Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu các quan điểm: Với vai trò là cán bộ, người đứng đầu cơ quan, sở ban ngành, các bị cáo nắm vững các quy định về quản lý đất đai, tài sản nhà nước, nhưng bất chấp quy định pháp luật, gây hậu quả lớn, cần xử lý nghiêm nhằm góp phần củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM một lần nữa khẳng định: Nhà đất 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, việc sắp xếp lại phải theo thẩm quyền của UBND TP.HCM, cụ thể là Ban Chỉ đạo 09. Nhưng khi nhận văn bản của Bộ Công an, bị cáo Nguyễn Hữu Tín không giao Ban chỉ đạo 09 tham mưu, đề xuất; mà giao Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu, hướng dẫn thủ tục là vi phạm các quy định pháp luật về đất đai.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín và bị cáo Đào Anh Kiệt tại phiên toà. Ảnh: Bạch Dương
Sai phạm này đã vi phạm các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng. Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM nêu quan điểm, việc xử lý nghiêm các bị cáo thể hiện việc xử lý hành vi phạm tội là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ghi nhận sự ăn năn hối cải của bị cáo Nguyễn Hữu Tín, khi đã thành khẩn khai báo, nộp 1,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử xem xét,đây là tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Đào Anh Kiệt là người ký các đề xuất, tham mưu ông Nguyễn Hữu Tín ra quyết định giao Công ty Bắc Nam 79 thuê nhà đất 15 Thi Sách. Mặc dù thừa nhận hành vi nêu trên, nhưng bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng làm đúng, làm theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM nhận thấy, sau khi nhận văn bản của UBND TP.HCM, bị cáo Kiệt đã bút phê "anh Thanh xử lý nhanh".
Bị cáo Kiệt là người trực tiếp ký các văn bản tham mưu cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín, dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà nước. Do đó, bị cáo Kiệt là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất, thấy sai nhưng vẫn làm. Vì vậy, việc truy tố của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM là có căn cứ.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín. Ảnh: Bạch Dương
Theo Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, việc bị cáo Đào Anh Kiệt phủ nhận hành vi phạm tội là thể hiện bị cáo chưa nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình. Với vị trí, vai trò là người đứng đầu Sở Tài nguyên - Môi trường, tham mưu chính cho UBND TP.HCM trong lĩnh vực đất đai, bị cáo Đào Anh Kiệt sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Đào Anh Kiệt. Ảnh: Bạch Dương
Với các bị cáo còn lại, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đánh giá thành khẩn khai báo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhiều thành tích trong công tác nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín 7 - 8 năm tù.Các bị cáo: Đào Anh Kiệt bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù; Trương Văn Út và Lê Văn Thanh cùng bị đề nghị 5-6 năm tù; Nguyễn Thanh Chương bị đề nghị 4-5 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.