Vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức: Góc nhìn pháp lý từ lời khai mới của nghi phạm

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 05/10/2023 15:43 PM (GMT+7)
Nghi phạm sát hại cô gái bán rau H.T.T.T. tại chờ đầu mối nông sản Thủ Đức khai với cơ quan điều tra rằng cả hai không hề có mâu thuẫn nợ nần, chỉ mâu thuẫn cá nhân khi mua bán rau củ.
Bình luận 0

Mâu thuẫn cá nhân, lên kế hoạch, thủ sẵn dao nhằm sát hại T.

Liên quan đến vụ cô gái buôn bán rau H.T.T.T. (26, quê Long An) ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức bị Nguyễn Thị Ngọc Dung (39 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) sát hại bằng hàng chục nhát dao chí mạng, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức cho biết: Dung khai rằng cả hai không nợ nần, Dung thường xuyên mua rau củ quả của chị T.

Vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức: Góc nhìn pháp lý từ lời khai mới của nữ sát thủ - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Ngọc Dung (39 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) – kẻ sát hại cô gái bán rau H.T.T.T. (26 tuổi, quê Long An), tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: MH

Trong quá trình mua bán rau củ, giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn nên Dung lên kế hoạch giết chị T. Thực hiện kế hoạch (trưa 30/9), Dung thủ sẵn dao rồi đến sạp rau của chị T. rồi kêu chị T. chở Dung đi ra ngoài nói chuyện vì tay Dung bị đau.

Tại bãi xe, Dung và chị T. đứng nói chuyện, bất ngờ từ phía sau Dung lao đến kẹp cổ rồi dùng dao thủ sẵn trong người đâm liên tiếp vào người chị T. khiến chị gục tại chỗ.

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức cũng đang tạm giữ người chồng của Dung với hành vi không tố giác tội phạm. Đồng thời khi phát hiện vợ mình giết người, anh ta đã đốt đi bộ quần áo dính máu của Dung.

Góc nhìn pháp lý của luật sư từ lời khai mới của nghi phạm

Ở diễn biến có liên quan, từ lời khai mới của Dung, theo nhận định của luật sư Trương Văn Tuấn (đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi của nghi phạm Dung được xét ở hai hành vi: Hành vi giết người và hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại sau khi đã thực hiện hành vi giết người.

Vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức: Góc nhìn pháp lý từ lời khai mới của nữ sát thủ - Ảnh 3.

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định về vụ án cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: NVCC

Đối với hành vi giết người, nghi phạm Dung xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, đã chuẩn bị sẵn kế hoạch, hung khí, địa điểm và ra tay với hơn 90 nhát dao đâm vào vùng đầu, mặt và ngực của nạn nhân, là vùng trọng yếu trên cơ thể. Đây là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống đến cùng của nghi phạm. Có căn cứ để quan điều tra khởi tố bị can Dung "tội giết người" theo điều 123 BLHS 2015.

Vẫn theo luật sư Tuấn, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại sau khi đã thực hiện hành vi giết người, quan điểm ông cho rằng việc truy tố thêm tội "cướp tài sản" theo điều 168 BLHS 2015 là có cơ sở vì nghi phạm biết rõ tài sản là của nạn nhân và liền ngay sau hành vi giết người, nghi phạm Dung đã lợi dụng tình trạng nạn nhân đã gục tại chỗ, không thể kháng cự do chính hành vi giết người của mình gây ra để chiếm đoạt tài sản nên hành vi của bị can phù hợp với tội "cướp tài sản".

Về một số quan điểm cho rằng phải khởi tố về tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" (điều 172 BLHS) hoặc tội "trộm cắp tài sản" (Điều 173 BLHS), luật sư Tuấn cho biết, điều này không phù hợp vì "công nhiên chiếm đoạt tài sản" là hành vi công khai lấy tài sản của người khác trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà không cần dùng vũ lực.

"Việc nạn nhân đã gục tại chỗ thì không thể chứng kiến hành vi chiếm tài sản. Bị can Dung liền ngồi lên người nạn nhân, lục lọi và lột hết các tài sản trên người nạn nhân và lấy đi thì không phù hợp với mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, lợi dụng việc chủ sở hữu tài sản vắng mặt, không quản lý được tài sản để chiếm đoạt", luật sư Tuấn giải thích.

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định về hành vi của người chồng đốt bộ quần áo dính máu của nghi phạm Dung

Theo nhận định của luật sư Tuấn, hành vi đốt quần áo dính máu của vợ sau khi biết được vợ mình đã dùng dao đâm người khác của chồng nghi phạm Dung là hành vi che giấu người phạm tội, xóa dấu vết, tang vật phạm tội đã có dấu hiệu của tội “che giấu tội phạm” theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 389 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định tại điều 18 Bộ luật hình sự, "Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định".

Tuy Bộ luật hình sự có quy định người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng đối với những tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu tội phạm của mình theo quy định tại khoản 2, điều 18 BLHS 2015.

Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi che giấu tội phạm có mức hình phạt không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù lên đến 7 năm theo quy định tại điều 389 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem