VOV mua bản quyền ASIAD 18: Có lãi thì tốt, nếu lỗ cũng phải chịu

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 21/08/2018 20:16 PM (GMT+7)
“Nếu có lãi thì tốt, không thì lỗ cũng phải chịu, coi đó như một phần của việc phục vụ khán giả. Thời điểm này, chưa thể hạch toán chi tiết là thương vụ sẽ lỗ hay lãi. Một chiến dịch thể thao lớn như ASIAD phải nhiều tháng sau mới biết kết quả ra sao. Khi chúng tôi làm như vậy, các đối tác đã tới với mình. Nhiều khi trong các cuộc họp, chúng tôi nói với nhau lẽ nào Việt Nam không có đài nào mua”, ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh thể thao VTC3 bày tỏ quan điểm.
Bình luận 0

img

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ lại có dịp được trực tiếp theo dõi những người hùng U23 Việt Nam th iđấu trong màu áo Olympic Việt Nam ở ASIAD 18

Bản quyền truyền hình và nỗi lo lỗ vốn

Cách đây ít giờ đồng hồ, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam chính thức xác nhận VOV đã có bản quyền truyền hình ASIAD 18 với giá dưới 1,5 triệu USD. Để thực hiện được điều này, VOV cũng đã ghi nhận sự vào cuộc, giúp đỡ hỗ trợ nhiệt tình và vô tư của hai doanh nghiệp lớn là Vingroup và Viettel.

Theo đó, các trận đấu của Olympic Việt Nam cũng như các cuộc so tài của các VĐV Việt Nam tại ASIAD 18 sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTC 3, VTC 6, trên kênh truyền hình VOVTV, các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, trực tuyến trên báo điện tử VOV.VN, VTCnews và ứng dụng VTCnow.

Tuy nhiên, trước khi VOV mua được bản quyền truyền hình ASIAD 18, người hâm mộ Việt Nam đã phải đường link xem trực tiếp các trận bóng đá giữa Olympic Việt Nam và các đối thủ trong 3 trận đấu ở vòng bảng. Đó là những bản livesteam bị che một phần logo và có một giọng bình luận khác bên cạnh tiếng Việt.

Thực tế, VTV đã không chấp nhận mức giá bản quyền truyền hình do KJSMWORLD CORP đưa ra. Còn những đơn vị khác cũng không lên tiếng đàm phán sau khi biết mức giá lên đến 4 triệu USD cho bản quyền truyền hình ASIAD 2018.

Trước đó, tháng 6.2018, thời điểm chỉ 5 ngày trước khi World Cup 2018 diễn ra, VTV mới chính thức ký kết hợp đồng mua bản quyền truyền hình giải bóng đá lớn nhất hành tinh với tổng giá trị hợp đồng là 12 triệu USD. Trước khi Viettel và Vingroup tuyên bố tài trợ, VTV chỉ chấp nhận con số 7-8 triệu USD.

Khi đó, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, vướng mắc lớn nhất với đối tác nước ngoài là giá cả, VTV có thể lỗ đến 90% nếu mua được bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phản bác điều này.

Thành công của U23 Việt Nam kéo giá bản quyền truyền hình lên cao

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh thể thao VTC3 chia sẻ, việc giá bản quyền ASIAD 2018 tại Việt Nam tăng gấp nhiều lần so với các kỳ đại hội trước có nguyên nhân từ hiệu ứng U23 Việt Nam.

img

  BLV Vũ Quang Huy

Ở VCK U23 châu Á 2018, việc U23 Việt Nam bất ngờ đi một mạch lên ngôi Á quân đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn. Đây là những lý do để phía đối tác tính toán, nâng giá bán bản quyền ASIAD 18 đối với các đài truyền hình ở Việt Nam.

"Giải nào có U23 Việt Nam tham dự, giải ấy sẽ rất thu hút. Từ giờ trở đi, mọi giải đấu có các cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu, các đối tác đều sẽ tìm cách ép giá nhà đài Việt Nam”, BLV Quang Huy nói.

Trong câu chuyện của mình, BLV Quang Huy cho biết, trong quá trình đàm phán, phía đối tác rất “rắn”, nếu thiếu mềm dẻo, họ sẵn sàng bỏ đàm phán hoặc sẽ giữ nguyên giá ban đầu.

Ông Vũ Quang Huy kể lại: “Xuyên suốt quá trình đàm phán, chúng tôi luôn bày tỏ sự thiện chí. Giải đấu đã diễn ra rồi, ở Việt Nam cũng không có đài truyền hình nào muốn mua bản quyền cả trong khi chúng tôi muốn mua để phục vụ nhân dân nên đề nghị phía đối tác bán bản quyền cho chúng ta với một mức giá vừa phải. Bởi Việt Nam là một quốc gia rất hâm mộ bóng đá, việc bán bản quyền cho một đài truyền hình của Việt Nam sẽ có lợi cho họ. Ngoài ra, nếu cứ giữ nguyên mức giá cũ, không bán được cho đối tác Việt Nam, họ cũng không được hưởng lợi. Trường hợp này là 2 bên, mỗi bên chịu lùi một chút”.

Khi phóng viên đề cập tới bài toán kinh doanh trong thương vụ mua bản quyền truyền hình ASIAD, BLV Quang Huy cho biết, việc này được thực hiện trên tinh thần phục vụ. Rất may mắn thương vụ này nhận được sự đồng hành từ Vingroup và Viettel.

“Nếu có lãi thì tốt, còn lỗ cũng phải chịu, coi đó như một phần của việc phục vụ khán giả. Thời điểm này, chưa thể hạch toán chi tiết là thương vụ sẽ lỗ hay lãi. Một chiến dịch thể thao lớn như ASIAD phải nhiều tháng sau mới biết kết quả ra sao. Khi chúng tôi làm như vậy, các đối tác đã tới với mình.

Nhiều khi trong các cuộc họp, chúng tôi nói với nhau lẽ nào Việt Nam không có đài nào mua. Chứ VOV, VTC đều có lịch sử phát triển hàng chục năm, đều là các đơn vị mạnh. Hay như cá nhân tôi hay nhà đài đều không có động lực làm thương hiệu qua sự kiện này”, BLV Quang Huy bày tỏ quan điểm.

Còn với PGS. TS Ngô Trí Long, sau khi VOV có bản quyền truyền hình ASIAD 18, ông Long cho rằng, sau khi ép giá VTV không thành, tới lúc ASIAD 18 diễn ra, phía đối tác KJSMWORLD CORP không bán được bản quyền cho đối tác Việt Nam sẽ mất một khoản tiền nên họ đã quyết định bán cho VOV với giá thấp hơn.

Ông Ngô Trí Long phân tích: “VOV đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Vingroup và Viettel, trường hợp Olympic Việt Nam không tiến sâu, nhà đài vẫn không lo bị lỗ bởi đoàn Việt Nam tham dự ASIAD rất đông, nhiều vận động viên có cơ hội giành huy chương khác, khán giả vẫn sẽ theo dõi truyền hình”.

Ngoài ra, ông Long cho rằng AFF Cup 2018 diễn ra vào cuối năm nay, với thể thức thi đấu đều đá lượt đi, lượt về trên sân nhà, sân khách, khán giả cũng chỉ quan tâm tới ĐTQG nước mình nên các nhà đài Việt Nam sẽ không lo bị ép giá.

img

PGS. TS Ngô Trí Long

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, VTV cần linh hoạt, hài hòa cân đối các nhiệm vụ kinh tế và chia sẻ quyền lợi với người dân.

Ông cho rằng đây là cơ quan tuyên truyền của Nhà nước và được Nhà nước cấp các nguồn ưu đãi nhất định. Tất nhiên, bản thân VTV cũng phải tự cân đối hoạt động kinh doanh để bảo đảm nguồn thu sự nghiệp. Vì vậy, nên chăng tính toán nguồn thu sự nghiệp để san sẻ với người hâm mộ bóng đá, nhất là ở một đất nước "cuồng nhiệt" bóng đá như Việt Nam.

“VTV phải tự thu tự chi, lỗ của họ không ai gánh hộ. Do đó, không phải mua bản quyền bằng mọi giá để rồi bị ép giá. Nhưng VTV cũng phải đáp ứng được nhu cầu văn hóa của nhân dân trong một sự kiện lớn được mong chờ của thế giới" - ông Ngô Trí Long nói và chia sẻ với việc Việt Nam đối mặt giá mua đắt theo xu hướng chung của thế giới nhưng cũng mong có sự san sẻ từ nguồn thu sự nghiệp của VTV với tư cách là đài truyền hình quốc gia.

Song trên thực tế, việc mua bản quyền và truyền dẫn phát sóng trên các kênh quảng bá (miễn phí) luôn đi kèm với bài toán khó về kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh giá bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao tăng qua từng năm đặt các nhà đài vào thế khó bởi nếu mua là chắc chắn lỗ.

Khung giá quảng cáo lên tới hàng trăm triệu đồng cho 10-30 giây quảng cáo giữa trận đấu ở kỳ World Cup vừa qua, cao hơn 40% so với năm 2014 đôi khi không đồng nghĩa với việc nguồn thu cho nhà đài đủ bù đắp các chi phí về bản quyền. Thực tế, đó chỉ là giá chưa trừ đi các khoản chiết khấu và chi phí.

World Cup 2018, 9 doanh nghiệp Thái Lan đã cùng góp một khoản trị giá 44 triệu USD để mang 64 trận đấu của giải đến với người xem truyền hình Thái Lan một cách hoàn toàn miễn phí. Con số này tăng gấp đôi so với mức 20 triệu USD mà người Thái bỏ ra trong kỳ World Cup 4 năm trước đó để mua bản quyền.

Tại Singapore, năm 2014, các nhà đài của Singapore đã chi khoảng 15 triệu USD để mang giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh về kinh doanh. Con số này năm nay đã lên tới 25 triệu USD.

Ở một quốc gia khác là Hồng Kông, theo thông tin từ tờ Hong Kong Economic Journal, trường hợp của đài TVB (Television Broadcast Ltd) có bản quyền của World Cup 2014 và Thế vận hội mùa hè 2016 nhưng doanh thu không đủ để bù lại số tiền đã bỏ ra. Kết quả là TVB lỗ hơn 100 triệu đô-la Hong Kong (12 triệu USD) mỗi giải.

Với mức chào bán giá 6 triệu USD ban đầu cho bản quyền ASIAD 18 ở Hồng Kông, không một đài truyền hình nào dám đứng ra nhận. Cho đến khi còn số này còn 2 triệu USD thì Cable TV mới mua để phát sóng.

 Bài học về sự chung tay của các doanh nghiệp

Trên thế giới, dù giá bản quyền truyền hình ngày càng đắt đỏ, có những quốc gia, doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền gấp 2-4 lần so với những năm trước đó để sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn.

Và một trong những mô hình được nhắc đến trước World Cup 2018 là là liên kết giữa các nhà đài. Trước tình cảnh đối tác chào giá cao, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều sử dụng mô hình liên kết.

Các nhà đài, doanh nghiệp cùng góp kinh phí, cử đại diện đứng ra đàm phán trên tinh thần "các bên cùng có lợi". Để đảm bảo khả năng sinh lời, các nhà đài thường bắt tay, chung tiền mua bản quyền World Cup để cùng khai thác. Theo danh sách mà FIFA công bố, có 51 quốc gia có nhiều nhà đài cùng mua bản quyền để khai thác chung, phần lớn trong số này là các nước đang phát triển.

Điển hình là Thái Lan, có tới 9 doanh nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp giải khát, thực phẩm, hóa chất, năng lượng hay ngân hàng, cùng góp 44 triệu USD để mang World Cup về phát miễn phí cho người dân Thái Lan.

Tính bình quân, 9 doanh nghiệp chỉ mất trung bình 5 triệu USD để độc quyền quảng cáo suốt giải đấu mà không vấp phải sự cạnh tranh về sóng truyền hình với các doanh nghiệp cùng ngành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem