hàng trăm doanh nghiệp ra đời, chuyên khai thác sản xuất chế biến quặng thiếc, đá trắng.

Công nghiệp phát triển kéo theo dịch vụ thương mại trở nên ồn ào, sôi động, lượng người từ miền xuôi lên, từ các tỉnh đổ về Quỳ Hợp ngày càng đông. Điều đó khiến nhu cầu về phương tiện đi lại trở nên cấp thiết đối với một huyện miền núi có nhiều tiềm năng khoáng sản, lại có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.

Trước tình hình đó, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão đã bàn với vợ con thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng mua một chiếc xe 24 chỗ ngồi chạy tuyến Vinh - Quỳ Hợp và ngược lại. Đồng thời, ông bà vay mượn thêm mua xe tải vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng, tăng nguồn thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho con cái.

Giữ chữ tín làm đầu

Cuối năm 2007 khi hạch toán thấy lợi nhuận thu từ vận tải xe khách đạt hiệu quả cao hơn so với kinh doanh các ngành nghề khác, ông bà Mão- Liên đã đầu tư vào kinh doanh vận tải, mua thêm xe 24 chỗ ngồi. Cái tên nhà xe Bích Thuỷ xuất hiện, 2 xe rồi 3 xe thường xuyên chạy trên đường 48, đường 532. Số xe ca trên địa bàn Quỳ Hợp ngày càng nhiều, thêm vào đó xe từ Vinh, Nghĩa Đàn thường xuyên lên đón khách ở Quỳ Hợp.

img
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão và đội xe vận tải của gia đình.

Để đủ sức cạnh tranh, ông Mão đã nâng cấp phương tiện phục vụ bằng cách bán hai xe cũ, thêm tiền mua hai xe mới với giá tiền trên 1 tỷ đồng, hiện đại hơn, đầy đủ tiện nghi hơn để phục vụ khách. Đồng thời, mở thêm các tuyến khác để thu hút khách và tránh tình trạng tranh giành khách ở bến chính. Thấu hiểu cảnh khó khăn của đồng bào vùng sâu, vùng xa, cư dân thưa vắng không có đường cho xe ô tô loại to vào, ông Mão cố gắng mua thêm xe nhỏ 7 chỗ ngồi vào được mọi nơi, phục vụ những chuyến đi ít người.

Gia đình ông bà Mão - Liên cũng luôn tích cực gương mẫu trong các phong trào quyên góp ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo, quỹ hoạt động của các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học... của địa phương.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão đã quá hiểu xe chở khách không đơn thuần là làm kinh tế, mà còn là biểu hiện của cách ứng xử giao tiếp được thể hiện qua ngôn ngữ, nếp sống có văn hoá hay không.

Hiểu tường tận điều đó, ông luôn nhắc nhở các con, anh em lái chính, lái phụ: "Trong quan hệ với khách hàng phải luôn nhã nhặn khiêm tốn, luôn giữ tinh thần phục vụ tận tình chu đáo, đi đến nơi về đến chốn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, phương tiện và hàng hoá...".

"Hữu xạ tự nhiên hương", với cách làm ăn chân chính giữ được chữ tín, chữ tâm nên khách đến với Bích Thuỷ ngày càng đông. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, từ 400 lên 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động có mức thu nhập ổn định 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Những năm tháng chiến đấu của hai người lính ở tuổi thanh xuân và cuộc sống mẫu mực của ông bà hôm nay là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Họ đã nương tựa vào nhau để giúp gia đình vượt qua nghèo đói và còn giúp đỡ được nhiều người khác.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem