“Vũ điệu không vần” và những tìm tòi của chủ soái thơ tân hình thức

M.T Chủ nhật, ngày 15/12/2019 19:40 PM (GMT+7)
Tin vui cho người yêu thơ: ngoài các thể thơ quen thuộc như thơ lục bát, thơ tự do, thơ đường luật, thơ Haiku, thơ hậu hiện đại..., gần đây lại xuất hiện thêm thơ tân hình thức. Dịp này, nhà thơ Khế Iêm ra mắt tập tiểu luận "Vũ điệu không vần" giới thiệu rõ hơn về thể loại thơ mới mẻ nhưng khá phổ biến ở Mỹ và các nước Phương Tây.
Bình luận 0

Ngày 15/12, tại TP.HCM, nhà thơ Khế Iêm và nhà phê bình Inrasara giao lưu cùng độc giả nhân dịp ra mắt cuốn tiểu luận “Vũ điệu không vần”(NXB Đà Nẵng).

"Vũ điệu không vần" gồm 35 tiểu luận, với hơn 600 trang, công trình kéo dài 18 năm của Khế Iêm cung cấp những thông tin chi tiết về ngôn ngữ, luật tắc trong sáng tác, ghi nhận những chặng đường tìm kiếm trong sáng tạo. Đây là công trình chính thức và đầy đủ nhất về mặt kiến thức, hiểu biết về thơ, và cả những chủ đề liên quan tới thơ như Hiệu ứng cánh bướm, Nghiên cứu về não bộ, Giáo dục cổ điển phương Tây, mà còn giúp những nhà thơ và phê bình nghiên cứu tham khảo, trong công việc của họ. Lâu nay, thể thơ không vần Việt thường được gọi dưới cái tên “thơ Tân hình thức”.

img

Cuốn tiểu luận về thơ tân hình thức.

 Nhà thơ Khế Iêm giải thích: “Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, nên thơ thể luật, dù có vần hay không vần ở cuối dòng, vẫn có thể dùng kỹ thuật vắt dòng (enbjament) vắt ý tưởng từ dòng này qua dòng khác, làm cho liền lạc với nhau, còn thơ tiếng Việt, vì là ngôn ngữ đơn âm, nên không thể làm chuyện đó. Vì vậy, những nhà thơ cách tân đã đưa vào thơ Việt một thể thơ mới: Thể thơ không vần, kết hợp giữa thơ vần và tự do, với ý tưởng liền lạc. Đây là yếu tố khó nhất trong thơ Mỹ, và dĩ nhiên cả thơ Việt. Hai yếu tố căn bản và cốt lõi bấy lâu của thơ Tân hình thức Việt: Ý tưởng và nhịp địệu. Ý tưởng phải mới mẻ, còn nhịp điệu mỗi bài thơ phải có một nhịp điệu khác nhau. Cả hai phải theo đúng tinh thần sáng tạo.

Mà khi dùng cách vắt dòng (enjambment) phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì, phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay tương lai, và như thế, hiện tại không lẽ chỉ là cái trống không? Nhưng cái trống không ấy lại chẳng trống không vì những chuyển động không ngừng của cái biết và chưa biết, đè lấp lên nhau.

Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp (syntax), tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu (perception of rhythm) không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp”.

img

Nhà thơ Khế Iêm.

Chính vì thế, mục đích của thơ Tân hình thức mà tập tiểu luận Vũ điệu không vần là muốn đưa thơ Việt bước ra ngoài thế giới, nên mới chú tâm vào dịch thuật, tìm kiếm người đọc khác ngôn ngữ và văn hóa. Nếu quá đậm đặc trong phạm trù văn hóa hay ngôn ngữ Việt sẽ không thể dịch vì làm sao dịch âm thanh (sound) ngôn ngữ, đặc biệt đối với những thể thơ truyền thống, khi kết hợp những đơn vị âm thanh đó, tạo nên nhạc tính trong thơ. Để đáp ứng điều kiện dịch thuật, thơ Tân hình thức phải thay đổi cách sáng tác. Về chữ, khi chuyển sang ngôn ngữ đời thường để sáng tác, thơ không còn những chữ hiếm, chữ lạ, và người đọc không bị vướng vào chữ khi đọc.

Nhà thơ Khế Iêm tên thật Lê Văn Đức sinh năm 1946 tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Chủ trương Tạp chí Thơ tại Hoa Kỳ và phong trào thơ Tân hình thức Việt. Chủ biên Blank Verse (Thơ Không Vần, 2006) và Thơ Kể (Poetry Narrates (2010), cả hai là thơ Tân hình thức Việt, ấn bản song ngữ.

img

Nhà thơ Inrasara và nhà thơ Khế Iêm

PGS. TS Trần Hoài Anh, Khoa Văn hóa, Đại học Văn hóa,  nhận định: “Khi đọc tập tiểu luận Vũ điệu không vần của nhà thơ Khế Iêm, tôi luôn bắt gặp ở đó những suy tưởng chứa đầy sắc hương và ánh sáng."

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá thì cho rằng, thơ tân hình thức là một thực hành khác của thơ Việt thuộc về thơ Việt, một thể thơ mới, lạ, độc đáo, mở rộng khả năng biểu đạt kỳ diệu của tiếng mẹ đẻ.

Nhà thơ Inrasara chia sẻ, bản thân ông từng viết 18 bài thơ tân hình thức, nhưng sau đó thì tạm dừng vì không đủ ý tưởng mới để làm tiếp. Theo ông, thơ tân hình thức khá khó, đòi hỏi người viết phải có nhiều ý tưởng lạ và đi theo nhịp điệu của cảm xúc thì mới chinh phục được độc giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem