Vốn vay Agribank "đẻ" lãi, Điện Bàn có nhiều tỷ phú

Trần Hậu Thứ năm, ngày 09/08/2018 16:20 PM (GMT+7)
Những năm qua, thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thị xã Điện Bàn (Agribank Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, hàng nghìn người đã có thu nhập ổn định và nhiều hộ trở thành những tỷ phú.
Bình luận 0

Vốn vay “đẻ” lãi tiền tỷ

Bà Hà Mộng Anh Thư – Phó Giám đốc Agribank Điện Bàn chia sẻ, thời gian qua đơn vị luôn bám sát định hướng kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cung cấp nguồn vốn kịp thời để nông dân yên tâm sản xuất.

Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

img

 Nhờ vốn Agribank thị xã Điện Bàn mà mỗi năm anh Nguyễn Văn Kiệt thu lãi hơn 500 triệu đồng. Ảnh: Trần Hậu

Theo bà Hà Mộng Anh Thư, thời gian tới, Agribank thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của địa phương, tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn, để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả hơn.

Để thấy rõ hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn của Agribank Điện Bàn, chúng tôi cùng cán bộ ngân hàng đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Kiệt (48 tuổi, ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Anh Kiệt chia sẻ, trước đây kinh tế của gia đình anh dựa vào mấy sào ruộng, ngoài ra, đi làm thuê cũng chỉ đủ để sống qua ngày.

“Để nâng cao thu nhập cho gia đình, tôi bàn với vợ tìm hướng phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay 50 triệu của Agribank Điện Bàn, cộng với số tiền tích cóp được, tôi quyết định thành lập trang trại theo mô hình VAC.

Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha (năm 2003), đến nay quy mô trang trại của tôi đã mở rộng lên hơn 1,5ha, với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), 3 chuồng nuôi gà theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa), cùng đàn bò 5 con. Hiện trang trại của tôi cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 500 triệu đồng” – anh Kiệt phấn khởi.

Trang trại của hộ ông Nguyễn Đức Sơn (68 tuổi ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ), được xem là điểm sáng về chăn nuôi hiện nay của thị xã Điện Bàn. Ông Sơn cho biết: “Năm 2003, tôi vay 100 triệu đồng từ Agribank Điện bàn để đầu tư trang trại, nuôi bò, heo, gà… Sau nhiều năm nuôi, tôi thấy hiệu quả nên tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, đến nay quy mô trang trại trên 6ha, với 200 con bò, 300 con heo, 5.000 con gà. Cùng với đó gia đình tôi cung ứng các sản phẩm thú y, thức ăn chăn nuôi... Hiện nay, mỗi năm trang trại cho doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 1 tỷ đồng".

"Hiện trang trại còn giải quyết cho 5 lao động địa phường, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tôi dự định vay thêm Agribank để mở rộng chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương” – ông Sơn cho biết thêm.

Bám sát mục tiêu “tam nông”

Theo bà Hà Mộng Anh Thư, với phương châm hoạt động “sát cánh cùng nhà nông” nên những năm qua Agribank Điện Bàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng nguồn vốn huy động năm 2017 đạt 1.291.585 triệu đồng, tăng so với năm 2016 là 17,79%. Trong đó tiền gửi dân cư đạt 1.230.524 triệu đồng, tiền gửi tổ chức kinh tế là 25.300 triệu dồng.

“Tổng dư nợ tính đến 31.12.2017 là 373.999 triệu đồng, tăng 33.76% so với năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 261.799 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 70% trong tổng dư nợ, với số lượng khách hàng dư nợ là 2.519. Dư nợ theo Nghị định 55 là 260.636 triệu đồng/2.513 hộ, dư nợ theo Nghị định 68 là 1.163 triệu đồng/6 hộ...” – bà Thư thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem