Vụ Cảng, kho, bãi trái phép tồn tại ở Hà Nam: Huyện Thanh Liêm né tránh trả lời
Vụ Cảng, kho, bãi trái phép tồn tại ở Hà Nam: Huyện Thanh Liêm né tránh trả lời
Hồng Nhân
Chủ nhật, ngày 07/04/2024 08:39 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc xử lý dự án cảng, kho bãi trái phép tại Hà Nam, đến nay, sau nhiều tháng liên hệ làm việc PV Dân Việt chưa nhận được phản hồi từ UBND huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam).
Thời điểm đó, theo ghi nhận, vấn đề này chưa được xử lý triệt để, dù Thanh tra Chính phủ có thông báo Kết luận nêu rõ những sai phạm.
Để thực hiện loạt bài viết, PV Báo điện tử Dân Việt đã liên hệ, đặt lịch làm việc với nhiều cơ quan chức năng tại Hà Nam như: Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Thanh Liêm.
Trả lời Dân Việt trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Hà Nam khẳng định, trách nhiệm thuộc về huyện Thanh Liêm.
"Hiện nay chưa có bất kỳ giấy phép nào được cấp xuống nhưng dự án vẫn được xây dựng thì phải về làm việc với huyện.
Việc xây dựng công trình không đúng quy định hoặc chưa có phép hoặc chưa đầy đủ các thủ tục hồ sơ là do địa phương quản lý, còn cơ quan quản lý đầu tư chỉ quản lý chủ trương, không thể về tận huyện để bắt phép", trích trả lời của đại diện Sở KHĐT tỉnh Hà Nam.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Liêm từ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2023.
Người tiếp nhận thông tin là ông Nguyễn Đăng Tuệ (thời điểm đó là Phó Chánh văn phòng UBND huyện). Ông Tuệ cho biết, sẽ gửi Chánh văn phòng để chuyển lãnh đạo địa phương xem xét.
Ngày 1/11/2023 và 8/11/2023, phóng viên Dân Việt liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Hải Minh - Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Liêm trao đổi thông tin làm việc như nội dung đã gửi.
Ông Minh cho hay, chưa sắp xếp được lịch do lãnh đạo bận và hẹn sẽ thông tin lại vào chiều 9/11/2023. Thế nhưng đến đầu tháng 3/2024, vẫn không thấy ông Minh phản hồi.
Trong các ngày 4,5,7/3/2024 phóng viên nhiều lần gọi điện đặt lại lịch làm việc nhưng ông Minh cho rằng ông không tìm thấy nội dung phóng viên Dân Việt gửi.
Đỉnh điểm, sáng 7/3, vị Chánh văn phòng huyện Thanh Liêm cho biết đã liên hệ với ông Nguyễn Đăng Tuệ để kiểm tra, nhưng ông Tuệ đang đi tập huấn, về sẽ kiểm tra lại. Đồng thời vị Chánh văn phòng khẳng định "ông Tuệ chưa chuyển thông tin".
Ngay sau đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đăng Tuệ để xác minh.
Ông Tuệ nói bản thân đã gửi thông tin và giờ đã chuyển công tác sang Phòng Y tế huyện Thanh Liêm.
"Sau khi em đặt lịch, anh đã báo cáo với lãnh đạo văn phòng. Em liên hệ anh Minh làm việc nhé", ông Tuệ khẳng định.
Ngay từ tháng 11/2023, rõ ràng ông Minh đã nắm được nội dung thông tin nhưng do chưa sắp được lịch, thế nhưng đến tháng 3/2024, ông lại cho rằng chưa nhận được, đồng thời khẳng định ông Tuệ chưa gửi.
Trong vụ việc này, PV cũng liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm qua điện thoại nhưng không nhận được phản hồi. Liên hệ với Phó Chủ tịch UBND huyện - "người được ủy quyền phát ngôn", theo giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử huyện thì được giới thiệu làm việc với Văn phòng. Còn Văn phòng, như đã nêu trên, hơn nửa năm qua chưa có phản hồi.
Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại Thanh Liêm liệu đã đúng?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam quy định rõ về người cung cấp thông tin cho báo chí tại huyện Thanh Liêm.
Cụ thể, người phát ngôn là ông Hoàng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện; Người được ủy quyền phát ngôn là bà Lại Thị Ngọc Trâm - Phó Chủ tịch UBND huyện; Người cung cấp thông tin là ông Hoàng Hải Minh - Chánh Văn Phòng HĐND & UBND.
Tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính Phủ nêu rõ, việc ủy quyền phát ngôn quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.
Tại Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam cũng thể hiện thông tin tương tự.
Văn bản này cũng nêu rõ, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp huyện. Trường hợp Chủ tịch UBND không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Chiểu theo quy định trên, tại Thanh Liêm, người được người thực hiện phát ngôn là ông Hoàng Mạnh Dũng, trường hợp ông Dũng không thể thực hiện phát ngôn thì có thể uỷ quyền cho cấp phó nhưng chỉ áp dụng trong vụ việc cụ thể và có thời gian nhất định.
Thế nhưng, từ thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam, có thể thấy, bà Lại Thị Ngọc Trâm được ủy quyền phát ngôn suốt thời gian dài. Việc này là không đúng với Nghị Định 09/2017/NĐ-CP của Chính Phủ và Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam.
Bao giờ Sở Xây dựng Hà Nam có văn bản phản hồi?
Về phía Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, sau khoảng 6 tháng ròng rã liên hệ, ngày 5/3/2024, bà Lê Thị Mai Loan (cán bộ văn phòng Sở) cho biết, đơn vị đã có văn bản và chờ lãnh kí, nhưng do ông Nguyễn Quang Huy (GĐ Sở Xây dựng) đi công tác nên hẹn hai tuần sau sẽ có văn bản.
Thế nhưng, đến ngày 28/3, bà Loan cho biết "chưa có văn bản, khi nào có sẽ gọi lại"?
Nhiều dự án cảng, kho bãi tại Thanh Liêm (Hà Nam) hoạt động không phép
Như Dân Việt thông tin trước đó, ngày 17/1/2023, Thanh tra Chính phủ có thông báo Kết luận Thanh tra số 161/TB-TTCP việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 - 2018).
Theo kết luận, trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm, có những vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời, dứt điểm. Trong đó có nêu rõ về nhiều dự án kho, bãi cảng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) hoạt động không phép.
"UBND tỉnh chấp thuận 12 dự án kho, bãi, cảng ven sông Đáy huyện Thanh Liêm, trong đó: 11/12 dự án không có trong Quy hoạch cảng đường thủy nội địa khu vực phía bắc được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1112/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 (các dự án đều có văn bản sẽ cập nhật quy hoạch của Bộ GTVT nhưng đến thời điểm thanh tra chưa được cập nhật).
9/12 dự án không có văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật Đê điều; 10/12 dự án không có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; 5/12 dự án chưa có hợp đồng thuê đất nhưng chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng là không đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, đê điều.
Trong đó 2 dự án (chủ đầu tư là Công ty TNHH XN&TM HTP, Công ty TNHH khai thác khoáng sản Nam Sơn) được UBND tỉnh Hà Nam cho phép thí điểm tại văn bản số 2512/UBND-GPXD ngày 18/2/2020 nhưng không có hồ sơ dự án, sau khi kết thúc thanh tra, UBND tỉnh đã có văn bản số 3118/UBND-GPXD ngày 11/11/2021 chấm dứt thực hiện đối với 2 dự án này.
Ngoài ra UBND tỉnh Hà Nam chưa ban hành quy định về nghĩa vụ tài chính phải thực hiện để thu ngân sách Nhà nước đối với các chủ đầu tư khi cho thuê cảng”, kết luận nêu.
Theo thông tin có được, 12 dự án được nêu trong Kết luận thanh tra của các chủ đầu tư sau: Công ty TNHH XD&XD Minh Thành Phát; Công ty cổ phần khoáng sản Nam Hà; Công ty cổ phần Hoa Đức; Công ty TNHH Hữu Trí; Công ty TNHH Sơn Hữu; Công ty CPSX-XNK khoáng sản Việt San; Công ty cổ phần Nam Kinh; Công ty cổ phần ĐT&XD Bắc Hà; Công ty cổ phần đầu tư vật liệu Hồng Hà; Công ty TNHH khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh; Công ty TNHH xây dựng và thương mại HTP; Công ty TNHH khai thác khoáng sản Nam Sơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.