Sau khi đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Lộc An cho rằng quyết định giảm 500 đồng/lít xăng của Bộ Tài chính vừa qua là không đúng với Pháp lệnh Giá và với Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, đồng thời có thể dẫn tới nguy cơ vỡ toàn bộ hệ thống phân phối xăng dầu do Bộ Công Thương quản lý, tòa soạn Dân Việt đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề này.
Đa số ý kiến tỏ ra không đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Lộc An và đưa ra những phân tích phản biện.
Đừng vì nhóm lợi ích nhỏ!
Bạn đọc Tuấn Anh đặt câu hỏi: Sao Bộ Công Thương không nhìn vào vấn đề lỗ ở đâu và vì sao lỗ do Bộ Tài chính nói mà chỉ biết nghĩ đến vấn đề không có doanh nghiệp bán xăng? Bộ Công Thương có nghĩ đến người dân không? Tại sao Bộ Tài chính cam đoan có thể giảm mà Bộ Công Thương lại nói ''lỗ''. Đồng thời bạn đọc này cũng bày tỏ mong muốn làm sao giá xăng có thể giảm được ở mức tối đa nhất để dân bớt khổ, vì khi giá xăng lên kéo theo rất nhiều thứ lên.
Không chỉ đứng từ quan điểm của người tiêu dùng nói chung, có cả những ý kiến nêu vấn đề từ góc độ các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác: Tại sao trong điều kiện lạm phát, thực hiện bình ổn giá hiện nay thì những biện pháp của người quản lý tầm vĩ mô cần đưa ra ông An lại không đề cập đến? Sao ông An chỉ nghĩ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Bộ mình mà không nghĩ đến điều hành thị trường chung cũng như toàn bộ hệ thống các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nữa chứ?
Đặc biệt, phát biểu của ông Nguyễn Lộc An rằng: “Trong khi doanh nghiệp đang lỗ thì Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá xăng. Tôi nghe tin cứ nghĩ Bộ Tài chính đang bị làm sao” đã nhận được sự phản đối mạnh mẽ. Bạn đọc Bùi Nguyễn thẳng thắn nêu quan điểm: Theo tôi nghĩ Bộ Tài chính không bị làm sao cả mà chính cách suy nghĩ của Phó vụ trưởng mới là cả vấn đề.
Bạn đọc này còn đưa ra “lời khuyên”: Phó vụ trưởng phải xem xét đến mức thu nhập mặt bằng chung của người dân mà phán xét chứ, còn cứ nghe mấy ông doanh nghiệp kêu thì chẳng thấy ông nào kêu là lãi đâu. Tôi thiết nghĩ Nhà nước mình cùng cần phải có chính sách cưỡng chế các doanh nghiệp luôn luôn báo cáo là lỗ trong khi đó lương trả cho cán bộ công nhân viên của công ty so với các ngành khác (giáo dục) thì lại một trời một vực. Điều đó thử hỏi lỗ hay lãi?
Bạn đọc Nguyễn Đức Tài nêu ý kiến: Tôi là một công chức Nhà nước, cũng là một người dân như bao người dân khác đều ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời cũng đề nghị mọi chúng ta phải cùng phê phán những kẻ tìm mọi cách tính toán, biện luận cho một nhóm lợi ích nhỏ mà gây thiệt hại cho cộng đồng.
Đi thẳng vào lời cảnh báo của ông Nguyễn Lộc An, bạn đọc Xây Dựng phản biện: Tôi không thích cách doạ của ông An về việc vỡ hệ thống phân phối xăng dầu. Không bao giờ vỡ! Không được phép vỡ! Vì trên tất cả còn có chính phủ không bao giờ cho vỡ. Bạn đọc này cũng quan ngại rằng: Những kiểu thông tin này chỉ làm thiệt cho Việt Nam khi đàm phán giá nhập mà thôi!
Mập mờ câu chuyện lỗ lãi
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng, bên cạnh chuyện lỗ lãi (chưa được làm rõ) của doanh nghiệp, còn có thước đo khác là đời sống của doanh nghiệp đó.
Theo cách đặt vấn đề của bạn đọc HVD: Ông nói là lỗ nhưng sao ông không nói lỗ do đâu? Có phải chỉ do giá vốn nhập xăng dầu cao? Hay còn do quản lý chi phí, nhất là chi phí bán hàng? Sao ông không nói chi phí trả thù lao cho các tổng đại lý, đại lý đang bị thả nổi, các công ty đầu mối đang thi nhau tăng thù lao để bán được nhiều hàng…
Bạn đọc Giang Hồng Tú bày tỏ quan điểm: Không công bố chi tiết các khoản thu chi/mỗi lít xăng, dầu, làm sao làm dân đồng tình với giá xăng như hiện nay? Ông Nguyễn Lộc An chắc chắn cũng chưa thể biết chính xác doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu họ thu chi như thế nào mà chỉ nghe báo cáo họ lỗ thì làm sao đổ lỗi cho bên "Bộ Tài chính đang bị làm sao”.
Cho rằng vấn đề lỗ lãi của doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn chưa rõ ràng và minh bạch, ban đọc Phan Huy khẳng định: Chỉ khi nào kiểm tra, kiểm toán thì mới biết được thực hư. Nếu đúng như các doanh nghiệp lỗ thật thì có thể dùng quỹ bình ổn giá hoặc có thể tăng giá. Nhưng nếu tăng giá thì chả khác nào "đổ thêm dầu vào lửa" khi mà lạm phát đang rất còn cao, tình hình thế giới bất ổn.
Qua tòa soạn Dân Việt, bạn đọc Vũ Văn Cường gửi tới ông Nguyễn Lộc An và những người đấu tranh vì các doanh nghiệp xăng dầu câu hỏi: Tại sao các doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh thua lỗ mà vẫn cứ muốn kinh doanh, vẫn ngày càng giàu lên, trong khi bình thường buôn bán nếu lỗ người ta sẽ chuyển hướng kinh doanh hoặc nghỉ hẳn?
Đi vào “mổ xẻ” câu chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu, bạn đọc Nguyễn Khắc Thái nêu lên vấn đề: Lỗ lãi của doanh nghiệp có thể đo bằng con số, nhưng con số vẫn có thể được che dấu bằng các thủ đoạn dối trá, bằng chứng là các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài chuyển lãi về công ty mẹ, báo lỗ để trốn thuế đó thôi. Vậy, cần một thước đo nữa, đó là thu nhập và đời sống doanh nghiệp, lỗ kiểu gì mà lương, thưởng cao ngất ngưởng…
Bạn đọc này cũng cho rằng trong lúc xăng dầu vẫn đang còn có yếu tố độc quyền ở một số khâu thì ông Vụ phó có lời lẽ kích động doanh nghiệp như vậy là cực kỳ nguy hiểm.
Khánh Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.