Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Cao Bằng là người nuôi tằm số 1 vùng biên giới, "tự trả lương cao"

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 03/10/2024 05:34 AM (GMT+7)
Với 12 năm kinh nghiệm trong nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tằm giống, anh Nông Văn Hoàn - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ tỉnh Cao Bằng từ nghèo khó vươn lên giàu có. Không dừng lại đó, anh còn giúp hàng trăm hộ dân trong vùng biên giới có công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn...
Bình luận 0

Clip: Một nông dân ở Cao Bằng trở thành Nông dân Việt nam xuất sắc nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tằm giống. Đó là anh Nông Văn Hoàn, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Clip: Chiến Hoàng

Kiên trì "tầm sư, học đạo"

Nhắc đến anh Nông Văn Hoàn (xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), người trồng dâu nuôi tằm của huyện này không ai là không biết nhờ biệt tài ươm con tằm giống, nuôi tằm kéo kén và bao tiêu kén tằm tơ cho hơn 800 hộ dân ở huyện miền núi đặc biệt khó khăn này.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Hoàn (xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 giới thiệu về nhà băng ươm tằm với các lá tằm tại cơ sở của mình. Ảnh: Chiến Hoàng.

Tại xưởng ươm tằm giống của HTX Nông nghiệp 118 ở xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, khi chúng tôi đến, chủ cơ sở ươm tằm giống đang tỉ mẩn kiểm tra từng khay trứng tằm mới được HTX vào trứng ít hôm. Xưởng ươm tằm giống này có diện tích 300m2 với sức chứa khoảng 600 lá tằm.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nông Văn Hoàn - Giám đốc HTX Nông nghiệp 118 cho biết, bản thân anh xuất phát từ một nông dân, trồng ngô lúa. Năm 2012, anh đi vào xã Cô Ba - xã biên giới của huyện Bảo Lạc - thấy người dân trồng dâu nuôi tằm rất hiệu quả nên đã bén duyên từ đó.

Anh Hoàn kể: "Tại đây, tôi đã tìm đến mô hình trồng dâu nuôi tằm của ông Lăng Văn Sông, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Cô Ba. Ông Sông là người đi đầu trong việc trồng dâu nuôi tằm của xã. Thấy hiệu quả gấp 6-8 lần so với trồng ngô, lúa, tôi đã quyết định học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật với mục đích chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình...".

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 2.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Nông Văn Hoàn chia sẻ về cách thức ươm tằm tại xưởng ươm của HTX Nông nghiệp 118. Ảnh: Chiến Hoàng

"Năm 2013 gia đình tôi chuyển đổi hơn 1ha trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Hai năm đầu thực hiện chuyển đổi mô hình, do chưa có kinh nghiệm nên cũng chưa có thu nhập. 

Đến 2015, giữa huyện Bảo Lạc (Cao Bằng, Việt Nam) và huyện Nà Po (Trung Quốc) thực hiện cam kết tự do giao thương về trồng dâu nuôi tằm, tôi tiếp tục học hỏi kinh nghiệm thực tế của các hộ đang thực hiện trồng dâu nuôi tằm tại xã Cô Ba. Nhờ kiên trì học hỏi, cũng trong năm này mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình tôi đã bắt đầu có thu" - anh Hoàn nhớ lại.

Anh Hoàn kể, cùng với việc trồng dâu nuôi tằm, anh nhận thấy nhu cầu về tằm giống tại địa phương rất cao. Do quãng đường xa, nên tằm giống vận chuyển Trung Quốc về không đảm bảo chất lượng. Sau nhiều lần bàn bạc, năm 2018, anh đã cho vợ sang Trung Quốc 6 tháng để học kỹ thuật ươm tằm.

"Tôi nuôi tằm dưới nền xi măng mát mẻ nên sức khỏe tằm ổn định, hiệu quả cao. Thiết bị lên né cho tằm nhả tơ trước dùng của Trung Quốc, khi tằm lên né phải lật đi lật lại rất tốn công. 

Do đó năm 2015, tôi đã sáng chế ra né quay tự động. Khi nhặt tằm lên, cánh quạt né sẽ quay tự nhiên đến khi tằm nhả hết tơ thì thôi. Dụng cụ ấy gọi là né gỗ ô vuông, thời gian sử dụng được 5-8 năm, giúp giải phóng sức lao động trong trồng dâu nuôi tằm khoảng 50%" - anh Hoàn cho biết.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 3.

Một trong nhiều gian chứa lá dâu ươm con tằm giống tại xưởng ươm tằm giống của HTX Nông nghiệp 118 tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Đến năm 2019, anh Hoàn thành lập HTX Nông nghiệp 118 và xây dựng một xưởng ươm tằm ở thị trấn Bảo Lạc. Xưởng chuyên cung cấp tằm con cho các hộ trồng dâu nuôi tằm của huyện; giúp người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Bảo Lạc không phải nhập tằm từ Trung Quốc. Lứa đầu tiên ấp nở, bà con đem nuôi rất hiệu quả.

Năm 2019 - 2020, dịch Covid-19 bùng phát, gần 300ha diện tích trồng dâu nuôi tằm của huyện Bảo Lạc có nguy cơ bỏ phí vì không có tằm giống. Lúc này, HTX quyết định làm xưởng ươm thứ hai tại xã Hồng Trị để cung cấp tằm giống cho bà con. Đến nay, HTX đã xây dựng được 3 xưởng với tổng diện tích 1000m2, sức chứa khoảng 1.200 lá tằm.

Theo anh Hoàn, tằm giống HTX ươm phục vụ chủ yếu ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng và một số huyện lân cận của các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn. Bản thân anh cũng liên hệ với Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc ở Sơn La, kết nối đầu ra cho sản phẩm trong vòng 24 tháng. Phía công ty đánh giá rất cao kén tằm tơ được nuôi trồng tại huyện Bảo Lạc.

Năm 2022, Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc ký tiếp hợp đồng bao tiêu kén tằm tơ cho huyện Bảo Lạc trong 5 năm. Đến 2023, Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái cũng đã lên Bảo Lạc khảo sát và ký cam kết bao tiêu sản phẩm kén tằm tơ.

Trở thành "vua tằm" Bảo Lạc

Nói về nghề trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt là ươm tằm giống, anh Hoàn cho biết, khó khăn nhất là máy móc do chi phí đầu tư thiết bị khá cao và chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. 

Cái khó thứ hai là vùng trồng dâu nuôi tằm. Tại huyện Bảo Lạc, diện tích trồng dâu manh mún, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, do đó lá dâu dễ bị nhiễm các loại thuốc từ ở khu vực trồng lúa hoặc trồng cây ăn quả khác, gây ảnh hưởng đến con tằm.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc thăm cơ sở thu mua kén tằm của HTX Nông nghiệp 118 tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nhà xưởng ươm tằm giống phải luôn đảm bảo sạch sẽ thoáng mát. Sau mấy vụ tằm phải quét lại xi măng ở nền và tường để đảm bảo không có khuẩn gây hại trên nền cũ. Với trần xưởng, khoảng 5 năm phải thay 1 lần, tránh lâu ngày tạo ổ bệnh, ảnh hưởng đến trứng và tằm con. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi vào được 2 lứa tằm giống, thời gian còn lại dành để xử lý, vệ sinh nhà xưởng" - anh Hoàn cho biết thêm.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 5.

Người lao động ở điểm thu mua kén tằm của HTX Nông nghiệp 118 bốc kén tằm lên xe chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Chiến Hoàng

Từ việc ươm tằm giống, chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho người dân địa phương, HTX Nông nghiệp 118 đã và đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động thường xuyên và thời vụ cùng hơn 800 hộ liên kết. Nhân công tại xưởng mỗi tháng có thu nhập 7,5 triệu đồng, bao ăn ở.

"Chúng tôi hiện có 3ha diện tích đất dành để trồng dâu tằm và ươm cây dâu giống. Chúng tôi dự kiến sẽ hỗ trợ cho các hộ trồng dâu nuôi tằm có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bảo Lạc mỗi hộ khoảng 1000 cây dâu tằm giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để các hộ phát triển kinh tế" - Nông dân Việt Nam xuất sắc Nông Văn Hoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp 188".

Cũng theo anh Hoàn, tổng mức đầu tư cho các nhà xưởng, thiết bị máy móc hiện đã lên đến 3 tỷ đồng.

''Tôi mong muốn tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên cái khó là phải thế chấp tài sản. Nếu tiếp cận được, chúng tôi sẽ đầu tư nhà xưởng và kho bảo quản lạnh, mở thêm xưởng ươm và xưởng thu mua. Hiện chúng tôi đang có 3 kho bảo quản lạnh với sức chứa 6 tấn kén/ngày, nhưng vẫn chưa đáp ứng được cho bà con'' - anh Hoàn bày tỏ.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 6.

Anh Thào A Dào (thôn Lũng Vầy, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ về nghề trồng dâu nuôi tằm của người dân trong thôn. Ảnh: Chiến Hoàng

Tại xưởng thu mua và bảo quản kén tằm ở xã Cô Ba, khi chúng tôi đến, xe máy của người dân chở kén tằm đợi bán, hàng nối hàng tấp nập không kém gì một phiên chợ vùng cao thực thụ.

Anh Thào A Dào (thôn Lũng Vầy, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) cho biết, nuôi tằm vất vả hơn trồng ngô, trồng lúa, sắn, khoai… nhưng thu nhập lại gấp rất nhiều lần. Thôn Lũng Vầy có 33 hộ dân, thì 30 hộ trồng dâu nuôi tằm.

"Đang cuối mùa nên đợt này tôi nuôi ít, chỉ 2 lá thôi. Mỗi lá tằm sau khi đến tuổi bán kén có giá 6 triệu đồng. Một lá tằm 40 ngày được 2 lứa xuất bán. Nhà tôi nếu duy trì đều 3 lá tằm, mỗi tháng cũng bỏ túi được khoảng 30 triệu đồng" - anh Thào A Dào cho biết thêm.

Còn anh Ma Văn Cảnh (xóm Nà Đôm, xã Cô Ba , huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) cho biết, gia đình anh đã trồng dâu nuôi tằm được hơn 10 năm. Nhà anh nuôi 2 đến 3 lá, mỗi tháng cũng cho thu từ 20 - 30 triệu đồng. Trồng dâu nuôi tằm thu nhập ổn định hơn những việc khác mà trước đó gia đình đã làm.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cao Bằng: Từ trồng ngô, lúa trở thành "vua tằm" nơi biên viễn - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nhận xét về Nông dân Việt Nam xuất sắc Nông Văn Hoàn. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) nhận định, nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Lạc đang góp phần giúp người dân thoát nghèo. Hội viên nông dân Nông Văn Hoàn là hội viên đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trong suốt thời gian 12 năm trồng dâu nuôi tằm, anh Nông Văn Hoàn đã tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho bà con. Trong đó có nhiều bà con làm việc trực tiếp tại các xưởng ươm tằm giống và xưởng thu mua. Hiện Hội Nông dân huyện Bảo Lạc đã có kế hoạch nhân rộng mô hình kinh tế của anh Hoàn, từ đó giúp phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế tập thể đạt nhiều kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Với những thành tích đã đạt được trong phát triển kinh tế và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Nông Văn Hoàn đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021; Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang năm 2021 vì đã có thành tích trong phong trào thi đua Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cùng nhiều giấy khen cấp tỉnh.

Anh Nông Văn Hoàn còn đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 8 (năm 2022-2023) với giải pháp"Ứng dụng kỹ thuật nghiên cứu xây dựng nhà băng trứng tằm ươm giống tằm con và thiết kế nhà dụng cụ nuôi tằm lấy kén".

HTX Nông nghiệp 118 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì đã có thành tích trong phong trào thi đua năm 2023 Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

Với thành tích nổi bật, hội viên nông dân Nông Văn Hoàn đã vinh dự được bình chọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem