Nhiều câu hỏi liên quan đến hàng loạt dự án đang "có vấn đề" mà Dân Việt đã gửi lại nhưng gần nửa năm trôi qua UBND tỉnh Phú Thọ vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Sau khi đã thu thập được một số thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án và hoạt động của CCN Đồng Lạng, Nhà máy xử lý rác thải phát điện ở Trạm Thản và Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù có “vấn đề”, ngày 17/5/2019, PV Dân Việt đã đến trực tiếp UBND tỉnh Phú Thọ để đặt lịch làm việc, cùng với những câu hỏi rõ ràng về từng dự án và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc để xảy ra những tồn tại, thiếu sót và sai phạm.
Cụ thể, CCN Đồng Lạng do Công ty TNHH Phát triển hạ tầng CCN Đồng Lạng Tasco (Công ty Tasco) làm chủ đầu tư, người đại diện pháp luật là ông Hong Woo Ki (quốc tịch Hàn Quốc). Sau nhiều năm được hưởng những chính sách ưu đãi, tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, Công ty Tasco mới nộp vào ngân sách tỉnh hơn 3,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2019, Công ty Tasco còn nợ ngân sách Nhà nước số tiền thuê đất là 21,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Tasco được giao 243.847m2 đất.
Năm 2010, Công ty Tasco đã cơ bản cho thuê hết phần diện tích đất công nghiệp.Trong 16 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thuê lại đất từ Công ty Tasco có 11 đơn vị trả tiền một lần hết đời dự án, 5 đơn vị thuê theo hình thức khác.
Ngoài việc nợ thuế, Công ty Tasco còn vướng vào hàng loạt các sai phạm về xây dựng, môi trường.
Chủ đầu tư của CCN Đồng Lạng đang vướng vào nhiều chuyện lùm xùm khiến tỉnh Phú Thọ phải "đau đầu".
Tháng 8/2017, Cục thuế Phú Thọ đã phong tỏa tài khoản của Công ty Tasco tại các ngân hàng có liên quan và gửi công văn đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hong Woo Ki.
Sở Ngoại vụ thông báo với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về tình hình thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nộp tiền thuê đất của Công ty Tasco.
Tiếp đến, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp BQL KCN làm việc với ông Hong Woo Ki về việc sử dụng số tiền thuê đất đã thu của các doanh nghiệp nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Đồng thời thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh các sai phạm của Công ty Tasco và ông Hong Woo Ki để đề xuất biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước những vấn đề trên, PV đã để lại câu hỏi xem tỉnh Phú Thọ có phương án xử lý thế nào để truy thu thuế, đối với những doanh nghiệp đã trả tiền cho Công ty Tasco, tỉnh có phương án giải quyết thế nào? Để xảy ra tình trạng như ngày hôm nay, nguyên nhân và trách nhiện của UBND tỉnh và các ngành có liên quan cụ thể ra sao?
Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện ở Trạm Thản, ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định số 2317/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Ngày 11/10/2017, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với Công ty TNHH năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ. Đây là công ty được thành lập trước ngày ký 1 ngày (ngày 10/10/2017) với 2 thành viên là Công ty United Expert Investments Limited (trụ sở tại nước Anh) và Công ty cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt (trụ sở tại Việt Nam).
Tiếp đến, ngày 12/10/2017, tại khu 5, xã Trạm Thản đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện hết sức hoành tráng.
Sau 2 năm động thổ, dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện ở Trạm Thản vẫn là bãi đất trống
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không thấy hoạt động triển khai xây dựng. Không những thế, theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt có một thời gian bị dừng hoạt động. Mãi đến cuối tháng 9, sau nhiều khó khăn, PV mới tìm được địa chỉ của công ty này tại số 10 ngõ 63/85 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài ra, tại ngôi nhà 3 tầng nhỏ bé, ngoài việc tồn tại công ty này còn một công ty khác.
Tại phiếu đặt nội dung làm việc, PV đã hỏi nguyên nhân vì sao sau hơn 1 năm triển khai, đến nay dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện ở Trạm Thản vẫn là bãi đất trống và chưa được triển khai xây dựng?
Gần 20 năm, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù mới chỉ xây dựng được một phần nhỏ, còn đâu là bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng.
Tiếp đến, năm 2002, Công ty TNHH Sông Thao được UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định giao khoảng 80ha đất để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù. Đây được xem là dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất tỉnh Phú Thọ thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, chủ đầu tư mới chỉ tiến hành đầu tư được một phần nhỏ diện tích. Điều đáng nói ở đây là, nhiều lần cơ quan chức năng của tỉnh mời chủ đầu tư lên để bàn phương án giải quyết những tồn tại nhưng không được.
Trước sự việc trên, PV đã đặt câu hỏi với UBND tỉnh Phú Thọ về việc có những động thái như thế nào đối với việc trên, hướng giải quyết đối với dự án này ra sao?
Đặc biệt, trong phiếu đặt lịch ngày 17/5/2019 cũng có nội dung: Nhiều người cho rằng, để xảy ra tình trạng các dự án lớn tại tỉnh Phú Thọ đều “chết yểu” là do tư duy nhiệm kỳ, nóng vội trong việc phê duyệt dự án khi không tìm hiểu tính khả thi của dự án, không tìm hiểu rõ năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án, cũng như không tính toán đến tác động gì đến đời sống của người dân. Vậy quan điểm của UBND tỉnh Phú Thọ đối với những ý kiến trên ra sao?
Đến ngày 30/5/2019, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn số 2344/UBND-KTTH về việc cung cấp thông tin về một số địa bàn trên địa bàn tỉnh (có kèm theo nội dung phóng viên gửi).
Theo nội dung công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các KCN xem xét cung cấp thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều lần liên lạc, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời, ngoài lời hứa hẹn rằng “Phó Chủ tịch tỉnh sẽ trực tiếp trả lời”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.