Vốn nhỏ làm nên nghiệp lớn

Thứ tư, ngày 11/04/2012 18:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí mới xuống 11,16%.
Bình luận 0

Gặp chúng tôi, anh Lê Định (tổ 13, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) xúc động nhớ lại con đường thoát nghèo của gia đình mình: "Nếu không được vay vốn ưu đãi, gia đình tôi vẫn còn nghèo mãi".

img
Gia đình ông Lại Đình Đại (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) vay vốn ưu đãi để nuôi cá và đã thoát nghèo.

Tạo đà cho nông dân làm giàu

Gia đình anh Định với 5 nhân khẩu mà chỉ có 0,1ha trồng lúa nên việc lo đủ cái ăn là bài toán khó đối với anh. Năm 2008, anh Định được Ngân hàng CSXH thị xã cho vay 50 triệu đồng. Có tiền, anh chuyển 3.000m2 đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá thịt, kết hợp với chăn nuôi 20 con heo thịt, 5 heo nái. Sau 1 năm, anh đạt lợi nhuận tới 30 triệu đồng. Giờ đây, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng và là một trong những hộ khá giả có tiếng ở phường Thủy Châu.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Huỳnh Văn Hiệp (thôn Phò Nam B, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) kể: “Tôi cưới vợ và ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2008, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng, vợ chồng tôi đào ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn, xây hệ thống hầm biogas”.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn nên bình quân mỗi năm vợ chồng anh thu hơn 7 tạ cá, xuất chuồng hơn 100 con lợn thịt, 150 lợn giống, tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng. "Tất cả những thứ tôi có hôm nay đều từ 20 triệu đồng Ngân hàng CSXH cho vay" - anh Hiệp nói.

Từ nguồn vốn "tạo đà" ban đầu, hàng nghìn nông dân ở Thừa Thiên - Huế đã thoát nghèo bền vững. Cùng với giúp nông dân vay vốn, Hội Nông dân các cấp còn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như nuôi gà công nghiệp, trồng rau an toàn ở huyện Quảng Điền; nuôi heo rừng ở Phú Lộc; nuôi ba ba ở Phú Vang; nuôi tôm trên cát ở Phong Điền, trồng cao su ở Hương Trà, Nam Đông và cà phê ở A Lưới. Năm 2010-2011, toàn tỉnh có gần 30.000 hộ nông dân đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi.

An sinh cho người nghèo

Cũng nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình nông dân đã có điều kiện làm các công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt, xây nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Chương trình cho học sinh, sinh viên vay với điều kiện vay thuận lợi đang "chắp cánh" cho nhiều sinh viên nghèo hiếu học được thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học. Các chương trình cho vay khác như: Giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đã giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn...

"Tất cả những thứ tôi có hôm nay đều từ 20 triệu đồng Ngân hàng CSXH cho vay".

Ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Thừa Thiên - Huế cho biết: Toàn tỉnh đã có 152 điểm giao dịch lưu động ở 152 xã, phường thị trấn, cùng với mạng lưới gần 1.052 tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức chính trị- xã hội. Nhờ đó, đồng vốn vay đến đúng đối tượng, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn của các đối tượng, hạn chế thấp nhất vốn sử dụng không đúng mục đích. Đến nay, tổng dư nợ của vốn vay ưu đãi dành cho nông dân trên địa bàn tỉnh là hơn 422 tỷ đồng. Riêng năm 2011, ngân hàng đã giải ngân gần 66 tỷ đồng cho 43.030 hộ vay.

Ông Thọ cho biết thêm, để nguồn vốn ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, ngân hàng tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đảm bảo cho vay, thu nợ, giải ngân tới tận xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng nhất đưa vốn tín dụng ưu đãi tới người nghèo. Đồng thời tăng cường theo dõi, quản lý, giám sát nguồn vốn tránh tình trạng để nợ quá hạn; nâng mức cho vay để bà con có đủ vốn để phát triển sản xuất...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem