“Vợ chồng Robinson” hơn 20 năm chinh phục đất rừng Năm Căn

Ngọc Quyên Thứ ba, ngày 25/07/2017 13:15 PM (GMT+7)
Đến với đất rừng nơi chót mũi Cà Mau từ những ngày gian khó, ông Trần Văn Xê (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) đã dành hơn 20 năm cuộc đời mình bám đất, bám rừng...
Bình luận 0

Như lạc vào đảo hoang

Từ trung tâm xã Tam Giang Đông, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bằng xuồng đuôi tôm (phương tiện di chuyển chủ yếu vùng sông nước), chúng tôi mới tìm được đến nhà ông Trần Văn Xê, ở Tiểu khu I, thuộc Lâm ngư trường Tam Giang I, xã Tam Giang Đông. Bao quanh căn nhà của ông là bốn bề rừng đước. Tiếp chúng tôi bên ấm trà nóng, ông Xê kể câu chuyện của cuộc đời ông trong suốt hơn 20 năm gắn bó với rừng.

img

Ông Xê bám đất, bám rừng để làm giàu. Ảnh: N.Q

Hiện nay, một số cá nhân vì lợi ích trước mắt mà khai thác trái phép cây rừng, nhưng với ông Xê, được sống và gắn bó với rừng đó là niềm vui lớn nhất”.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - 
Phó Chủ tịch UBND
xã Tam Giang Đông

Ông tham gia cách mạng từ năm 1965, ở chiến trường miền Nam, sau đó tham gia chiến trường Campuchia. Trong một trận đánh ông bị thương ở chân phải. Năm 1990 ông xuất ngũ, về xã Tam Giang Đông sinh sống, sau đó lập gia đình. “Vợ chồng tôi được Lâm ngư trường Tam Giang I tạm cấp cho 5ha đất rừng để canh tác. Khi mới nhận đất, nơi này còn rất hoang sơ, đường đi không có, sông nước chằng chịt, nói gì đến điện, nước. Khi mới vào rừng, vợ chồng tôi phải tự đốn cây để cất nhà, nói là nhà chứ thực ra chỉ như một căn chòi che tạm nắng mưa.

Theo ông Xê, lúc ấy, vợ chồng ông như lạc vào đảo hoang. “Không có nước ngọt, phải đi chở nước từ chỗ khác về sử dụng. 2 vợ chồng có khi cả tuần chỉ dám xài 1 lu nước nhỏ. Xung quanh thì mênh mông rừng đước, cực khổ trăm bề mà lại buồn nữa” - ông Xê bồi hồi kể.

Nhưng với ý chí quyết định bám đất, bám rừng, ông Xê vẫn ở lại và thực hiện đúng chủ trương trồng, bảo vệ rừng của Ban quản lý nơi đây. Tuy nhiên, khi bắt tay vào cải tạo diện tích đất canh tác, mọi thứ khó khăn hơn vợ chồng ông nghĩ. Đất đai chỉ toàn là cây với rừng hoang sơ, không đem lại hiệu quả, trong khi đó gia đình ông không có nguồn vốn lớn để cải tạo đồng bộ.

Ông Xê bộc bạch: “Cuộc sống đã khó khăn lại thêm khó khăn, đôi lúc cực khổ quá vợ chồng tôi đã nghĩ đến việc bán đất bán rừng để đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhưng rồi với quyết tâm và tình yêu với rừng, tôi đã ở lại và từng bước xây dựng mảnh đất canh tác bằng chính bàn tay mình”.

Thu trái ngọt

Thời gian đầu, do không có máy móc, ông Xê phải cải tạo lại đất bằng những công cụ thủ công và chính đôi bàn tay mình. Cũng chính vì vậy mà công cuộc cải tạo đất, rừng bị kéo dài thời gian, đến năm 1982 mới cơ bản hoàn thành, với bờ bao vuông hoàn chỉnh.

Theo ông Xê, lúc đầu chỉ bắt được tôm bạc và sú tự nhiên có sẵn trong vuông chứ chưa biết mua con giống về thả. Tuy cũng có cái ăn qua ngày nhưng sau đó thì tôm tự nhiên cũng chết, khiến cuộc sống lại lâm vào cảnh khốn cùng.

Không nản chí, vợ chồng ông Xê lại bám đất, bắt đầu trồng thêm rau màu, nuôi gia cầm để tự cung cấp cho nhu cầu thiết yếu. Sau đó ông học hỏi rồi tiến hành thả thêm tôm, cua dưới tán rừng, kết hợp các loài thủy sản khác. Đồng thời, trên bờ vuông và diện tích đất trống, ông cải tạo lại để trồng rừng, quyết không để đất trống.

Với quyết tâm vượt khó và ý chí cần cù lao động, cuộc sống gia đình ông đã dần ổn định. “Những năm 1995 - 1996 bắt đầu có thêm nhiều người vào canh tác đất rừng, cuộc sống của gia đình tôi cũng đã ổn hơn, con cái cũng được học hành đàng hoàng. Lúc ấy mình mới nghĩ rằng 2 vợ chồng đã không sai lầm khi chọn nơi này để khởi nghiệp. Nếu mình không phụ đất thì đất sẽ không phụ người” - ông Xê chia sẻ.

Hiện tại, thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình ông đạt hàng trăm triệu đồng. Mới đây, ông đã thu hoạch hơn 3ha rừng đến tuổi, sau khi trừ chi phí và các khoản nộp về Ban quản lý rừng, còn lãi hơn 45 triệu đồng.

Hơn 20 năm nay, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, ông Xê chưa bao giờ nghĩ đến việc chặt phá cây rừng chưa đến tuổi để bán hay để nới rộng đất canh tác. Bản thân ông ý thức được rằng rừng là nguồn sống của nhân loại chứ không của riêng mình, bảo vệ và chăm sóc rừng chính là nhiệm vụ thiêng liêng mà mình đang làm.

“Cây rừng đã nuôi sống tôi từ những ngày gian khó, hơn nữa trồng rừng còn để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là chống sạt lở đất ở khu vực ven biển nơi tôi đang sinh sống. Chính vì thế, tôi không bao giờ khai thác rừng trái phép, mà ngược lại còn thường xuyên chăm sóc, trồng thêm rừng trên diện tích đất canh tác của mình. Đồng thời, vận động bà con xung quang cùng bám rừng, bảo vệ rừng cũng là việc tôi làm thường xuyên” - ông Xê chia sẻ.

Ông Trương Ngọc Gôm - Tiểu khu trưởng 141, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, xã Tam Giang Đông, nhận xét: “Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, ông Xê vẫn luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách cũng như các quy định của Ban quản lý, nhất là trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng… Cùng với đức tính cần cù chịu khó, hiện nay ông Xê là hộ khá giàu của địa phương”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem