Vốn ODA, FDI cho nông nghiệp giảm kỷ lục

Thứ ba, ngày 22/11/2011 06:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT với Chính phủ, trong 10 tháng qua, việc thu hút vốn vay ưu đãi (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Dự báo, trong một vài năm, việc thu hút các nguồn vốn này sẽ còn nhiều trở ngại, khó tháo gỡ.

FDI, ODA “nối đuôi” nhau giảm

Trong văn bản mới nhất mà Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ để trả lời chất vấn trước Quốc hội, thì nguồn vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ rất ít và có xu hướng giảm dần, từ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống chỉ còn 1% năm 2010. Còn tính chung trong vòng 20 năm, từ 1990 đến 2010, ngành nông nghiệp vốn đầu tư FDI chỉ đạt 4,3 tỷ USD (chiếm 2,3%), tức mỗi năm chỉ thu hút được có 215 triệu USD.

img
Hệ thống thủy lợi nội đồng đang rất cần vốn để được hoàn thiện.

Trong năm 2011 này, ngành nông nghiệp cũng chỉ dám đặt ra mục tiêu thu hút được khoảng 50 triệu USD vốn FDI. Tình hình thu hút nguồn vốn ưu đãi ODA cũng thê thảm không kém, khi từ tháng 7 đến nay, cả nước không thu hút thêm được một dự án ODA nào.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp chỉ phê duyệt được 16 dự án với tổng kinh phí 5.083 tỷ đồng (bằng khoảng 250 triệu USD), trong khi đó tổng vốn ODA năm 2010 tuy thấp nhưng vẫn còn đạt 490 triệu USD.

Ông Lương Thế Phiệt- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Nguyên nhân của việc thu hút nguồn vốn ODA giảm là từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình (trên 1.000 USD/người), nên chính sách của các nước hay các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng thay đổi. Không như trước, họ phải cân nhắc đầu tư có trọng điểm, vừa làm, vừa kiểm tra.

Đặc biệt, họ yêu cầu có sự tương tác giữa nước chủ nhà và nước nhận nợ, cùng cơ quan cho vay nợ. Hơn nữa, hiện nay tình hình kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái, dẫn tới việc thu hút càng khó khăn hơn”.

Đối với việc thu hút vốn FDI, theo ông Phiệt: “Từ trước đến nay, đầu tư vào FDI vào nông nghiệp luôn khó khăn, bởi vì đây không phải là lĩnh vực hấp dẫn, trong khi tiền từ FDI là tiền cá nhân của các tổ chức, công ty, tập đoàn, nên mục tiêu của họ là lợi nhuận. Cho nên, họ phải đầu tư vào những lĩnh vực cho thu hồi vốn nhanh, chứ không phải nông nghiệp”.

Vỡ kế hoạch?

Theo dự báo của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành nông nghiệp nước ta có thể thu hút 2-2,25 tỷ USD vốn ODA, gấp 3 lần các giai đoạn trước, nhưng với tình hình hiện nay, mục tiêu này khó có thể đạt được, nếu nhìn vào thực trạng hiện nay.

Mặc dù, việc thu hút ODA cũng như FDI vào nông nghiệp đang rất bế tắc và có thể không đạt được mục tiêu như dự báo, nhưng trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Bộ NNPTNT ban hành mới đây, các giải pháp đưa ra vẫn rất chung chung, chưa có trọng điểm.

Theo đó, Bộ NNPTNT cũng chỉ đề ra giải pháp là: Tiếp tục có chính sách khuyến khích đầu tư, chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư hơn là chú trọng vào số lượng. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư vốn ODA vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, vốn ODA cần được tập trung vào 4 lĩnh vực: Thực thi chính sách tam nông; xóa đói giảm nghèo; vấn đề an toàn thực phẩm; an ninh lương thực.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT): “Việc thực hiện các dự án ODA còn rất nhiều hạn chế, như thiếu định hướng tổng thể về thu hút và sử dụng ODA cho nông nghiệp, nông thôn, phân bổ nguồn vốn chưa đều giữa các vùng trong cả nước, chưa có đội ngũ chuyên môn quản lý nguồn vốn ODA, năng lực quản lý vốn, tạo sự liên kết giữa việc lập kế hoạch, ngân sách... của cán bộ địa phương các cấp còn yếu kém”.

Ông Lê Đức Thịnh- Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) nhận định: “Thực tế, việc thu hút ODA, trong đó có FDI vốn đã khó khăn từ nhiều năm qua, hiện tại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới. Song theo tôi, đó chỉ là một nguyên nhân, còn lý do quan trọng hơn cả là cần xem lại hiệu quả sử dụng nguồn vốn, bởi trong quá trình sử dụng vốn ODA của mình thực sự có vấn đề”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem