Võ sư trong bóng tối, dựng hội ở xứ người

Chủ nhật, ngày 29/05/2011 15:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là anh hùng trong giới võ lâm nhưng võ sư Trịnh Trường Long chấp nhận ở trong bóng tối và miệt mài tạo dựng nên Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga. Chấp nhận thị phi, ông vẫn nặng lòng với hai chữ Việt Nam
Bình luận 0

Lá cờ đại nghĩa

img

Hội viên Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga trong một buổi tập luyện.

Ý tưởng thành lập hội võ thuật được lãnh đạo Đại sứ quán VN tại Liên bang Nga đặc biệt quan tâm. Nhưng những người sáng lập ra tổ chức này cũng có rất nhiều lo ngại: Nếu không có một lá cờ chính nghĩa dẫn đường sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn cùng: Những tổ chức đồng hương của dân Sicily (gốc Italia) tại Mỹ hay Hội Tam Hoàng (gốc Trung Quốc) trên toàn thế giới đã bị chuyển thành các tổ chức tội phạm là bài học nhãn tiền cho việc phát triển hội võ thuật tại Nga.

Chính vì vậy, trước khi hội võ thuật được thành lập, những người đi tuyển dụng nhân tài được lựa chọn rất kỹ. Đó là tiến sĩ Nguyễn Đình Lâm - Tổng Giám đốc TTTM Sông Hồng và võ sư Trịnh Trường Long - Trưởng môn phái Thất Sơn tại Nga.

Võ sư Trịnh Trường Long sẵn có uy tín và mối quảng giao với giới võ thuật Việt tại Nga nên việc tiếp xúc và vận động các môn phái đứng dưới lá cờ đại nghĩa cũng không khó khăn.

Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ để xóa tan tư tưởng “nhất tôi, nhì anh” trong các môn phái diễn ra một cách bền bỉ. Thực tế cũng chỉ ra rằng, tư tưởng lệch lạc này (không chỉ riêng trong võ thuật) chính là một trong những lý do chủ yếu để những người Việt ở Nga thiếu sức mạnh của “một bó đũa”.

Có những lần, trước những môn phái cho rằng mình là “siêu phẩm của tinh hoa võ học”, là “anh hùng đệ nhất võ lâm”, ông Nguyễn Đình Lâm buộc phải dùng kế “khích tướng”: “Vậy thì môn phái của anh hãy đứng ra bênh vực cho quyền lợi của dòng giống Lạc Hồng trước bọn đầu trọc tại Nga nhé”… Các trưởng môn phái đều phải “quy phục” trước lý lẽ sát sườn này.

Tránh việc hội bị biến thái phức tạp, điều lệ để tham gia hội võ thuật trên xứ Bạch Dương được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết với mong muốn duy nhất: Vì sự bình yên và phát triển của cộng đồng người Việt tại Nga. Điều lệ được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với luật pháp nước Nga lại thuận theo các quy định tại Việt Nam.

Chính vì thế, việc thành lập Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga có một điều đáng tiếc: Người sáng lập, người đặt nền móng đầu tiên cho tổ chức này là võ sư Trịnh Trường Long - Trưởng môn phái Thất Sơn sẽ phải đứng ngoài cuộc.

Người ngoài cuộc tâm huyết

Thất Sơn thần quyền thường đốt bùa pha vào nước uống nhằm tăng lượng cacbon trong cơ thể, việc này sẽ tác động lên thùy não trái, tạo cảm giác tê cứng ở các cơ quan xúc giác, có lẽ vì thế nên bị đấm đá cũng đỡ đau hơn.

Tại Việt Nam, Thất Sơn thần quyền vẫn được coi là môn võ tà đạo vì màu sắc mê tín.

Quả thật với môn võ (ta quen gọi là Quyền thề), những thủ tục hành đạo trước khi lâm trận, những câu chuyện kỳ bí về việc uống thuốc hay dùng bùa chú để không bị đau đớn khi thi đấu đã tạo ra những chuyện không hay. Vì vậy môn võ này không được xếp vào hàng chính thống. Tuy nhiên, đó là nhận định của những người bàng quan với võ thuật và không may nó lại được đưa vào quy định “cấm” một cách chính thức.

Thất Sơn thần quyền có xuất xứ từ Muay Thái (Thái Lan) và việc “hành đạo” khi sử dụng môn phái này có lý do nghiêm túc của nó. Khi được du nhập qua Campuchia và đến vùng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang), những khác biệt về tôn giáo cũng như sự thiếu hiểu biết của mọi người đã biến nó thành môn võ dị kỳ.

Tại SEA Games 25 ở Viên Chăn, khi chứng kiến những VĐV Thái Lan Muay Thái có màn hành lễ trước khi thi đấu, tác giả bài viết này đã rất ngạc nhiên (nó không khác gì những thủ tục thông thường của các võ sinh Quyền thề tại Việt Nam). Rất may, bên sàn đấu hôm đó có võ sư Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, ông đã giải thích cặn kẽ về chuyện này. Muay Thái là môn võ chủ yếu dùng đòn gối và khuỷu tay (hai thế đánh không thể dừng đòn) rất dễ gây sát thương.

Việc hành lễ và dùng bùa chú cho môn võ này cũng làm giảm cảm giác đau đớn nhưng không phải là cảm giác đau đớn cho thể xác mà là giảm cảm giác đau đớn tinh thần (hoặc hối hận) khi hạ sát đối phương bằng những đòn quá độc.

Hơn nữa, việc hành lễ bắt buộc ấy tránh sự manh động, đủ thời gian cho các võ sinh ở một môn võ có sức sát thương hàng đầu thế giới này cân nhắc. Những câu lầm rầm của các võ sinh trước khi thi đấu của Muay Thái thực ra chỉ là câu kinh sám hối của đạo Phật.

Những diễn giải phức tạp này không thể thắng được quy định đơn giản “môn võ có màu sắc mê tín, dị đoan”. Thất Sơn thần quyền cùng võ sư Trịnh Trường Long đã phải đứng ngoài cuộc khi Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga đi vào hoạt động.

Tuy nhiên vị võ sư này (dù biết mình không được tham gia) vẫn chỉ ra cho những người Việt trên nước Nga một tư tưởng tiến bộ: Võ thuật chỉ là cái cớ, chỉ là một phần lý do để những người Việt sát cánh bên nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem