Vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe: "Lỗ hổng" trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ ở trường học

Anh Tuấn Thứ sáu, ngày 31/05/2024 18:49 PM (GMT+7)
Quanh vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, chuyên gia cho rằng, quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ tại các trường học Việt Nam hiện nay đang có "lỗ hổng".
Bình luận 0

Từ vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, tìm "lỗ hổng" trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ tại trường học

Bà Nguyễn Việt Hà - Thành viên Ban quản trị Tập đoàn giáo dục Takasago - tập đoàn giáo dục uy tín tại Nhật Bản và cũng là CEO của Kennet Edu, đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, sau khi đọc thông tin vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, đã chỉ ra "lỗ hổng" trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ tại các trường học ở Việt Nam hiện nay.

Bà Hà cho rằng, liên quan đến việc đón đưa trẻ hàng ngày, các trường cần chuẩn hóa chu trình đón rước trẻ, điểm danh trẻ không phụ thuộc vào một cá nhân mà quản lý qua nhiều tầng lớp, bên cạnh đó là nguyên tắc điểm danh "face-to-face" (mặt đối mặt -PV) đã áp dụng từ ngàn xưa.

"Ví dụ ở bên Nhật quy trình đón trẻ là khi đưa lên xe thì có cô đi cùng. Cô không chỉ nhìn mặt trẻ tích vào giấy, mà cô dùng lời nói như gọi tên, đếm to, hoặc chỉ tay có tương tác với trẻ. Đến lúc trao trẻ cũng đếm lại trẻ, trả nhiều điểm các cô càng phải chú ý hơn, quy trình gọi và đếm liên tục không được bỏ qua", bà Hà chia sẻ.

Bà Hà nhận định, đôi khi giáo viên lười, nghĩ quen việc rồi bỏ qua bước "face-to-face" mà tạo ra "lỗ hổng", có em có khi buồn ngủ thì ngủ luôn, tất cả mọi người xuống, em đó sẽ bị "bỏ qua". "Trách nhiệm của người lớn là phải đếm, việc đếm sẽ giảm bớt được rủi ro trẻ bị quên trên xe", theo bà Hà, đây là tầng quản lý thứ nhất.

Để tránh tình trạng trẻ bị bỏ quên, bên cạnh việc vẫn áp dụng cách đếm và gọi tên, khi giao trẻ vào lớp học thì cũng phải điểm danh. Ở Nhật, ngoài "đếm thủ công", các trường còn dùng cả phương pháp theo dõi trẻ trên hệ thống, tức là khi trẻ đến lớp, sẽ dùng thẻ để "tít" vào hệ thống, đây là tầng quản lý thứ hai.

Vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe: "Lỗ hổng" trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ ở trường học- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Việt Hà - Thành viên Ban quản trị Tập đoàn giáo dục Takasago. Ảnh: NVCC

"Trong trường hợp này, nếu trẻ còn trên xe thì vẫn có thể phòng trừ được, nhưng chẳng may trẻ đi chơi, đi lạc thì giáo viên, nhà trường cũng phải gọi cho bố mẹ hỏi. Đây chính là tầng quản lý thứ 3. Trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ về việc các bạn sẽ làm gì, nên đây là những tầng lớp quản lý nhằm phản ứng lại tức thì, tránh trường hợp rủi ro khác nhau, ngoài trường hợp rủi ro bị bỏ quên ở trên xe", bà Hà nói tiếp, đồng thời cho hay: "Tôi biết là các trường ở Việt Nam có trách nhiệm cao, nhưng mặc định tất cả trách nhiệm tất đều giao cho nhà trường, theo tôi phải phối hợp nhiều phía, trong đó có gia đình".

Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hoàn, hiện đang công tác tại Bệnh viện Mayo Clinic, Mỹ - người có nhiều năm sinh sống tại Hàn Quốc trước khi sang Mỹ làm việc cho biết, đọc tin bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, anh Hoàn rất buồn và thương cho cháu bé cũng như gia đình. "Hy vọng nó sẽ là một hồi chuông để gia đình, nhà trường, cũng như các cơ quan chức năng liên quan có sự quan tâm hơn nữa tới những tình huống có thể đem tới hiểm họa ở trường học, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra", anh Hoàn nói.

Anh Hoàn chia sẻ thêm: "Tôi đã sống nhiều năm ở Hàn Quốc, một đất nước phát triển rất nhanh trong vòng hơn hai chục năm qua, đặc biệt là sự phát triển về giáo dục. Nhưng không vì thế mà Hàn Quốc không có những trường hợp đau lòng tương tự. 

Tôi nhớ năm 2018, cũng có vụ một học sinh 4 tuổi bị bỏ quên hơn 8 giờ trên xe đưa đón học sinh trong một ngày nắng nóng dẫn tới tử vong. Sau đó Hàn Quốc đã có những điều chỉnh về quy định, luật, cũng như quy trình đưa đón học sinh bắt buộc nhà trường hoặc các hak-won (academy - học viện, một hệ thống giáo dục tư nhân rất phát triển) phải tuân theo, nếu không sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí phải đi tù.

Đi kèm với nó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc còn hỗ trợ ngân sách để các xe đưa đón học sinh được lắp đặt một hệ thống thiết bị an toàn theo tiêu chuẩn mới. Theo đó, hệ thống cảm ứng mới được lắp đặt cả trong và ngoài xe, và song song với đó, tài xế hoặc thầy cô giáo phụ trách đưa đón bắt buộc phải đi từ đầu tới cuối xe kiểm tra xem có học sinh bị bỏ quên hay không, và phải nhấn một nút ở cuối xe (phía trong) để xác nhận. Nếu trong vòng 3 phút không có xác nhận, hệ thông sẽ phát chuông báo động và gửi tín hiệu tới người phụ trách của nhà trường.

Sau khi sang Mỹ làm việc, tôi cũng biết được các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em và cả người lớn liên quan tới di chuyển bằng ô tô. Mặc dù các bang sẽ có các quy định về luật khác nhau, nhưng điều đặc biệt, đó là quyền của trẻ em được đảm bảo khi di chuyển không chỉ bằng xe buýt đưa đón của trường học, mà cả với xe cá nhân của gia đình. 

Ví dụ, trẻ em dưới 7 tuổi không được phép ở trong xe ô tô một mình trên 5 phút, nếu không có người từ 14 tuổi trở lên ngồi cùng, cảnh sát có quyền bắt và khởi tố ra tòa người lái xe (dù đó là lái xe của trường học hay bố mẹ của trẻ). 

Người bỏ quên, hoặc cố tình để trẻ em một mình trên ô tô có thể bị bắt và khép vào tội cố ý gây thương tích, gây nguy hiểm cho trẻ em, nhẹ có thể phạt từ 500 tới 10.000 USD, hoặc phạt tù với các khung hình phạt khác nhau tùy vào mức độ nguy hại gây ra cho trẻ em.

Tôi có 2 con đang ở độ tuổi tới trường, nên hiểu được một số quy định về luật cũng như cách vận hành của hệ thống trường học công tại đây. Tại địa phương tôi đang sinh sống và làm việc, nếu trẻ em ở nhà cách trường trong vòng bán kính dưới 2,4km (tương được 1,5 dặm) thì gia đình sẽ tự đưa đón, nếu xa hơn thì sẽ có hệ thống xe buýt miễn phí đưa đón ngay tại cổng nhà. Xe buýt "vàng" (thường là màu của xe buýt đưa đón học sinh) là một trong các loại xe được ưu tiên, "quyền lực" ở Mỹ…".

Ngoài ra, theo anh Hoàn, một quy định khác bắt buộc là nếu như học sinh có trong danh sách đi xe buýt đưa đón của trường hôm đó không tới học nhưng không có thông báo nghỉ của gia đình, thì sau khi trường học bắt đầu, trong vòng 10 phút của giờ học đầu tiên, hệ thống phòng quản sinh của trường sẽ gọi điện thoại kèm gửi email tới phụ huynh, người giám hộ của học sinh, yêu cầu xác nhận việc học sinh nghỉ học. 

Như vậy, vừa đảm bảo an toàn của học sinh, đồng thời cũng giúp gia đình nắm bắt được tình hình con em mình.

Vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe: "Lỗ hổng" trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ ở trường học- Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hoàn. Ảnh: NVCC

Quan trọng hơn cả là sự tận tâm của con người

Bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, sau vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, xã hội lại thương xót, đau lòng, nhưng vấn đề phải giải quyết tận gốc, phải có quy trình an toàn cho trẻ xác thực hơn để "phòng" chứ không phải "chữa", bởi có nhiều trường hợp đã quá muộn.

"Nhìn rộng hơn là quy trình quản trị rủi ro và khuyến khích trao đổi ý kiến cởi mở giữa các giáo viên nhằm đảm bảo môi trường an toản cho trẻ", bà Hà khẳng định.

Để giải thích cho quy trình quản trị rủi ro, bà Hà lý giải, đây là khái niệm liên quan đến chuẩn quản lý, nghĩa là hệ thống trường trường học phải nằm trong tổng thể quản trị rủi ro.

"Trong tập đoàn giáo dục của chúng tôi có chuẩn về ISO cho quản trị của trường, đã được chuẩn hóa, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp trẻ xảy ra như thế này thì ai làm gì, trách nhiệm như thế nào, phải có dự tính để không bị lúng túng, ví dụ như việc trẻ nôn trớ thì ai xử lý, liên kết với bệnh viện nào, hay khoét lỗ cửa thế nào để trẻ tránh bị kẹt tay, các góc bàn đều được bọc tròn tránh trẻ va chạm… Tại Nhật, hàng tháng đều rà soát những trường hợp, nơi chốn gây ra những rủi ro cho trẻ", bà Hà tiếp lời.

Về phía giáo viên, nhà trường và ban giám hiệu cùng chịu trách nhiệm chứ không để giáo viên đơn đơn độc.

"Không sợ nguyên tắc "tảng băng chìm", nếu bạn phát hiện một lỗi có nghĩa là trong tổ chức của bạn có thể còn lỗi khác chưa được phát hiện, mà nếu không có lỗi nào trong vận hành thì lại càng có vấn đề bởi có thể có lỗi nhưng không biết. Nếu có lỗi thì không trù dập giáo viên mà cùng nhau hợp tác, xử lý, từ đó tạo môi trường an toàn nhất cho trẻ", bà Hà cho hay.

Hiện tại ở Nhật, sau vụ trẻ 3 tuổi tử vong trên xe đưa đón ở Shizuoka, các xe buýt trường học được quy định lắp thiết bị là nút bấm áp dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nếu học sinh mắc kẹt trên xe bấm nút, hệ thống trong nhà trường và trên xe sẽ có tiếng báo động. Tuy nhiên, theo bà Hà, quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ phải vừa hiện đại vừa có tương tác con người, không lạm dụng máy móc.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hoàn cho rằng, tuy mỗi quốc gia có những quy định khác nhau, cũng như cách vận hành khác nhau, nhưng mọi hệ thống đều có sai số. Do đó, sự tận tâm của con người cũng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem