Sản xuất, kinh doanh trái phép
Biên bản kiểm tra số 0002317/BB-KT ngày 24.4.2015 và phụ lục biên bản số 0001445/BB-KT ngày 24.4.2015 của Ban chỉ đạo 389 tại thời điểm kiểm tra và quá trình điều tra xác minh nêu rõ: Công ty Thuận Phong chỉ có giấy phép kinh doanh số 3600630513 và giấy phép kinh doanh (thay đổi lần thứ 13 ngày 3.2.2012, lần thứ 14 ngày 19.12.2014 và lần thứ 15 ngày 9.2.2015). Theo đó, Công ty Thuận Phong có địa chỉ trụ sở chính tại 7/126C xa lộ Hà Nội, KP4, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lĩnh vực công ty kinh doanh chỉ gồm 28 ngành nghề, trong đó tên ngành số 21 (sản xuất phân bón và hợp chất Ni-tơ) và 27 (dịch vụ đóng gói).
Cơ quan chức năng lập biên bản các sản phẩm phân bón sai nhãn mác, chất lượng tại
Công ty Thuận Phong. Ảnh: T.L
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), phân bón lá có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn rất nhiều lần so với phân bón rễ nên giá thành cũng chênh nhau rất nhiều lần. Việc Công ty Thuận Phong cố tình “hô biến” công dụng của sản phẩm phân bón rễ thành phân bón lá để bán với giá cao đã đem lại lợi nhuận lớn cho công ty này.
|
Tuy nhiên, theo biên bản này, Công ty Thuận Phong lại tổ chức sản xuất kinh doanh phân bón tại địa chỉ khu phố 7 phường Long Bình, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Theo công văn số 27 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến xử lý vi phạm tại Công ty Thuận Phong, việc sản xuất kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong được tiến hành từ năm 2003. Cụ thể là, công ty ký hợp đồng thuê kho K888; nhập khẩu sang chiết, xuất bán phân bón có nguồn gốc từ Mỹ, đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh phân bón giả…
Do đó, cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Theo cơ quan chức năng, ngay trong giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Thuận Phong đã ghi rõ là không sản xuất tại trụ sở, chỉ được phép hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về địa điểm và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Như vậy theo quy định tại Mục 1, Điều 8, Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27.11.2013 nghị định về các điều kiện kinh doanh sản xuất phân bón thì Công ty Thuận Phong là chưa có đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh phân bón.
Cũng theo biên bản, tại thời điểm kiểm tra trên, đại diện Công ty Thuận Phong đã thừa nhận sai sót trong Biên bản kiểm tra số 0002317/BB-KT ngày 24.4.2015 về việc sang chiết sản phẩm phân bón hiệu Vitol, trên nhãn hàng hóa ghi chữ “Made in USA”, giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói.
Trước đó, ngày 15.6.2015, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã có công văn số 619/CV-TB gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã khẳng định “Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón nhiều năm, tuyên truyền trên báo đài sản xuất phân bón cao cấp trong khi điều kiện sản xuất thì tạm bợ, dây chuyền máy móc cũ kỹ, đội ngũ công nhân không chuyên nghiệp. Đây là tổ chức sản xuất phân bón trá hình, nằm trong khu vực quân đội để núp bóng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng gây tác hại lớn cho nông dân và đề nghị truy tố để làm gương”.
Một lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 phân tích: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xoá bỏ tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009). Tuy nhiên, căn cứ vào điểm e khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội về việc thi hành bộ luật hình sự thì hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 xảy ra trước ngày 1.7.2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý. Như vậy, trường hợp vi phạm của Công ty Thuận Phong vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009).
19/29 mẫu không đạt chỉ tiêu
Sản phẩm phân bón đóng chai của Công ty Thuận Phong được cho là hàng giả. Ảnh: TL
Tại thông báo số 0113/N3.15/TĐ ngày 28.5.2015 về thông báo kết quả giám định (lần 1) của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (QUATEST3) cho thấy kết quả 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố theo kết quả giám định chất lượng các mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong sản xuất.
Cụ thể, một số mẫu có mức độ chỉ tiêu sai số so với công bố là hàng kém chất lượng; một số mẫu có mức độ chỉ tiêu sai số <70% so với công bố là hàng giả. Ví dụ như loại phân bón vi lượng kẽm (Zn) ghi trên bao bì là 15.000ppm, kết quả giám định 1.310ppm (chưa tới 10%). Phân bón vi lượng Bo (B) ghi trên bao bì là 4.000 ppm, kết quả giám định đạt 2.750ppm (68%), phân bón vi lượng B ghi trên bao bì là 30.000ppm, kết quả giám định 5.810 ppm (đạt 11%).
Mới đây, tại công văn số 27 ngày 17.5.2016 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến xử lý vi phạm tại Công ty Thuận Phong đã nêu rõ: “Những mẫu có mức độ chỉ tiêu sai số dưới 70% so với công bố là hàng giả (giả về chất lượng) được quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 3, Nghị định 158 ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạm vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Quảng cáo “láo”
Tại biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng tại kho hàng của Công ty Thuận Phong tại Đăk Lăk cho thấy vẫn còn tồn số lượng lớn loại phân với nhãn phụ ghi là phân bón Mỹ cao cấp VITOL. Hiệu quả của sản phẩm trên được quảng cáo là: Giúp cây siêu tăng trưởng, đâm chồi, nảy lộc, lá phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh, dưỡng trái lớn nhanh... Đặc biệt, trong hiệu quả sử dụng còn ghi rõ là sử dụng thay thế các loại phân bón lá khác. Với cách ghi nhãn sản phẩm này, người nông dân có thể hiểu đây là phân bón lá chứ không phải là phân bón rễ. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm ra thị trường, loại phân bón rễ đã được “biến” thành sản phẩm có công dụng là phân bón lá với giá bán cao tới 350.000 đồng/chai.
Thậm chí, trên nhãn sản phẩm này, Công ty Thuận Phong khẳng định dùng 1 lít sẽ giảm được 35kg urê, 60kg lân, 15kg kali… nhưng trên thực tế theo tài liệu của cơ quan chức năng, tại kết quả phân tích, giám định, các thành phần dinh dưỡng của các loại phân này có tới 19/29 sản phẩm có mức chỉ tiêu sai số, trong đó có những sản phẩm chỉ tiêu chất chính chỉ đạt 10% so với công bố.
Căn cứ công văn số 848/TT-ĐPB ngày 15.4.2013 và công văn số 1792/TT-ĐPB ngày 22.7.2013 của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) về hướng dẫn nhập khẩu phân bón nêu rõ các loại phân bón do Công ty Thuận Phong nhập khẩu (Vitol, Breakout, Jackpot, Fishbone, Fishmeal) là phân bón rễ và như thế, Công ty Thuận Phong phải ghi trên nhãn phụ là "phân bón rễ". Kiểm tra hồ sơ hải quan nhập khẩu của Công ty Thuận Phong, các cơ quan cũng xác định, các loại phân bón trên đều ghi là phân bón rễ.
Tuy nhiên, khi bán ra trên thị trường, Công ty Thuận Phong không ghi trên nhãn của chai phân bón Mỹ nhập khẩu 1 lít-5 lít là phân bón rễ mà ghi sử dụng để thay thế phân bón lá khác. Báo cáo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai (PC46) cũng thừa nhận, các loại phân bón nhập khẩu của Công ty Thuận Phong mang đi giám định đều là “phân bón rễ”.
Trao đổi với NTNN, đại tá Hồ Quang Thái – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong cuộc họp mới đây có sự tham gia của nhiều bộ, ngành Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã kết luận “Giao Văn phòng Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra lại vụ việc vi phạm của Công ty Thuận Phong dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công Thương, Bộ NNPNT, Bộ KHCN, Bộ Tư pháp và Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia. “Nếu kết luận điều tra lại có dấu hiệu vi phạm hình sự thì UBND tỉnh Đồng Nai phải yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai hủy quyết định xử lý hành chính trước đó” - ông Thái nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.