Cây thanh hao hoa vàng (rtemisia annua L.) thường được dùng để trị sốt, vàng da, đổ máu cam, đi ngoài ra máu, mụn nhọt lở ngứa, ăn không ngon, tiêu hoá kém.
Ngoài ra, người ta dùng lá của cây này làm nguyên liệu chiết xuất artemisinin làm thuốc chống sốt rét. Vì giá trị như thế, nên mấy năm gần đây, ở nhiều tỉnh, trong đó có Vĩnh Phúc, người dân đua nhau trồng trong khi đầu ra không chắc chắn...
Thanh hao mất giá
Đến xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) vào những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh lá thanh hao hoa vàng được phơi dày tràn trên các con đường. Ở các cánh đồng của xã, nông dân đang tấp nập thu hoạch thanh hao, nhưng trên khuôn mặt ai ai cũng nặng trĩu buồn vì thua lỗ.
Đang chở thanh hao ra đường ngõ phơi, bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Kim Xa buồn rầu nói: “Năm nay, thanh hao hoa vàng mất giá thê thảm quá. Tính theo giá thị trường 2 năm trước có lúc lên đến 40.000 đồng/kg thanh hao khô thành phẩm, có lúc xuống thấp nhất cũng còn được trên 20.000 đồng/kg, nhưng năm nay mới đầu vụ mới bán được 9.000 đồng/kg, tính ra bị mất giá đến 2/3 đấy”.
Cũng vì thấy thanh hao “ngon ăn”, nên từ năm trước, bà Thắm đã chuyển đổi cả 7 sào đất nông nghiệp sang trồng loài cây này và đang đứng trước nguy cơ đói vì không bán được.
Cùng thôn với gia đình bà Thắm, hộ gia đình anh Lương Văn Thức cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ. Nhà anh trồng 4 sào thanh hao hoa vàng, bao nhiêu tâm huyết, công sức chăm sóc dồn vào thanh hao, hy vọng đến vụ thu hoạch được giá như mọi năm nhưng năm nay giá thanh hao giảm sâu quá, khiến gia đình anh rơi vào cảnh lao đao vì thu không đủ chi.
Vừa phơi thanh hao, anh Thức vừa than thở bảo: “Người trồng thanh hao năm nay thua đau quá, như các năm trước, tôi thu hàng chục triệu đồng thì năm nay thu, bán tốt mới được 4 triệu đồng. Kiểu này lại phải chuyển đổi sang trồng cây khác thôi”.
Không chỉ riêng xã Vĩnh Ninh có diện tích trồng thanh hao hoa vàng lớn, nông dân bị thiệt hại, mà các xã lân cận như xã Vĩnh Thịnh, An Tường… cũng có khá nhiều hộ dân tham gia trồng loại cây này và hiện cũng đang rơi vào tình cảnh thê thảm.
Nhà trồng hơn 5 sào thanh hao, anh Trần Bá Sơn ở thôn Hoàng Xá Ngược, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) cho biết: “Cũng có biết thanh hao là cây gì đâu, năm trước thấy ở xã có nhiều người trồng thanh hao thu lãi được nhiều tiền lắm nên gia đình tôi cũng tìm mua cây giống về trồng, giờ không biết bán đi đâu”.
Huyện không biết xã chuyển đổi
Theo một số hộ dân ở đây, sở dĩ giá thanh hao giảm mạnh là do thương lái Trung Quốc không sang thu mua, giờ phần lớn là do thương lái các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nội… tìm đến thu mua về đầu cơ, tích trữ để chế biến tinh dầu rồi bán sang Trung Quốc nên họ ép giá bán thanh hao xuống quá mức.
Anh Thức cho biết: “Như các năm trước, khi vào vụ thu hoạch thanh hao, thương lái Trung Quốc sang đây nhiều lắm, họ đi khảo sát mặt hàng rồi giao cho các lái buôn nhỏ ở địa phương thu gom cho họ mang đi nên thanh hao được giá, còn năm nay thì không thấy ai cả”.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là do thấy trồng thanh hao hoa vàng có thể thu lời lớn, nên nhiều hộ đã tự ý chuyển đổi đất trồng các loại cây khác sang trồng thanh hao một cách ồ ạt. Bà Đỗ Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: “Những năm trước đây, thanh hao hoa vàng có hiệu quả kinh tế cao vì dễ trồng, dễ tiêu thụ nên từ đầu năm nay xã đã chọn đưa loại cây này vào nhóm cây trồng chủ lực để nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Toàn xã Vĩnh Ninh có 4 thôn với số dân vào khoảng 1.200 hộ, thì có trên 700 hộ trồng thanh hao, với diện tích 164ha (chiếm trên 70% diện tích nông nghiệp toàn xã). Trong đó, thôn Hậu Lộc có diện tích trồng lớn nhất lên đến trên 80ha. Bà Thu cũng cho biết, trong những hộ trồng thanh hao nhiều, có cả các cán bộ, lãnh đạo xã tham gia trồng như ông Nguyễn Hữu Vần – Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Ninh (trồng 1 mẫu) và chính nhà bà cũng tham gia trồng hơn 1 sào.
Theo tìm hiểu của NTNN, trong khi lãnh đạo xã Vĩnh Ninh đưa cây thanh hao hoa vàng vào cơ cấu cây trồng của xã và khuyến khích người dân phát triển thì lãnh đạo huyện Vĩnh Tường lại không hề biết. Ông Lê Nguyễn Thành Trung - Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khẳng định: “Làm gì có chuyện huyện chúng tôi đưa cây thanh hao hoa vàng vào cơ cấu chuyển đổi cây trồng, nên không thể có 1 xã mà có đến cả trăm ha thanh hao hoa vàng như thế được”.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, hàng năm huyện vẫn có cảnh báo cho các xã là không được nhân rộng và phát triển cây thanh hao hoa vàng, vì thông tin về loại cây này và thị trường của nó rất mập mờ, rủi ro cao. “Nếu có xã nào còn trồng thì đấy chỉ là một số hộ dân trồng tự phát thôi chứ không ai dám khuyến khích trồng”- ông Trung nói.
Theo các hộ dân trồng thanh hao, điều mà họ lo lắng nhất hiện nay là đầu ra và giá cả, bởi nếu như năm ngoái 1kg thanh hao có giá 20.000 - 25.000 đồng, có thời điểm lên tới 30.000 đồng/1kg. Trừ các khoản chi phí, các hộ trồng thanh hao thu lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào. Nhưng năm nay, đầu vụ cây thanh hao bán chậm, giá giảm 50-70%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.