Vô vườn tốt um ở xã này ở Nghệ An, bất ngờ biết dân trồng chè hoa vàng bán đắt như vàng
Vô vườn tốt um ở xã này ở Nghệ An, bất ngờ biết nông dân trồng cây chè gì mà hoa bán "đắt như vàng"?
Cảnh Thắng
Thứ sáu, ngày 04/10/2024 05:41 AM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm dày công nghiên cứu, nếm thất bại. anh Lô Văn Sinh, bản Na Hướm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đã trồng thành công hơn 1.500 cây chè hoa vàng tự nhiên. Loại cây quý này ra hoa, ra nụ, dân hái dù bán tươi hay bán khô đều "đắt như vàng".
Những năm 2010, rất nhiều thương lái các nơi khắp mọi miền trên cả nước lên huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) tìm và thu mua loại hoa vàng.
Qua tìm hiểu, thì loại hoa này khi pha trà uống có giá trị cao trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Thời điểm ấy, tại huyện Quế Phong cơn sốt chè hoa vàng lan khắp các ngõ làng, thôn xóm.
Cứ đến mùa chè hoa vàng rất nhiều người dân nơi đây đổ xô vào rừng tìm kiếm, hái hoa để bán cho thương lái. Thậm chí, có người còn đào cả gốc cây chè hoa vàng trên rừng về trồng trong vườn nhà.
Tuy nhiên, loại cây này rất "khó tính", khó thuần khi đưa về trồng trong vườn nhà. Ông Lê Hải Lý, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Quế Phong cho hay: "Những năm trước đây cơn sốt cây chè hoa vàng tại huyện Quế Phong rất lớn, đến mùa chè hoa vàng nở hoa, hàng trăm người dân từ các xã đổ xô vào rừng hái hoa bán cho thương lái, đem lại nguồn kinh tế không hề nhỏ cho người dân.
Tuy nhiên, có một số người dân còn đào cả cây để đưa về trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên được vài hôm là cây chết, không thể thích nghi được với môi trường mới."
"Giống cây chè hoa vàng này rất khó sống, nó mọc tự nhiên ở dưới những tán cây lớn, không thể chống chọi được thời tiết nắng nóng. Nên khi trồng ở vườn nhà, nó không thể sinh trưởng được và cây sẽ lụi tàn dần", ông Lê Hải Lý cho biết thêm.
Khó thuần dưỡng cây chè hoa vàng là vậy, nhưng ông Lô Văn Sinh ở bản Na Hướm, xã Thông Thụ, Quế Phong (Nghệ An) đã dày công nghiên cứu, dù trải qua nhiều thất bại nhưng cuối cùng ông đã thuần dưỡng được cây chè hoa vàng trồng trong vườn nhà mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Ông Lô Văn Sinh cho biết: "Biết được giá trị kinh tế cao của cây chè hoa vàng, tôi cũng như những người dân nơi đây hàng ngày vào rừng tìm và đào cây chè hoa vàng về trồng trong vườn nhà.
Tuy nhiên cứ trồng được cây nào thì vài hôm sau thì cây chết dần, chết mòn. Nhiều lúc tôi như hết kiên nhẫn, nhưng với quyết tâm chinh phục bằng được cây chè hoa vàng. Tôi tìm hiểu sách báo viết về loại cây này và bắt đầu tìm hướng khác để thuần dưỡng loại cây khó tính này".
"Để thuần được loại cây này, hàng ngày tôi đi rừng tìm những quả già trên cây hái về làm bầu, ươm giống. Ban đầu, do không am hiểu đặc tính của cây, chưa nắm vững kỹ thuật nên nhiều mẻ ươm không nảy mầm, hoặc cây nảy mầm thì phát triển èo uột.
Dần dà, có kinh nghiệm, tỷ lệ ươm thành công cao hơn. Sau khi ươm, cây cứng cáp, ông đưa vào trồng ở vườn đồi, xen dưới tán cây quế của gia đình.", ông Sinh cho hay.
Theo tìm hiểu của PV báo Dân Việt, cây chè hoa vàng có giá trị lớn, giá bán cao. Mặc dù mọc tự nhiên và sinh trưởng trong rừng rậm nhưng có nguy cơ bị tận diệt. Mặt khác đây là loại cây khó thuần dưỡng nên khó trồng thành vùng nguyên liệu. Việc ông Lô Văn Sinh thuần dưỡng được loại cây khó tính này đã tạo nên hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.
Quan sát vườn chè hoa vàng của ông Lô Văn Sinh sau 10 năm thuần dưỡng và chăm sóc. Đến nay, vườn chè hoa vàng của gia đình ông phát triển xanh tốt, với hơn 1.500 gốc, trong đó, có khoảng gần 700 cây thuộc diện khoanh nuôi, đã bắt đầu cho thu hoạch hoa.
Ông Sinh cho hay: Năm ngoái, cây chè hoa vàng trong vườn mới ra hoa lần đầu nên sản lượng hoa thấp, chỉ được hơn 50 kg. Với giá bán bình quân 800.000 đồng/1 kg hoa trà tươi, tôi thu về trên 40 triệu đồng. Ông Sinh cho biết, ngoài thu hoạch hoa, lá của chè hoa vàng có tính bình nên cũng được sử dụng pha nước uống hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt rất tốt.
Để bảo tồn nguồn giống và nhân rộng diện tích chè hoa vàng, ông Sinh quyết định để lại 1/3 số hoa cho đậu quả phục vụ cho gieo ươm nhân giống, lai ghép giống chè hoa vàng khác của các địa phương với nhau. Đồng thời, ông Sinh tìm hiểu kỹ thuật xử lý cây chè ra hoa trong điều kiện thời tiết bất lợi.
“Nếu để quả tự rụng xuống và mọc thành cây thì mất 6 tháng mới có cây con, do không có sự chọn lọc nên cây sinh trưởng kém hơn. Năm ngoái, tôi bắt đầu ươm thử, đã thành công với 500 cây, trồng ở vườn rừng, tỷ lệ sống 80%. Hy vọng, vài năm nữa, tôi sẽ ươm thành công giống chè hoa vàng, có cây giống cung cấp ra thị trường”, ông Sinh cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè hoa vàng, trên diện tích hơn 1 ha, hàng nghìn cây chè hoa vàng đang phát triển xanh tốt dưới những cây quế đã 15 năm tuổi. Những búp chè non mới chồi lên tím ngắt, xòe thành lá to hơn thì chuyển sang màu đỏ tía, rồi dần chuyển màu xanh nhạt, xanh đậm, xanh bóng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quế Phong cho hay: "Việc ông Lô Văn Sinh thuần dưỡng, trồng và cho thu hoạch cây chè hoa vàng trên vườn đồi nhà mình là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi đã đi thăm quan mô hình trồng chè hoa vàng của ông Sinh. Hiện, cây phát triển xanh tốt hứa hẹn vụ thu hoạch năm nay sẽ cho năng suất hoa tốt hơn năm trước.
"Huyện đang cố gắng nhân rộng mô hình trồng chè hoa vàng dưới tán cây quế tại địa phương, hy vọng đây là hướng đi mới cho người dân thoát nghèo làm giàu trên chính những cánh rừng khoanh nuôi của mình", ông Dũng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.