Vụ DN kiện Thanh tra Bộ Tài chính: Có hành vi bao che hay đe doạ?

Thứ sáu, ngày 14/03/2014 13:51 PM (GMT+7)
Khi Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ doanh nghiệp kiện Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ông Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến lại tùy tiện ra văn bản mang tính chất hăm dọa doanh nghiệp.
Bình luận 0
Theo văn bản 418/TTr do ông Đặng Ngọc Tuyến ký gửi đến các cơ quan tố tụng như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao cùng các cơ quan tố tụng ở TP.HCM, ông Đặng Ngọc Tuyến cho rằng Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận MASECO vi phạm về kê khai nộp thuế do hết thời hạn ưu đãi thuế suất 20%, Thanh tra Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc MASECO nộp vào tài khoản tạm giữ hơn 7,17 tỷ đồng tiền chênh lệch thuế suất chưa được kê khai nộp. Mặt khác, ông Đặng Ngọc Tuyến lại cho rằng hành vi kê khai nộp thuế chưa đúng của MASECO như vậy là cố tính trốn thuế (!?)

img

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Minh Thuận - Giám đốc Công ty luật Sài Gòn VN - tại sao “anh phát hiện doanh nghiệp trốn thuế mà không chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ trong vòng 5 ngày theo Luật Thanh tra mà lại chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Liệu anh có bao che tội phạm hay không? Nếu không thì đó là anh hăm dọa doanh nghiệp hoặc có ngầm ý muốn tòa xử bất lợi cho doanh nghiệp?”.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận cho rằng theo quy định của pháp luật, đối với một hành vi vi phạm, cơ quan thanh tra không thể xử phạt 2 lần.

“Trong trường hợp này, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng MASECO đã hết thời hạn ưu đãi về thuế suất nhưng vẫn kê khai nộp thuế ưu đãi là vi phạm và đã ra quyết định xử phạt buộc truy thu thuế theo quyết định 150 nói trên và công ty đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ sau khi gửi đơn khiếu nại mà không được giải quyết thỏa đáng. Như vậy, hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính. Thế nhưng, ông phó chánh thanh tra Đặng Ngọc Tuyến lại có văn bản cho rằng công ty có hành vi cố tình trốn thuế và yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là hoàn toàn sai trái và không loại trừ nhằm mục đích hăm dọa để doanh nghiệp sợ mà rút đơn kiện lại” - luật sự Thuận lý giải.

Còn theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), yêu cầu của ông Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến trong văn bản 418/TTr ngày 26/7/2013 gửi đến Tòa án Nhân dân TP.HCM đồng thời gửi đến Tòa án nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật khác là không phù hợp theo quy định tại luật Tố tụng hành chính và không làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn của người thanh tra. Lý do mà luật sư Trần Hải Đức nêu ra là khi Tòa án thụ lý vụ án, lúc này tư cách của Thanh tra Bộ Tài chính là người bị kiện, nên không có quyền tác động vào hoạt động của tòa án cũng như cơ quan tố tụng để yêu cầu tòa án nghiên cứu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Theo Luật Tố tụng hành chính, Tòa án chỉ chuyển cho cơ quan điều tra khi chứng cứ bị tố cáo là giả mạo, có dấu hiệu tội phạm, theo các Điều 84, Điều 91 luật TTHC mà thôi.

Theo quy định của Luật Thanh tra, khi phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn thuế thì trong vòng 5 ngày đoàn thanh tra phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ. Chiếu theo văn bản mà ông Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến gửi tòa án, khi tranh luận tại phiên tòa nói trên luật sư Nguyễn Quang Thái (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, liệu có hành vi bao che cho tội phạm hay không khi mà Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định MASECO cố tình trốn thuế nhưng không chuyển cơ quan điều tra mà lại chỉ ra quyết định xử phạt hành chính? Còn nếu không phải thì đó là hành vi đe dọa doanh nghiệp?
Võ Đức Phúc (Võ Đức Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem