Vụ án “Thẩm mỹ viện Cát Tường“: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ ba, ngày 02/09/2014 20:09 PM (GMT+7)
Với nỗ lực của cán bộ công an làm công tác giám định ADN tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự (C54) Bộ Công an trong công tác giám định gene, không ít những vụ được coi là "kỳ án" đã được giải mã. Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường gây xôn xao dư luận thời gian qua là một trong những vụ án điển hình.
Bình luận 0

Kiệm lời, khẳng định bản thân qua hiệu quả công việc dường như là đặc tính của những người làm công tác khoa học. Những cán bộ công an làm công tác giám định ADN tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự (C54) Bộ Công an cũng thế. Góp phần quan trọng giải mã những vụ án phức tạp nhưng còn ít người biết và hiểu thực sự công việc của họ. Việc giám định ADN để "tìm ra" nạn nhân vụ án "Thẩm mỹ viện Cát Tường" là một trong những chiến công thầm lặng như vậy…

Những người giải mã ADN

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý nói rằng, từ trước đến nay, mọi người thường nghĩ rằng ADN rất bền vững, không bị phân hủy. Nhưng thực tế nó rất dễ bị phân hủy, đặc biệt là ADN nhân tế bào như  mẫu máu, nước bọt, tinh trùng, mẫu tổ chức cơ thể người… Đặc biệt trong điều kiện thời tiết Việt Nam nóng ẩm, nhiều vi khuẩn thì ADN nhân tế bào rất dễ bị phân hủy nhanh. Một khi ADN đã bị phân hủy thì chất lượng rất kém, không thể giám định được.

Ở Việt Nam, ADN là một lĩnh vực giám định mới nên sự hiểu biết của người dân không nhiều. Trong các vụ án xảy ra, không phải ai cũng có ý thức giữ gìn, bảo quản hiện trường, dấu vết đúng cách. Như trong các vụ án hiếp dâm, đa phần nạn nhân sau khi bị gây án đều tắm rửa sạch sẽ rồi mới đến Cơ quan Công an tố cáo, vô tình họ đã làm mất dấu vết ADN, gây khó khăn cho công tác điều tra. Bên cạnh đó, tội phạm gây án ngày càng tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn để che giấu, xóa dấu vết khiến cho công việc phát hiện, thu lượm dấu vết gặp nhiều khó khăn.

Với lượng dấu vết ít, chất lượng dấu vết kém như vậy, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cán bộ chiến sĩ (CBCS) làm công tác giám định ADN. Với trang thiết bị, phương tiện, hóa chất hiện có chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu giám định so với nước ngoài, nhất là đối với các vụ giám định dấu vết có chất lượng kém. CBCS của Trung tâm phải tự học tập kinh nghiệm như thông qua các buổi hội thảo, trao đổi thông tin quốc tế qua các vụ án cụ thể, hoặc trong những buổi làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Bản thân anh em cũng phải tự mày mò thực tế, thử đi thử lại nhiều lần. Là lĩnh vực mới nên cũng đòi hỏi giám định viên phải có trình độ và kinh nghiệm. Tại những buổi sinh hoạt khoa học kết hợp thực tiễn, CBCS cùng nhau tổng kết, rút kinh nghiệm những vụ việc điển hình về giám định ADN, qua đó truyền đạt kinh nghiệm và có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

img

Đại tá Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an (người đứng ngoài cùng bìa phải) hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm giám định ADN với các cán bộ trẻ của Trung tâm.

 

Với nỗ lực của CBCS Trung tâm Giám định sinh học pháp lý  trong công tác giám định gen, không ít những vụ được coi là "kỳ án" đã được giải mã. Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường gây xôn xao dư luận thời gian qua là một trong những vụ án điển hình.

Chiến công thầm lặng

Đại tá Nguyễn Văn Hà nhớ lại, buổi chiều 18.7 vừa qua, khi phát hiện một tử thi nổi tại bến đò Văn Đức, huyện Gia Lâm, Tiến sĩ - bác sĩ pháp y Nguyễn Quốc Hải, cán bộ Phòng PC54 Công an Hà Nội, người trực tiếp làm công tác khám nghiệm tử thi đã điện thoại cho anh. Lúc đó, qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Quốc Hải chỉ nói đang khám nghiệm một tử thi nổi trên sông chưa rõ tung tích, nếu giám định ADN thì cần lấy mẫu ở những chỗ nào?

Sau khi biết thi thể đã bị phân hủy hết phần mềm, lại mất đầu, Đại tá Nguyễn Văn Hà hướng dẫn đồng chí Hải lấy phần xương tốt nhất trên cơ thể, tốt nhất là phần xương đùi. Sở dĩ chọn phần xương này vì theo Đại tá Nguyễn Văn Hà,  đối với hài cốt thì răng là nơi bảo vệ ADN tốt nhất. Nhưng vì thi thể không có đầu  nên xương đùi sẽ  là  phần xương bảo vệ ADN tốt nhất trong các bộ phận còn lại.

Ngày 29.7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm gửi yêu cầu trưng cầu giám định ADN tới Viện C54 Bộ Công an. Quyết định trưng cầu chỉ ghi mẫu xương của người chưa rõ tung tích được phát hiện tại bến đò Văn Đức. Cùng với việc gửi mẫu xương. Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã mời bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ đẻ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đến để lấy mẫu so sánh. Bà Hiền đã được giám định viên thu mẫu ADN trực tiếp tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý.

Lại nói về việc lấy mẫu ADN của người. Trong cơ thể con người, ADN trong tế bào ở chỗ nào cũng đều giống nhau, từ tế bào niêm mạc, chân tóc, da, máu, tinh trùng và tổ chức cơ thể người. Do đó, đối với người sống thì khi lấy mẫu ADN thường lấy ở chỗ nào thuận tiện nhất. Đối với bà Nguyễn Thị Hiền, giám định viên quyết định lấy mẫu ADN từ tế bào niêm mạc miệng. Việc lấy mẫu khá đơn giản, chỉ cần dùng tăm bông chuyên dụng đưa vào khoang miệng, xoay nhiều lần để lấy tế bào niêm mạc. Tăm bông này sẽ được để khô tự nhiên trong môi trường vô trùng, sau đó tiến hành quy trình tách chiết ADN từ tế bào niêm mạc miệng.

Xác định kết quả giám định sẽ góp phần quan trọng giải mã vụ án đang được dư luận quan tâm đặc biệt này, một tổ giám định được thành lập gồm 5 giám định viên và trợ lý giám định, do PGS.TS Nguyễn Văn Hà trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương bắt tay ngay vào việc giám định 2 mẫu ADN từ mẫu xương và ADN của bà Nguyễn Thị Hiền. Yêu cầu đặt ra là làm sao đạt kết quả chính xác nhất trong thời gian nhanh nhất.

Những giám định viên dày dạn kinh nghiệm được yêu cầu tham gia giám định với những thiết bị tối tân nhất hiện có và những loại hóa chất tốt nhất. Trực tiếp đồng chí Viện trưởng và Ban lãnh đạo Viện luôn sát cánh thăm hỏi, động viên anh em.

Sau 3 ngày tập trung cao độ cho công tác giám định, chiều tối 1.8, kết quả giám định cho thấy 2 mẫu giám định có quan hệ huyết thống mẹ - con với xác suất 99,99%.  Anh em trong tổ giám định mừng đến run người. Dường như không tin nổi đó là sự thật, trực tiếp Đại tá Nguyễn Văn Hà vào máy để kiểm tra một lần nữa. Những thông số về kiểu gen của 2 mẫu giám định hiển thị trên màn hình đều trùng khớp một cách thần kỳ. Mắt Đại tá Hà nhòe đi vì xúc động.

img
img

Việc phát hiện, thu lượm các dấu vết sinh học có chất lượng tại hiện trường sẽ giúp cho công tác giám định ADN đạt hiệu quả cao.

 

Đại tá Nguyễn Văn Hà kể, anh em trong tổ giám định lúc đó nắm chặt tay nhau, cùng mừng cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã tìm được thi thể người thân sau 9 tháng ròng rã tìm kiếm. Đó là khoảng thời gian họ không ngừng hy vọng nhưng nhiều khi cũng rơi vào tuyệt vọng vì biết bao thi thể tìm được trên sông đều không phải là chị Huyền. Tiếp đến là mừng cho Cơ quan điều tra Công an Hà Nội vì việc tìm ra thi thể nạn nhân góp phần quan trọng cho công tác điều tra. 9 tháng qua cũng là thời gian áp lực đối với Cơ quan điều tra Công an Hà Nội.

Sau khi xảy ra sự việc, được sự chỉ đạo của Bộ Công an  và Ban giám đốc Công an TP Hà Nội, Cơ quan điều tra đã khẩn trương điều tra làm rõ, nghiêm khắc lập hồ sơ xử lý trước pháp luật các đối tượng  có liên quan trong vụ án; đồng thời  chủ động, tích cực  và kiên trì phối hợp các lực lượng và gia đình mò tìm  xác nạn nhân trong suốt một thời gian dài. Quyết tâm của Ban giám đốc Công an Hà Nội là bằng mọi giá phải tìm thấy xác nạn nhân.

Với sự chỉ đạo trên, toàn bộ dải sông Hồng từ Hà Nội qua các tỉnh, thành phía Bắc đã được rà soát, tất cả các trường hợp chết trôi đều được làm rõ, khám nghiệm kỹ lưỡng. Một khi thi thể nạn nhân còn chưa tìm thấy thì những người làm công tác điều tra còn chưa thể an lòng với  bản thân, với  gia đình nạn nhân và với nhân dân cả nước đang dõi theo vụ án quá đặc biệt này.

Mặc dù chỉ với kết quả giám định ADN của bà Hiền thôi cũng đủ để kết luận giám định. Nhưng về mặt khoa học, để đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối, Đại tá Nguyễn Văn Hà quyết định chậm lại một bước, chưa trả lời ngay kết quả cho Cơ quan điều tra mà tiếp tục lấy thêm mẫu ADN của ông Lê Văn Viễn (bố đẻ chị Huyền) để trả lời câu hỏi: Thi thể đó có phải là con đẻ của ông Viễn - bà Hiền hay không?

Nhưng kể cả cho kết quả đúng là con đẻ ông Viễn - bà Hiền thì vẫn còn một câu hỏi phải giải đáp: Liệu đó là người con nào trong số những người con của ông bà? Do đó, Đại tá Hà quyết định lấy thêm mẫu ADN của con đẻ của chị Huyền. Nếu mẫu này cho kết quả huyết thống mẹ - con thì sẽ chứng minh rằng thi thể đó chính xác là chị Huyền.

Chính vì vậy, Đại tá Nguyễn Văn Hà đề nghị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội tiếp tục cung cấp thêm 2 mẫu ADN như trên. Sáng thứ bảy ngày 2/8, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Lê Thị Thanh Huyền đã đưa ông Lê Văn Viễn và cháu Nguyễn Hữu Hoàng (SN 2000), con trai đầu của chị Huyền và anh Huy tới Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, C54.

Đại tá Nguyễn Văn Hà nói rằng, khi tiếp chuyện thân nhân của chị Huyền, trong lòng anh trào dâng những cảm xúc khó tả. Vừa xót xa cho họ trong 9 tháng qua không một ngày yên lòng khi thi thể của con, của vợ, của mẹ vẫn bặt vô âm tín. Vừa phấn khởi vì cuối cùng, họ cũng đã tìm được  người thân. Xét về mặt tâm linh của người Việt Nam thì có tìm được chị Huyền, những người thân của chị mới có thể thanh thản trở lại cuộc sống thường nhật.

Đại tá Hà bảo rằng, lúc đó, anh chỉ muốn ôm ông Viễn, anh Huy và cháu Hoàng để chia sẻ niềm vui với họ. Thế nhưng, niềm vui của anh cũng chỉ dám thể hiện qua ánh mắt. Anh động viên họ rồi giải thích rằng cần thêm mẫu ADN của 2 người để phục vụ điều tra và sẽ cố gắng có kết quả sớm nhất vào sáng thứ hai.

Ngay sau khi lấy mẫu tóc của ông Viễn và cháu Hoàng, các giám định viên lại khẩn trương vào việc. Cả đêm hôm đó, tổ giám định thức trắng. Để sáng hôm sau, chủ nhật ngày 3.8, niềm vui như vỡ òa khi kết quả kiểu gen của từng người được lấy mẫu đã khẳng định có quan hệ huyết thống với mẫu xương của thi thể được phát hiện. Suốt đêm đó, anh em mừng không ngủ được. Những nỗ lực, những đêm trắng của  các cán bộ công an làm công tác giám định gen những ngày qua đã được đền đáp. Ít nhất, anh em đã làm được một việc có ích cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, cho Cơ quan điều tra.

Và ngày 4.8 vừa qua, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có kết luận giám định gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, kết luận: Người nữ giới trôi trên sông Hồng, đoạn bến đò xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội phát hiện ngày 18.7 có đoạn xương gửi giám định có quan hệ là mẹ đẻ cháu Nguyễn Hữu Hoàng (SN 2000) ở số 36 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm và là con ruột của ông Lê Văn Viễn (SN 1936) và bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1947) ở 14E ngách 121/82 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Với sự thận trọng và đảm bảo nguyên tắc điều tra, kết quả giám định trên đã được giữ bí mật đến phút chót để trao cho Cơ quan điều tra vào chiều 4.8. Tiếp theo, gia đình chị Huyền đã được Cơ quan điều tra Công an Hà Nội thông báo kết luận giám định trên.

Chiến công của lực lượng Kỹ thuật hình sự bao giờ cũng thầm lặng như vậy. Gần 2 tuần đã trôi qua nhưng khi kể lại chuyện, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui dâng tràn trong ánh mắt, trong giọng nói của Đại tá Nguyễn Văn Hà.  

Với nỗ lực của CBCS Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện C54 Bộ Công an, đã góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

(Theo An ninh Thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem