Tìm lại thời hoàng kim
Người đặt nền móng đầu tiên cho dòng phim truyền hình ngắn tập trên VTV chính là đạo diễn, NSND Khải Hưng, với các bộ phim đình đám một thời như “Mẹ chồng tôi”, “Lời nguyền của dòng sông”… trên Chương trình “Văn nghệ chiều Chủ nhật” vào giữa những năm 1990.
|
Cảnh trong phim “Chạy án”- một bộ phim ăn khách do VTV sản xuất. |
Đã có một thời, người ta thích thú những bộ phim truyền hình 2 tập, 4 tập, 8 tập của VTV như “Của để dành”, “Những người sống quanh tôi”, “Chuyện nhà Mộc”, “Phía trước là bầu trời”... khiến các đạo diễn của ngành điện ảnh cảm thấy “chạnh lòng”.
Từ thành công của phim truyền hình ngắn tập, VTV phối hợp với Cục Điện ảnh để sản xuất Chương trình “Điện ảnh chiều thứ 7” nhưng không gặp được “thiên thời”, sự ào ạt xâm nhập của các bộ phim truyền hình ngoại thu hút nhiều quảng cáo vào thời điểm ấy đã bóp chết một mô hình giải trí rất đặc thù còn nhiều non trẻ. Và thế là phim truyền hình ngắn tập bị “ao” khỏi sóng truyền hình không kèn không trống.
Mới đây, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình VN thông báo: “Từ tháng 1.2012, VTV chính thức khởi động Dự án “Đổi mới phim cuối tuần trên VTV1”, với mục tiêu là hồi sinh phim truyền hình ngắn tập”.
Dự án này khiến khá nhiều người nghi hoặc về tính khả thi của nó. Vấn đề sức hút của phim ảnh trên truyền hình hiện nay đã ở vào tình trạng bão hoà, hệ thống truyền hình cáp tới gần 100 kênh phát sóng 24/24 giờ đã không còn làm cho khán giả háo hức với phim truyện, chứ chưa nói tới thể loại “giả phim truyện” để phát sóng trên truyền hình.
Thế nhưng bên cạnh sự nghi ngại, một vài ý kiến cũng mong manh hy vọng rằng sự đổi mới này của VTV sẽ làm được một điều khá nhiều người đang trông đợi: Soạn được những món “đặc sản” trên mâm cơm đã ê hề thức ăn.
Những đạo diễn từng rất gắn bó với dòng phim truyền hình ngắn tập như đạo diễn NSND Khải Hưng, Vũ Hồng Sơn… thì tỏ ra hào hứng và cho biết sẵn lòng tham gia vào dự án này, chỉ băn khoăn mỗi khoản: Đầu tư cho phim ngắn tập có khá hơn những dự án phim dài tập khác không?
Ông Nguyễn Hà Nam khẳng định: “Với dự án phi lợi nhuận này, VTV đứng ra làm chủ đầu tư, không chạy theo số lượng và sẽ mạnh dạn “vung tiền” cho những kịch bản chất lượng, những đạo diễn giỏi nghề, với mong muốn chất lượng sẽ là thỏi nam châm hút quảng cáo, đem lại doanh thu”.
3 mùa phim trong năm
Cụ thể theo Dự án “Đổi mới phim cuối tuần trên VTV1”, khán giả truyền hình sẽ được thưởng thức những bộ phim điện ảnh kinh điển, xuất sắc của thế giới; các phim Việt Nam xuất sắc, đoạt giải trong nước và quốc tế; các phim do VTV đầu tư sản xuất mới. Các thể loại phim sẽ được sắp xếp, phát sóng theo mùa.
Mỗi năm sẽ được chia thành 3 mùa, từ tháng 1 đến tháng 4 phát phim kinh điển, điện ảnh nước ngoài; từ tháng 5 đến tháng 8 phát phim điện ảnh Việt Nam xuất sắc; từ tháng 9 đến tháng 12 phát phim do VTV sản xuất mới. Cùng với các phim được chiếu, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ sản xuất những chương trình hậu trường và phân tích phim để cung cấp thêm thông tin cho khán giả.
Ông Nguyễn Hà Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung sắp xếp lại lịch phát phim giờ vàng theo kiểu “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng, sao cho thể loại phim hài hoà, tránh tình trạng phim giờ vàng trong một tuần chỉ thuần về đề tài tình cảm hay hình sự”.
Dự kiến, từ tháng 1 đến hết tháng 4.2012, các phim điện ảnh kinh điển thế giới sẽ được phát sóng trong Chương trình “Phim cuối tuần” bao gồm: "Cuốn theo chiều gió" (phim Mỹ, 2 tập), "Chiến hạm Potemkin" (phim Nga), "Kẻ cắp xe đạp" (phim Italia), "High Noon" (phim Mỹ), "Câu chuyện Philadelphia" (phim Mỹ), "Rashomon" (phim Nhật), "Pather Panchali - Song of the Little Road" (phim Ấn Độ).
Và ngay sau đó, sẽ là mùa phim thứ 2 dành cho các phim VN xuất sắc đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Có thể nói đây chính là “bước đệm” để đưa khán giả đến với mùa phim thứ 3- phim truyền hình ngắn tập do VTV sản xuất mới.
Trong khi các nước đã phân loại rõ điện ảnh và truyền hình thì VTV lại quyết định “lội ngược dòng” để quay lại thời hoàng kim của phim truyền hình ngắn tập, có thể coi đây là một quyết định dũng cảm song cũng chưa thể khẳng định nó sẽ thành công đến đâu. Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào chính cách làm của chính nhà đài.
Thanh Thúy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.