Vodka Hà Nội vẫn loay hoay bài toán thoát lỗ, đối thủ nặng ký xuất hiện

Quang Dân Thứ năm, ngày 22/04/2021 08:03 AM (GMT+7)
Trong khi Halico, chủ thương hiệu Vodka Hà Nội, đang loay hoay với bài toán thoát lỗ thì phải đối mặt với một loạt đối thủ nặng ký đang từng bước chiếm lĩnh thị trường và giải pháp thoát khỏi Nghị định 100 cũng như dịch Covid-19.
Bình luận 0

CTCP Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico, HOSE: HNR) chủ thương hiệu Vodka Hà Nội công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với doanh thu thuần đạt gần 36 tỷ đồng, tăng trưởng đến 34,3% so với doanh thu đạt được quý 1/2020. Trong số đó, phần lớn là doanh thu bán thành phẩm rượu, chiếm khoảng 96% tổng doanh thu.

Phía Halico cho biết, nguyên nhân dẫn đến doanh thu trong quý 1/2021 tăng mạnh bởi do yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến thói quen sử dụng rượu bia của miền Bắc Việt Nam.

"Vào mùa đông và mua xuân trời lạnh, sản lượng tiêu thụ rượu nói chung sẽ tăng hơn mùa hè và màu thu", Halico cho hay.

Sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, tính chung, quý 1/2021 Halico vẫn lỗ hơn 1 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với số lỗ hơn 8,6 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1 năm ngoái.

Đáng chú ý, đây cũng là số lỗ "nhẹ" nhất từ nhiều năm nay tính theo quý của Halico. Lượng hàng tồn khi giảm hơn 12 tỷ đồng so với đầu năm, còn gần 60 tỷ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 10 tỷ đồng).

Tính đến hết quý 1/2021 Halico vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 445 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty vẫn còn khoản tiền 613 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển. Vỗn chủ sở hữu còn 367 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng.

Vodka Hà Nội: Lỗ ròng 1 tỷ đồng, "nhẹ" nhất từ nhiều năm nay tính theo quý - Ảnh 1.

Nguồn: Halico

Vodka Hà Nội và sự vùng lên của đối thủ 

Sản phẩm Vodka Hà Nội của Halico đã từng là một trong những sản phẩm "quốc dân" hàng chục năm về trước. Trong một thời gian dài, Vodka Hà Nội là sản phẩm vodka nội địa duy nhất thống lĩnh thị trường. Đến năm 2012, Vodka Hà Nội góp phần không nhỏ giúp Halico đạt kỷ lục về lợi nhuận.

Thế nhưng, đáng tiếc, sau đó, ông lớn ngành cồn rượuViệt Nam liên tục tuột dốc, tuột dốc đến mức "nát tươm".

Phía Halico cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe hơn. Halico cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân…

Vodka Hà Nội: Lỗ ròng 1 tỷ đồng, "nhẹ" nhất từ nhiều năm nay tính theo quý - Ảnh 2.

Lỗ lũy kế của Halico tính đến cuối năm 2020 hơn 445 tỷ đồng, gấp hơn 2 vốn điều lệ

Ngoài ra, hệ lụy các chương trình, hệ thống bán hàng trước đó còn tác động tiêu cực từ các năm trước chuyển sang mà chưa giải quyết dứt điểm.

Nhu cầu sản xuất ở mức thấp so với năng lực sản xuất dẫn tới không giảm được giá thành, Công ty phải bố trí ngừng việc lớn trong 2020. Chưa kể, HNR còn đang đầu tư cho nguồn nhân lực và chưa khai thác được thế mạnh từ việc hợp tác với Diageo.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Halico bị cạnh tranh gay gắt bởi hãng rượu nội vodka Men, vodka Cá sấu và gần đây nhất là Vodka Sói với hình thức và chất lượng vượt trội.

 Vodka nội địa và giải pháp thoát khỏi "gọng kìm" Nghị định 100

Tuy nhiên, không chỉ riêng Halico, năm 2020, ngành  Bia, Rượu, Nước giải khát chịu khó khăn kép do tác động của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019. Giải quyết vấn đề này theo một tầm nhìn dài hạn đang là yêu cầu rất lớn đặt ra với ngành Bia, Rượu, Nước giải khát.

Thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu Nước Giải Khát (VBA), từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Thống kê của VBA cho thấy nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50%. Theo đó, một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo của Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.

Trước tình thế này, VBA đã có công văn gửi Thủ tướng cùng các Bộ ngành nhằm… kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.

VBA đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phí trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại chọn phương án mở rộng thị trường, vượt khó khăn bằng cách tập trung đổi mới chất lượng rượu, cũng như mẫu mã bên ngoài.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo NewBev Group, chủ thương hiệu Vodka Sói, cho biết những sản phẩm như vodka Men hay vodka Sói là những sản phẩm đã góp phần thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về rượu vodka nội địa. Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam vốn chỉ quen với các sản phẩm rượu tự nấu, rượu quê… còn cao cấp hơn là các sản phẩm nhập khẩu (whisky, vodka..). 

Vodka Hà Nội vẫn loay hoay bài toán thoát lỗ, đối thủ nặng ký xuất hiện - Ảnh 4.

Vodka Sói là bước đột phá trên thị trường vodka nội địa với nguồn nguyên liệu cao cấp nhất (cồn gạo)

Rượu tự nấu thì chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do hệ thống chưng cất không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để loại bỏ các tạp chất có hại trong rượu như aldehyde, methanol…, còn rượu nhập khẩu thì ngoài việc giá thành đắt đỏ, người tiêu dùng còn phải đối mặt với nguy cơ uống phải rượu giả. 

Vodka nội địa trong nhiều năm qua đã phần nào giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về rượu sạch, mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn với giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo. Các thương hiệu rượu vodka nội địa cũng nhanh nhạy trong việc đáp ứng các xu thế tiêu dùng mới (rượu nhẹ độ, rượu ngâm hoa quả…) và không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã bao bì để mang tới cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. "Với vodka Sói, chúng tôi sử nguồn nguyên liệu cao cấp nhất trên thị trường hiện nay là cồn gạo 100%. Ngoài ra chúng tôi cũng nghiên cứu đưa ra nồng độ thích hợp với điều kiện khí hậu và thể lực của người Việt nam mà vẫn tối ưu hoáhương thơm và vị đặc trưng của rượu".

"Một trong những ưu điểm của Vodka Sói là chứa hàm lượng methanol và aldehyde thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của QCVN nên không gây đau đầu. Bên cạnh đó, công thức độc quyền được phát triển bởi các chuyên gia rượu hàng đầu của Việt Nam và Ukraina mang đến cho Vodka Sói hương thơm dịu, vị êm, hậu vị ấm và ngọt nhẹ", vị lãnh đạo này cho hay.

Cũng theo chia sẻ từ NewBev Group, trước tình trạng làm nhái, làm giả các thương hiệu rượu tràn lan trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp đã nghiên cứu để Vodka Sói không thể làm giả. Toàn bộ phần bao bì của chai rượu (tem, nút, foil…) đều được sản xuất tại châu Âu và tích hợp các giải pháp chống hàng nhái, hàng giả bằng công nghệ tiên tiến nhất châu Âu hiện nay.

Tuy nhiên, những thay đổi này mới phần nào giải quyết được bài toán thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe. Ngoài Nghị định 100 và dịch bệnh Covid khiến việc kinh doanh bị gián đoạn, khó khăn, mối đe doạ lớn nhất với các doanh nghiệp rượu nội địa là các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu lậu, rượu tự nấu… được bán tràn lan trên thị trường mà không hề chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý chất lượng hay thuế. 

Nghị định 94/2012/NĐ-CP được chính phủ ban hành năm 2012 và sau đó là Nghị định 105/2017/NĐ-CP đã nêu rõ toàn bộ các sản phẩm rượu sản xuất trong nước đều phải dán tem thuế. Điều này giúp Nhà nước quản lý được sản lượng rượu nội địa được tiêu thụ hàng năm nhằm phục vụ công tác thu các loại thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với ngành rượu. Doanh nghiệp rượu phải được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, sản phẩm đạt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới đủ điều kiện để đăng ký mua tem thuế.

Luật chặt chẽ là thế, tuy nhiên công tác quản lý, giám sáttriển khai không đồng bộ và lỏng lẻo khiến cho các doanh nghiệp rượu làm ăn chân chính, đóng thuế đầy đủ và chấp hành nghiêm túc các quy định về chất lượng lại chịu thiệt thòi do giá thành cao. Các sản phẩm rượu tự nấu, rượu lậu, rượu kém chất lượng vẫn được bán tràn lan mà không cần bất kỳ loại tem thuế nào. 

Theo thống kê sơ bộ của PV tại một số nhà hàng, quán nhậu lớn ở Hà Nội, số lượng rượu trôi nổi, rượu kém chất lượng và không dán tem thuế trong nước chiếm tới 70-80% toàn bộ lượng rượu bán ra trong quán, được bày bán và giới thiệu công khai. Vô hình chung, Nghị định của Chính phủ về quản lý ngành rượu lại góp phần tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà phần bất lợi thuộc về các doanh nghiệp lớn vốn luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước. Đó là chưa tính đến hệ luỵ kinh tế là Nhà nước thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và hệ luỵ xã hội là rượu kém chất lượng, rượu giả gây nguy hại trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ người tiêu dùng.

"Các doanh nghiệp trong ngành rượu mong muốn Chính phủ xiết chặt công tác quản lý ngành rượu,giải quyết triệt để tình trạng trốn thuế của các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem