Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Kỳ cuối): Nâng cao năng lực cán bộ tham gia tố tụng
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Kỳ cuối): Nâng cao năng lực cán bộ tham gia tố tụng
Lương Kết
Thứ hai, ngày 11/05/2020 10:00 AM (GMT+7)
“Một số trường hợp oan sai bị tuyên mức án tù cao như 20 năm, chung thân hoặc tử hình dù ít nhưng để xảy ra thì rất đáng tiếc” - ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho biết như vậy.
LỜI TÒA SOẠN: Những ngày nay, dư luận đang đặt để toàn bộ sự chú ý vào phiên giám đốc thẩm đối với vụ án của Hồ Duy Hải - bị cáo đã bị kết án tử hình qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đó khi bị buộc tội sát hại dã man để cướp của hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) hơn 12 năm trước.
Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ra phán quyết Giám đốc thẩm, qua đó bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận được đẩy lên cao trào ngay sau phán quyết giám đốc thẩm là trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Hồ Duy Hải, còn có rất nhiều sai sót của các cơ quan điều tra (dù có thể "không làm thay đổi bản chất vụ án" như phán quyết của phiên giám đốc thẩm), nhưng cũng khiến dư luận có quyền nghi ngờ về sự chính xác và công tâm của bản án.
Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề (và cũng không khẳng định) bị cáo Hồ Duy Hải có phải chịu án oan như ông Chấn hay không. Nhưng, cũng giống như vụ án Hồ Duy Hải, trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tư pháp khi đó cũng đã mắc phải nhiều sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến cho kết quả điều tra sai lệch căn bản…
Xin mời bạn đọc đón xem lại loạt bài 5 kỳ về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Loạt bài từng đăng tải trên Dân Việt vào năm 2015.
Qua vụ án Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ án oan khác mà NTNN đã phản ánh, ông đánh giá thế nào về hoạt động tố tụng của ta khi xảy ra những vụ việc đó?
- Đánh giá một cách khách quan là ở nước ta tình hình tội phạm khá phức tạp, vụ án xảy ra nhiều nhưng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung cơ bản là tốt. Hoạt động tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải nói là có kinh nghiệm, số vụ án làm đúng pháp luật chiếm đa số.
Bên cạnh đó, cũng có một số vụ án có sự bất thường như để kéo dài, xét xử được thì mất nhiều thời gian, xét xử đi xét xử lại, rồi xảy án oan sai. Những chuyện này là khó tránh khỏi, tôi nghĩ quốc gia nào cũng vậy. Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý, đáng tiếc là một số trường hợp oan sai với những vụ trọng án, người bị bắt, xét xử bị mức án cao như tù 20 năm, tù chung thân thậm chí án tử hình dù ít nhưng để xảy ra thì rất đáng tiếc.
Luật pháp được xem là công cụ hữu hiệu vừa để trấn áp tội phạm cũng để tránh xử lý án oan sai. Vậy liệu hệ thống luật của chúng ta đã đảm bảo sự giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng?
- Nói về quy định pháp luật là rất đầy đủ. Trong lĩnh vực hình sự từ luật về nội dung đến luật về hình thức (luật tố tụng) đều quy định chặt chẽ, cứ thế thực hiện chứ dưới luật không phải có thông tư hướng dẫn. Trong tiến hành tố tụng, luật quy định rõ cấm những điều không được làm như bức cung, mớm cung, dùng nhục hình, hay những việc làm thiếu khách quan cho vụ án. Vấn đề là việc thực thi, nếu cứ nghiêm chỉnh chấp hành theo luật thì đảm bảo hạn chế sai sót.
Đúng là luật quy định rõ, chẳng hạn những tội có mức hình phạt cao nhất, luật sư bào chữa có quyền tham gia từ giai đoạn đầu nhưng theo nhiều luật sư họ vẫn bị cơ quan điều tra gây khó khăn?
- Việc này đúng là còn chưa được tuân thủ nghiêm túc. Ở nước ta sự tham gia của luật sư bào chữa chủ yếu ở giai đoạn xét xử, tranh tụng tại phiên tòa. Còn ở giai đoạn điều tra, truy tố không phải vụ án nào luật sư cũng được tham gia từ đầu.
Quy định của pháp luật ở chỗ này chưa thật cởi mở, chưa thật tạo điều kiện cho luật sư vào bào chữa cho bị can, bị cáo. Việc thiếu sự tham gia một cách đều đặn, đầy đủ của luật sư cũng ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động tố tụng, những trường hợp oan sai trong đó cũng có nguyên nhân như thế.
Năm 2013, số người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển sang xử lý hành chính là hơn 2.400 người, ngành công an tạm đình chỉ điều tra hơn 5.900 người. Có ý kiến cho rằng, điều này thể hiện tình trạng lạm dụng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp, theo ông đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ án oan sai, kỳ án?
- Việc thực hiện đúng quy định của pháp luật thì đòi hỏi trình độ, năng lực, hiểu biết, kinh nghiệm của cán bộ tham gia tố tụng. Cũng có những trường hợp cán bộ do thiếu hiểu biết nên thực hiện chưa chuẩn. Ở ta đã có những cuộc tập huấn, trao đổi rút kinh nghiệm như không nên hình sự hóa những quan hệ hành chính, dân sự. Nếu hình sự hóa sẽ vi phạm đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Ngược lại mà dân sự hóa, hành chính hóa việc hình sự cũng không được, phải đúng người, đúng tội. Tội nặng mà làm nhẹ thì làm mất tác dụng của pháp luật. Vấn đề là trình độ, năng lực của cán bộ tham gia tố tụng phải được nâng cao.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: Phải có sự giám sát cụ thể
Theo cá nhân tôi không chỉ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn mà còn các vụ án oan sai khác, cũng cần phải rút một số hồ sơ để giám sát. Nếu oan sai thì xem vì sao lại bị oan, oan ở khâu nào và ai là người làm oan đầu tiên, phân hóa trách nhiệm ra.
Ngoài ra, những vụ đặc biệt nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm hoặc tham nhũng và những vụ lớn đặc biệt lớn được dư luận xã hội quan tâm cũng cần phải rút hồ sơ để giám sát, từ đó mới giải quyết được tình trạng trên. Hiện tại, chúng tôi đang bận họp Quốc hội nhưng chúng tôi sẽ vào cuộc giám sát tư pháp, chứ còn việc này để "người trong cuộc" làm thì khó.
LS Ngô Ngọc Thủy (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Cho luật sư tham gia từ đầu
Theo tôi nếu luật sư được tạo điều kiện tham gia từ giai đoạn đầu của vụ án, trong quá trình đó nếu có sai sót, người ta có thể phát hiện giúp cơ quan tố tụng. Luật sư và các cán bộ của cơ quan tố tụng tuy đối trọng nhưng cùng chung điểm là làm rõ bản chất vụ án, đúng người, đúng tội, bảo vệ pháp chế.
Nhiều bị cáo khi ra tòa kêu oan nói sở dĩ phải nhận tội ở giai đoạn điều tra là do bị bức cung, nhục hình. Tòa hỏi có căn cứ nào, kiểu hỏi như thế khác nào đánh đố họ. Để giám sát cơ quan điều tra, các cuộc hỏi cung cần được ghi âm, ghi hình và đưa vào hồ sơ vụ án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.