Vụ bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga: Người mẹ có bị khởi tố?

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 10/06/2020 19:43 PM (GMT+7)
Theo luật sư Đặng Văn Cường, người mẹ đã bỏ rơi cháu bé ở Sơn Tây có thể bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc cháu bé bị bỏ ở hố ga giữa trời nắng nóng 40 độ C, cơ quan công an phối hợp VKSND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra đã xác định người bỏ rơi cháu bé là P. (SN 1989; trú tại Hà Nam; chính là mẹ cháu bé).

Tại cơ quan công an, T. khai nhận ngày 6/6 đã đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 6/6, T. thấy vỡ nước ối và trở dạ. Người phụ nữ này đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tự sinh cháu bé.

Vụ cháu bé bị bỏ rơi ở hố ga: Người mẹ có bị khởi tố? - Ảnh 1.

Bé trai sơ sinh bị bỏ rơi đang được chăm sóc, điều trị ở bệnh viện Xanh Pôn.

Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, người này xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm TP.Hà Nội.

Hiện Công an thị xã Sơn Tây đang lập hồ sơ xử lý hành vi của P.. và phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cháu bé.

Trong vụ việc này, nhiều người rất bất bình, lên án hành vi bỏ rơi em bé sơ sinh tại hố ga 3 ngày dưới trời nắng 40 độ C là một hành vi vô cùng tàn nhẫn, vô cảm. Việc cố ý bỏ cháu bé ở chỗ kín, xoá dấu vết, không nói với ai... đồng nghĩa với việc không có ý định cho em bé cơ hội được sống.

Vậy trong vụ việc này, người mẹ có bị khởi tố về tội giết người hay không? 

Để làm rõ vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội về những vấn đề pháp lý liên quan.

Nhận định về sự việc, luật sư Cường cho rằng: "Hành vi của người mẹ không chỉ không chấp nhận được về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan công an phải sớm vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ để có căn cứ xử lý đúng quy định pháp luật".

Theo luật sư Cường, hiện nay Bộ luật hình sự có quy định về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124). 

Cụ thể người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 

Vụ cháu bé bị bỏ rơi ở hố ga: Người mẹ có bị khởi tố? - Ảnh 2.

Thạc sĩ, luật sư Đặng văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội

Hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, cổng bệnh viện, trường học, nhà chùa, đường đi… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. 

Cũng theo luật sư Cường, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. 

Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này. 

Trong trường hợp trên thì hành vi của người mẹ là hành vi bỏ rơi con mới đẻ là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, nếu đứa trẻ thiệt mạng thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, nhưng thật may mắn em bé sơ sinh bị bỏ rơi được phát hiện, cấp cứu, cứu chữa kịp thời nên không chết. Như vậy hành vi bỏ mặc con của người mẹ chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội danh quy định tại Điều 124 BLHS 2015 nên không xử lý người mẹ về tội danh này. 

Tuy nhiên theo thông tin từ cơ quan y tế thì em bé sơ sinh vẫn bị tổn hại sức khỏe nặng nề do bị bỏ đói 3 ngày dưới trời nắng nóng 40 độ và bị nhiều sinh vật vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương tại, mũi, mắt,… Do đó nếu em bé có những tổn hại về sức khỏe thì người mẹ cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nếu thõa mãn cấu thành tội phạm này. Nếu người mẹ nhận thức được và biết những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con mình dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì có thể bị xử lý về tội danh quy định tại Điều 134 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp. 

Luật sư Cường cho biết: "Dù không bị xử lý về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nhưng nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé và hành vi của người mẹ đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người mẹ vẫn có thể bị xử lý về tội danh này. Khi cơ quan điều tra xác minh, làm rõ vụ việc này thì sẽ có đánh giá toàn diện về ý thức chủ quan, hành vi khách quan, điều kiện hoàn cảnh của người mẹ và hậu quả để lại cho cháu nhỏ để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không".

Ngoài ra, trường hợp đứa trẻ bị vứt bỏ không chết, người mẹ vứt bỏ con có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Cụ thể, nếu người mẹ thực hiện hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh thì có thể bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật. 

Có thể nói vụ việc này không phải là mới, không phải trường hợp đầu tiên về việc mẹ bỏ rơi con khi mới sinh. Đây là tình trạng đáng báo động về đạo đức xã hội bởi có khá nhiều vụ việc được phát hiện trong thời gian qua. 

Trên thực tế, đối tượng thường bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh là những phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le. Họ thường bị chồng bỏ, lỡ mang thai cùng người mình yêu, gia đình không chấp nhận, thân phận làm công nhân không đủ chi phí sinh nở và nuôi con… Đó là những đứa con ra đời "không mong muốn". Phần lớn những phụ nữ này chưa đủ trình độ, kiến thức pháp luật để nhìn nhận lỗi lầm của bản thân. Mặt khác, nhiều vụ việc trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha mẹ để xử lý trách nhiệm nên một bộ phận người dân mặc định hành vi này không hoặc ít bị xử lý thích đáng. 

"Đáng nói, ngoài những trường hợp bỏ rơi trẻ ở bệnh viện, chùa miếu, trước cửa nhà dân, một số trường hợp nhẫn tâm bỏ rơi con vừa sinh ở các địa điểm nguy hiểm như: Chỗ tối vắng, treo cành cây, nhà vệ sinh, thùng rác.. dẫn đến nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong vì bị bỏ rơi ở những địa điểm vừa nêu, không phải ai cũng có sức sống mãnh liệt, sự may mắn do "thần chết bỏ quên" như em bé sơ sinh trong vụ việc nêu trên. Nguyên nhân của tình trạng này cũng chủ yếu do lối sống buông thả, dễ dãi, lệch lạc của nhiều người trẻ hiện nay cũng như thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, nhận thức pháp luật hạn chế.

Vì vậy để hạn chế những vụ việc đau lòng như trên diễn ra thì chúng ta cần tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật về sức khỏe giới tính, sinh sản, nâng cao trình độ nhận thức, đạo đức, kiến thức pháp luật cho người dân , đặc biệt là bộ phận thanh niên trẻ. Ngoài ra cần tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung", luật sư Cường nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem