Vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat: Hé lộ nguồn cơn!
Vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat: Hé lộ nguồn cơn!
Trung Kiên
Thứ năm, ngày 23/03/2023 20:30 PM (GMT+7)
Ngày 6/10/1981, loạt đạn AK-47 của các sát thủ đã chấm dứt cuộc đời của một con người nổi tiếng với việc thực hiện các quyết định táo bạo trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là quyết định vào năm 1977 đi sang gặp đối thủ Israel của Ai Cập để tìm kiếm hòa bình.
Tổng thống Anwar Sadat là nhà lãnh đạo Ai Cập đầu tiên công nhận nhà nước Israel kể từ khi quốc gia này ra đời vào năm 1948. Vào tháng 9/1978, ông đã gặp Thủ tướng Israel Menachem Begin ở Mỹ, nơi họ thương thảo một thỏa thuận hòa bình. Vào năm 1979 họ tiếp tục với một hiệp ước hòa bình.
Với thành tựu này, hai vị lãnh đạo đã được trao chung một giải thưởng Nobel về Hòa bình.
Tuy nhiên, các nỗ lực của Sadat không được hoan nghênh cho lắm trong thế giới Arab. Các quốc gia Arab tẩy chay Ai Cập vì đã phá vỡ thông lệ và đi đàm phán một hiệp ước riêng rẽ với Israel.
Vào ngày 6/10/1981, một cuộc diễu binh chiến thắng đã được tổ chức ở Cairo để kỷ niệm năm thứ 8 sự kiện quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez.
Khi đó ông Sadat được bảo vệ bởi 4 lớp an ninh và 8 vệ sĩ. Theo các quy trình về sử dụng đạn, lẽ ra cuộc diễu binh này phải an toàn.
Khi các máy bay của không quân Ai Cập bay qua đầu những người xem diễu binh, đám đông bị thu hút chú ý vào đó. Cùng lúc, binh sĩ lục quân và các xe chở lính kéo pháo diễu qua. Một trong các xe tải chở thêm đội ám sát, do trung úy Khalid Islambouli chỉ huy.
Khi chiếc xe tải nói trên tiến qua lễ đài, Islambouli gí súng vào người lái xe và ép anh ta phải dừng xe lại.
Các sát thủ nhảy xuống từ chiếc xe đó. Islambouli tiến đến gần Sadat với 3 trái lựu đạn giấu bên dưới mũ sắt. Sadat đứng yên để nhận nghi lễ chào từ người lính này.
Cháu trai của ông Sadat là Talaat El Sadat về sau nói: “Tổng thống nghĩ rằng các sát thủ chính là một phần của buổi diễu binh nên khi họ tiến tới gần bục để khai hỏa, ông vẫn đứng đó để chào họ”.
Sau đó sát thủ Islambouli ném toàn bộ số lựu đạn của mình về phía Sadat, nhưng chỉ một quả nổ (song lại nổ ở vị trí trước mục tiêu). Có thêm các sát thủ nữa chui ra từ ô tô, nhả đạn AK loạn xạ vào khán đài cho đến khi hết hẳn đạn. Lúc đó chúng bắt đầu bỏ chạy.
Lúc Sadat trúng đạn và gục ngã, mọi người tại đó quăng ghế xung quanh ông để che chắn cho ông trước cơn mưa đạn AK.
Vụ tấn công kéo dài trong khoảng 2 phút. Sadat và 10 người khác đã thiệt mạng tại chỗ hoặc tử thương.
Lực lượng an ninh bị bất ngờ trong giây lát. Sau đó trong vòng 45 giây, họ đã kịp phản ứng lại. Kết quả, họ tiêu diệt được một sát thủ, làm bị thương và bắt sống 3 kẻ khác.
Sadat được đưa bằng máy bay tới một bệnh viện quân sự. 11 bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Sadat. Gần 2 tiếng đồng hồ sau khi được đưa tới bệnh viện, ông qua đời.
Giám định pháp y khẳng định cái chết của Sadat là do “sốc thần kinh và chảy máu trong ở khoang ngực, tại đó phổi trái và các mạch máu chính ở bên dưới đã bị xé nát”.
Ngoài Sadat, có 11 người khác thiệt mạng, bao gồm Đại sứ Cuba, một vị tướng Oman, một giám mục của Giáo hội Chính thống giáo Copt, và Samir Helmy – người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Trung ương Ai Cập.
Có 28 người bị thương, bao gồm Phó Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (người sau này kế nhiệm ông Sadat), Bộ trưởng Quốc phòng Ireland James Tully, và 4 sĩ quan liên lạc của quân đội Mỹ.
Vụ ám sát là do các thành viên của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập tiến hành. Sau này người ta phát hiện ra một fatwa của Omar Abdel-Rahman phê chuẩn việc ám sát này. Rahman là một giáo sĩ mà về sau bị Mỹ kết tội tham gia vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Mỹ 1993.
Islambouli và các sát thủ khác đã bị xét xử, kết tội và tuyên án tử hình. Chúng bị xử bắn vào tháng 4/1982.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.