Vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn: Tham ô hơn 13 tỷ đồng, ông Lê Tấn Hùng nhận mức án nào?

Quang Phương Thứ tư, ngày 10/03/2021 11:18 AM (GMT+7)
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an xác định: Ông Lê Tấn Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (gọi tắt là Sagri) đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 10 hồ sơ hợp đồng du lịch nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.
Bình luận 0

Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định: Ông Lê Tấn Hùng là một cán bộ đảng viên, lợi dụng chức vụ là Tổng Giám đốc Sagri, chỉ đạo cấp dưới quyền lập 10 hồ sơ khống để chiếm đoạt hơn 13,3 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân và trục lợi cho nhóm của ông Hùng tại Sagri.

Đến khi Thanh tra TP.HCM kiểm tra (tháng 3/2017), ông Hùng tiếp tục chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân ở 2 công ty du lịch, cùng thực hiện hành vi gian dối (hợp thức hóa hồ sơ, hợp thức dòng tiền) để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Vụ án tại Tổng Công ty Sagri: Tham ô hơn 13 tỷ đồng, ông Lê Tấn Hùng đối diện mức án nào? - Ảnh 1.

Bị can Lê Tấn Hùng, chủ mưu trong vụ việc chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng tiền nhà nước.

Cơ quan CSSĐT - Bộ Công an khẳng định: Hành vi của ông Hùng đủ yếu tố cấu thành tội "tham ô tài sản" theo khoản 4, điều 353 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi của Lê Tấn Hùng xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế, làm tha hóa cán bộ dưới quyền, dẫn đến vi phạm pháp luật phải xử lý; gây mất niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Sagri và nhân dân, cần xử lý nghiêm khắc đối với Lê Tấn Hùng để phòng ngừa, răn đe và giáo dục chung.

Tuy nhiên, theo Cơ quan CSĐT, ông Hùng đã dùng tiền cá nhân hơn 3,4 tỷ đồng thời điểm tháng 7/2017 (trước thời điểm khởi tố vụ án) để hoàn trả lại số tiền chiếm đoạt từ 10 hợp đồng. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Hùng trong vụ án này.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT xác định hành vi của ông Hùng còn cấu thành tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Hành vi phạm tội nói trên của ông Hùng xảy ra khi thực hiện chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 348,7 tỷ đồng (tại thời điểm chuyển nhượng dự án), số tiền hơn 672,1 tỷ đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án). 

Hành vi của ông được Cơ quan CSĐT nhận định là thực hiện không đúng quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, xâm phạm trực tiếp, nghiêm trọng đến chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước.

Vụ án tại Tổng Công ty Sagri: Tham ô hơn 13 tỷ đồng, ông Lê Tấn Hùng đối diện mức án nào? - Ảnh 2.

Một góc khu dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 nơi ông Hùng và các đồng phạm thực hiện chuyển nhượng sai quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng - Ảnh: Quang Phương.

Luật sư Đỗ Duy Khang (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho biết: Với việc tham ô hơn 13 tỷ đồng, ông Hùng đã bị Bộ Công an đề nghị truy tố tội "tham ô tài sản" theo khoản 4, điều 353 - Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo khung hình phạt luật định, ông Hùng có thể bị phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. 

Bên cạnh đó, theo điểm b, khoản 2, điều 11 - Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền mà ông Hùng đã tham ô.

Về việc ông Hùng chủ động dùng tiền cá nhân hơn 3,4 tỷ đồng để hoàn trả lại số tiền đã tham ô, theo luật sư Khang: Đây được xem là một tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, điều 51 -Bộ Luật Hình sự năm  2015. 

Bên cạnh đó tòa án sẽ xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ khác. Nếu ông Hùng có từ hai tình tiết giảm nhẹ, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật được qui định tại khoản 1, điều 54 - Bộ Luật Hình sự năm  2015". 

Luật sư Khang phân tích: "Nếu ông Hùng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền đã tham ô, tương đương khoảng 9,75 tỷ đồng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, thì theo khoản 2, điều 5 - Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, tòa án sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Cụ thể trong trường hợp này ông Hùng sẽ không bị tuyên mức án tử hình.

Còn đối với hành vi phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" bị đề nghị truy tố theo khoản 3, điều 219 - Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Hùng sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem