Mua nợ hạt sachi
Trong lúc nhiều hộ nông dân đang khốn khổ vì sachi liên tục rớt giá thì một số công ty có ký kết hợp đồng trước đó với người dân bắt đầu ra điều kiện. Cụ thể, theo người dân tại xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai), Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên hiện đang cầm chừng không thu mua hạt sachi và cho biết chờ giá cao sẽ thu mua tiếp.
Nhiều nông dân trồng tự phát sachi hay trồng theo hợp đồng đều không bán được. Ảnh: Trần Hiền
Đủ 1.000ha sẽ xây nhà máy chế biến
Tháng 3/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản về việc mở rộng vùng nguyên liệu sachi và đề nghị các công ty, doanh nghiệp phối hợp với ngành nông nghiệp, các địa phương tổ chức hội thảo đánh giá tính thích nghi, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây sachi. Nếu đủ điều kiện thì các công ty, doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư liên kết sản xuất, khi đạt số lượng 1.000ha thì xây dựng nhà máy chế biến tại Gia Lai.
Tuy nhiên, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tổ chức thực hiện nên việc phát triển ra diện rộng là chưa đủ điều kiện, chưa có cơ sở để tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NNPTNT công nhận cho sản xuất sachi tại Tây Nguyên. |
|
|
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Đào (53 tuổi, trú tại xã Ia Blang) cho hay: “Lúc cây sachi hái bói còn bán được giá cao, công ty vẫn mặn mà với việc thu mua lắm, nhưng đến khi vào vụ chính, giá giảm mạnh thì chẳng thấy công ty đâu. Gọi điện cho công ty hỏi, thì họ chỉ hứa đợi giá cao rồi sẽ thu mua tiếp. Thực tế cho thấy, nếu công ty thu mua với giá 40.000 đồng/kg như ban đầu đã thỏa thuận thì người dân chúng tôi vẫn có lời, nhưng ai mà ngờ được, giá sachi giảm chỉ còn 15.000 -20.000 đồng/kg, chẳng ai còn buồn ngó tới nữa”.
Bà Đào cho biết, nhìn vườn sachi “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Chưa kể tiền giống, riêng tiền đầu tư hệ thống giàn leo, trụ chống và ống nước đã tốn của bà gần 40 triệu đồng. Càng chăm sóc cây sachi thì lỗ càng thêm lỗ. Dù vườn sachi vẫn tươi tốt, quả và hoa vẫn ra chi chít nhưng bà Đào đã quyết định phá bỏ hơn 600 gốc sachi của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch UBND xã Ia Blang, ngoài diện tích 2,7ha sachi mà Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên ký kết với 9 hộ dân, diện tích người dân trồng tự phát cũng khá lớn, lên đến hơn 10ha.
Theo hợp đồng công ty ký kết với người dân, khi trồng công ty sẽ hỗ trợ một nửa giá giống và tới khi thu hoạch, công ty sẽ thu mua với giá thấp nhất là 40.000 đồng/kg. Đầu năm 2018, giá sachi trên thị trường đạt 140.000 đồng/kg, lúc này người dân vẫn bán cho công ty. Nhưng một thời gian sau đó, giá sachi bắt đầu giảm dần rồi “chạm đáy” 20.000 đồng/kg.
Về phía công ty, đến đầu năm 2019 vẫn hứa hẹn sẽ thu mua cho người dân nhưng lại mua chịu nên người dân không bán. Chấp nhận rủi ro, một số người bắt đầu bán cho các tiểu thương với giá 15.000 đồng/kg.
Quyết không bán nợ, thà để mốc
Ngán ngẩm với chuyện mua bán thất thường từ phía công ty, dù trong nhà còn đến 2 tạ hạt sachi nhưng gia đình ông Trần Văn Thành (50 tuổi, trú tại huyện Chư Sê) cũng chẳng buồn bán.
Tương tự, hơn 2 bao sachi của bà Đào vẫn đang chất ở góc nhà. Theo bà Đào, dù phải bỏ mốc 2 bao sachi này thì bà vẫn không bán chịu cho công ty vì khi ký kết hợp đồng, chẳng có điều khoản nào là bán nợ cả. “Điều này rất vô lý, thà để đó mai mốt ép dầu để ăn còn hơn” - bà Đào nói.
Được biết, theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã đồng ý cho phép các công ty trồng khảo nghiệm 12ha cây sachi trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện trồng khảo nghiệm khoảng 6,4ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Chư Sê, Chư Pưh và Đăk Đoa.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Sâm Phát, Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên… cũng đã liên kết với các hộ dân trồng khoảng 119ha để sản xuất, cung cấp sản phẩm sachi đến các thị trường trong và ngoài nước.
Qủa của cây sachi.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho biết: “Theo thông tin mà phòng nắm được, hiện đầu ra của sachi bắt đầu khó khăn, một số đơn vụ đã ngừng thu mua. Riêng mô hình 3ha tại xã Ia Blang có ký kết với Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên đã bắt đầu cầm chừng trong việc thu mua hạt sachi. Còn với diện tích người dân trồng tự phát bên ngoài (khoảng 70ha), tập trung tại các xã Ia Pal, Ia Blang, thị trấn Chư Sê và xã Alba thì bà con đang phải tự tìm cách tiêu thụ và cũng rất chật vật”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.