Bắt khẩn cấp nhân viên bếp bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh
Thượng tá Bùi Văn Dũng - Trưởng Công an huyện Mai Sơn (Sơn La)cho biết, đơn vị đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hà Thị Thi (39 tuổi, trú xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), nhân viên bếp ăn của Trường THPT Chu Văn Thịnh ở xã Chiềng Ban, để điều tra về hành vi Gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Theo cơ quan chức năng, bà Hà Thị Thi là vợ của nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm Phó hiệu trưởng của một trường khác trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Khi chồng còn làm hiệu trưởng, bà Thi được giao phụ trách bếp ăn bán trú của Trường THPT Chu Văn Thịnh và được lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm.
Tuy nhiên khi Trường THPT Chu Văn Thịnh có hiệu trưởng mới, bà Thi không được giao phụ trách bếp ăn và nhà trường không nhập thực phẩm từ đơn vị cũ. Vì thế, người phụ nữ đã cho thuốc trừ sâu vào thức ăn học sinh.
Trước đó, chiều 22/9, UBND xã Chiềng Ban nhận được báo cáo của Trường THPT Chu Văn Thịnh về việc, thức ăn của học sinh có mùi thuốc sâu. Sau đó, chính quyền xã phối hợp với lực lượng chức năng xuống kiểm tra, phát hiện mẫu phẩm được lưu có mùi thuốc sâu.
Theo cơ quan chức năng, sự việc được phát hiện sớm, các học sinh chưa ăn nên không ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có thể bị xử lý về tội giết người khi nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, hành vi của đối tượng như thông tin ban đầu là rất nguy hiểm, may mắn các học sinh chưa ăn phải nên chưa gây ra hậu quả thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của học sinh.
Tuy nhiên hành vi này rất vô nhân đạo, gây ra lo lắng, hoang mang cho các phụ huynh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của học sinh. Bởi vậy cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu thức ăn đi giám định để xác định chất độc có trong thức ăn là loại chất gì, tính chất nguy hiểm đến đâu, nếu ăn phải thức ăn như vậy thì có thể chết người hay không?
Đồng thời, làm rõ nhận thức, động cơ, mục đích của đối tượng về hành vi bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh. Kết quả xác minh sẽ xác định được tính chất nguy hiểm của hành vi, làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy lượng thuốc độc đó có thể làm chết người, đối tượng thực hiện hành vi bỏ thuốc độc vào thức ăn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì hành thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Để buộc tội đối tượng về tội giết người, cơ quan điều tra cần thực hiện các hoạt động tố tụng để xác định hành vi phạm tội, xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định nhận thức của đối tượng gây án và hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội để xử lý.
Vị chuyên gia cho rằng, một người bình thường sẽ nhận thức được rằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là những loại thuốc độc, thậm chí là kịch độc, chỉ cần một lượng nhỏ đưa vào thức ăn mà con người ăn phải là có thể tử vong.
Nếu biết được tính chất nguy hiểm của hành vi như vậy nhưng đối tượng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn dẫn đến hậu quả chết người (để trả thù, để gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục hoặc vì động cơ đê hèn, ích kỷ nào khác), hành vi này là hành vi giết người, kể cả trường hợp nạn nhân chưa chết, đối tượng vẫn có thể bị xử lý về tội giết người.
Về mặt lý luận, hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi xâm phạm đến quyền sống của công dân.
Bởi vậy, pháp luật quy định tội giết người có cấu thành hình thức, chỉ cần hành vi với lỗi cố ý, có thể tước đoạt tính mạng của người khác và đối tượng thực hiện hành vi là có thể bị xử lý về tội giết người mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân đã tử vong hay chưa.
Còn trường hợp, cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi cấu thành tội giết người, đối tượng sẽ bị xử lý về tội gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
"Đối tượng là người có trách nhiệm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm phục vụ bữa ăn cho học sinh nhưng đã lợi dụng nghề nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Vì thế, trường hợp bị kết tội, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với đối tượng" – ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.