Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: Trách nhiệm của Bộ GDĐT ra sao?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 26/11/2020 08:29 AM (GMT+7)
Kết luận điều tra vụ án xảy ra ở trường Đại học Đông Đô xác định, các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học của Bộ GDĐT có dấu hiệu vi phạm quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô (TP.Hà Nội).

Đến ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ trường Đại học Đông Đô gồm: Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (nguyên phó hiệu trưởng kiêm phó viện trưởng Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (nguyên phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) cùng 6 bị can khác về hành vi "Giả mạo trong công tác".

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh. Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp.

Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: Trách nhiệm của 2 vụ của Bộ GD-ĐT ra sao? - Ảnh 1.

Bị can Dương Văn Hoà, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, người ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân. Ảnh Bộ Công an.

Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT nhà trường, đã bỏ trốn).

Cơ quan điều tra đã thu được 177 bằng giả, trong đó có 67 là bản chính, 110 là bản photo. Trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.

Đối với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Đề cập trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị thuộc Bộ GDĐT liên quan đến vụ án, kết luận điều tra nêu rõ, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

Nhưng từ năm 2015, trường được Bộ GDĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cụ thể, ngày 12/01/2015, trường Đại học Đông Đô có công văn số 25 / CV ĐĐ gửi Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) báo cáo thống kê năm học 2014 - 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Tuy nhiên, đến ngày 01/4/2015, Bộ GDĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh số 173 / TB - BGDĐT, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đến ngày 7/02/2017, trường Đại học Đông Đô gửi Bộ GDĐT (Vụ Kế hoạch tài chính ) đăng ký chi tiêu tuyển sinh năm 2017 - 2018, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: Trách nhiệm của 2 vụ của Bộ GD-ĐT ra sao? - Ảnh 3.

Cơ quan điều tra xác định có 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Ảnh D.T.

Một tháng sau (ngày 7/3), Vụ Kế hoạch tài chính có thông báo về việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 gửi trường Đại học Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy .

Cùng với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ kế hoạch tài chính, trường Đại học Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục đại học đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Cũng theo kết luận điều tra, tại Thông tư 06 /2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có quy định:

Các cơ sở giáo dục tự chủ đăng ký chỉ tiêu, công bố công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở dữ liệu và tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và các thông tin cần thiết khác của cơ sở giáo dục trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và vào phần mềm quản lý của Bộ GD & ĐT. Vì vậy, Bộ GD & ĐT không ký thông báo chỉ tiêu tuyển sinh gửi các cơ sở giáo dục đại học .

Nhưng năm 2018, trường Đại học Đông Đô gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục đại học và được Vụ Giáo dục đại học đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD & ĐT, nội dung đề án tuyển sinh có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy .

"Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh cho trường Đại học Đông Đô trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy nêu trên trong khi trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD & ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 có dấu hiệu vi phạm quyết định số 22 / 2001 / QĐ - BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai. Do vậy, cơ quan chức năng sẽ rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện đã hết thời hạn điều tra vụ án nên cơ quan điều tra sẽ tách ra để xem xét, xử lý sau", kết luận nêu rõ.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những tấm bằng hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh của trường Đại học Đông Đô không có giá trị. Vì vậy, các học viên dù đã được cấp bằng nhưng họ không phải là cử nhân hệ văn bằng 2 theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, các học viên biết rõ mình không tuyển sinh, không đào tạo nhưng vẫn được cấp bằng và sử dụng bằng cấp đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, khoản 3, khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013 quy định phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Còn trường hợp cá nhân sử dụng bằng giả để thực hiện những hành vi trái pháp luật thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng giấy tờ giả, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù thấp nhất của tội danh này là 6 tháng, cao nhất là 5 năm tù.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem