Về vụ tiêu cực thi cử ở Bắc Giang, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang nói: “Quan điểm của tôi là cần xử lý nguyên nhân. Còn người quay clip, chúng tôi đã trao đổi với công an để làm rõ tính chất và mục đích bởi trong vụ này, rõ ràng người quay clip đã có kế hoạch và chủ đích”.
Có một số khúc mắc trong phát ngôn của ông Hiền. Thứ nhất, “xử lý nguyên nhân” nên được hiểu thế nào? Thứ hai là có vẻ như ông đã “nhầm vai” khi kết luận thay cơ quan điều tra bằng việc khẳng định người quay clip “có kế hoạch và chủ đích”. Hàm ý của “có kế hoạch” phải chăng là tác giả clip đã biết trước về tình trạng gian dối ở hội đồng thi này nên chuẩn bị sẵn thiết bị ghi hình, còn “chủ đích” là công bố clip này trước công luận?
Trả lời phỏng vấn trên VnExpress, tác giả clip cho biết: “Sau khi công bố clip, em cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất là bị đánh trượt tốt nghiệp. Nếu thế, chắc em sẽ đi làm phụ xe khách vì chắc chắn năm sau sẽ vẫn bị cấm thi”. Không thỏa hiệp với gian dối, chấp nhận hình thức kỷ luật, em thí sinh gợi lại hình ảnh thầy giáo Đỗ Việt Khoa ngậm ngùi rời bục giảng, sau khi trở thành “người đương thời” bằng việc tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây từ lúc địa phương này còn chưa sáp nhập vào thủ đô Hà Nội.
Hành vi ghi hình của thí sinh có thể sẽ bị xử lý nhưng không đến mức nghiêm trọng như suy nghĩ của tác giả clip. Theo quy định tại Điều 43, Điểm 2, khoản b trong Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GDĐT ký ngày 6.3.2012, thì hình thức kỷ luật cao nhất đối với thí sinh này cũng như những thí sinh nhận bài giải từ bên ngoài là hủy kết quả cả kỳ thi. Còn với những “người lớn” liên quan đến quá trình gian lận tại hội đồng thi thì tùy theo mức độ mà xử lý, cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu thí sinh đủ khả năng làm bài tốt nghiệp thì giám thị không cần ném bài giải vào phòng thi. Phải chăng vì biết rõ thực lực của thí sinh, nên người ta mới bằng mọi giá “tiếp tay”, từ đó tuồn những “sản phẩm giáo dục” kém chất lượng ra thị trường. Việc thành tích của ngành giáo dục được đánh giá bằng tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp đã, đang và sẽ còn tạo ra “khuyến khích ngược”, thúc đẩy một số viên chức giáo dục địa phương giúp thí sinh “vượt rào” bằng mọi giá.
Thượng Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.