Nhiều hỗ trợ, nông dân vẫn chê?
Tại vùng SX vụ đông chủ lực là đồng bằng sông Hồng đang xuất hiện nhiều mô hình liên kết SX hàng hóa. Trong đó, vụ đông năm 2015, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ 13 xã thực hiện 13 mô hình SX cây trồng hàng hóa tập trung và có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp (DN), góp phần đưa tổng giá trị SX vụ đông của tỉnh năm 2015 đạt 580 tỷ đồng.
Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã của Hà Nội. Ảnh: T.Q
Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích SX, song diện tích cây vụ đông ở phía Bắc vẫn tiếp tục giảm mạnh. Đến năm 2015, cây vụ đông chỉ còn khoảng 409.000ha, giảm 13.000ha so với năm 2014. Các loại cây ưa ấm như ngô, khoai lang, đậu tương... trước đây là những cây chủ lực, nay đều giảm diện tích mạnh nhất.
|
Tỉnh Thanh Hóa năm 2015 đã hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/ha đối với DN có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Sang vụ đông năm nay, Thanh Hóa đã quyết định hỗ trợ với mức 3 triệu đồng/ha cho các DN có thuê đất của dân để SX vụ đông.
Với nhiều nỗ lực gồm hỗ trợ giống, vật tư cho cả nông dân lẫn kinh phí khuyến khích đầu tư cho DN, hiện Thanh Hóa đã có nhiều DN liên kết với nông dân trồng khoai tây, dưa chuột, ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi để chế biến xuất khẩu…
Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm vụ đông tại đây khá thuận lợi, cho giá trị kinh tế cao như rau đậu từ 70 – 80 triệu đồng/ha, khoai tây 60-70 triệu đồng/ha, đặc biệt một số mô hình trồng ớt xuất khẩu thu lãi tới 300 – 400 triệu đồng/ha...
Các số liệu từ báo cáo rất triển vọng, tuy nhiên trên thực tế, SX vụ đông đang gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt vướng mắc trong tích tụ đất đai, SX manh mún, cơ chế chính sách còn thiếu và bất cập, SX chưa gắn kết được với tiêu thụ, chưa kể các yếu tố bất lợi từ thời tiết đang là những rào cản để nông dân gắn bó vụ đông.
Chị Hoàng Thị Hiền - nông dân xóm 3, xã Ân Hoà (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, từ nhiều năm nay nông dân huyện Kim Sơn chỉ cấy 2 vụ lúa. Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, đồng ruộng bỏ không suốt 2 tháng trời rất lãng phí, vì vậy tỉnh Ninh Bình đã có chính sách hỗ trợ giống đậu tương cho nông dân trên địa bàn huyện để trồng vào vụ đông. Được Nhà nước cấp hạt giống, nông dân phấn khởi rủ nhau đẩy nhanh thu hoạch lúa, làm đất gieo hạt, bón phân…
“Tuy nhiên, đồng đất ở Kim Sơn hầu hết là đất thịt nặng, mùa đông lại mưa nhiều nên ruộng bị ngập nước, cây đậu tương kém phát triển, cho năng suất thấp. Nhà tôi cắt đậu tương về phơi mãi không khô, bị mốc nên không bán được. Không bán được thì làm gì có tiền bù phân bón, nhân công” - chị Hiền cho hay.
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết ở Kim Sơn cũng như nhiều địa phương khác, khi bước vào đầu vụ đông thời tiết thường diễn biến phức tạp. Bà con vừa xuống giống thì gặp mưa nên hạt giống bị thối phải xuống giống lại, hoặc trồng dặm, hoặc phải chuyển đổi cây trồng khác rất mất thời gian và tốn công. Vì thế, gia đình chị Hiền và nhiều hộ khác thà để đất hoang cho cỏ mọc trong 2 tháng mùa đông để ra thành phố làm thuê có thu nhập cao hơn.
Doanh nghiệp vẫn “chê”
Nông dân Thái Bình trồng dưa vụ đông phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Đ.Q
Theo Cục Trồng trọt, do vụ đông xuân 2015 đã bị muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch, cộng với ảnh hưởng của mưa bão đang khiến khung thời vụ của vụ đông 2016 trở nên cấp bách; không ít địa phương bày tỏ lo ngại không có đủ quỹ thời gian để triển khai vụ đông.
“Vì vậy, các địa phương cần xây dựng riêng kế hoạch thật cụ thể, làm sao bố trí tỉ lệ cơ cấu các loại cây trồng ưa ấm, trung tính và ưa lạnh cho trúng khung với giải phóng đất của vụ mùa, đồng thời căn cứ vào tín hiệu thị trường để có cơ cấu cây trồng phù hợp. Đối với cây ưa ấm, cần xuống giống từ 30.9.2016. Các địa phương căn cứ tình hình và khả năng cụ thể cần có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư để khuyến khích phong trào SX, cũng như hỗ trợ tối đa cho DN tham gia các mô hình liên kết SX – tiêu thụ” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, hiện lúa mùa chưa cho thu hoạch nhưng đã bước vào thời gian “vàng” cho SX vụ đông nên các tỉnh cần chủ động giống tốt ngay từ bây giờ. “Theo tôi, hiện chưa thể xuống giống tại ruộng nên các tỉnh cần chủ động đưa cán bộ nông nghiệp xuống hướng dẫn bà con ươm bầu giống ngô, đậu tương… trong nhà, thu lúa mùa xong là đưa giống ngay ra đồng. Đặc biệt, các cây trồng ưa ấm như ngô có thời gian sinh trưởng trên dưới 3 tháng nên bà con trồng càng sớm thì năng suất, chất lượng càng cao” – ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Phan Huy Thông – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: “Mùa đông thường mưa nhiều, vì thế các địa phương cần sẵn sàng phương án làm vụ đông ướt và phải chuẩn bị nguồn giống dự phòng để bù đắp những diện tích bị thiệt hại. Nơi nào làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, tiêu thụ và ứng dụng công nghệ cao thì nên khuyến khích mở rộng vụ đông, nơi nào vắng bóng DN, khó khăn nhiều hơn thuận lợi thì không nên chạy đua bằng mọi giá, bởi vụ đông không đơn thuần là chỉ tổ chức ngoài đồng ruộng, mà là cả chuỗi giá trị từ đầu vào cho tới đầu ra”.
Thực tế cho thấy, những khó khăn đối với vụ đông đã là chuyện cũ từ nhiều năm nay, song khâu “tắc” nhất, khó nhất hiện vẫn đang nằm ở chuyện thu hút DN. Tiềm năng vụ đông ở miền Bắc lớn, nhưng DN lại tham gia quá ít, chỉ như “muối bỏ bể”. Ai cũng hiểu vụ đông muốn đạt hơn 1 tỷ USD thì phải có sự tham gia của DN.
Nhưng ngay tại hội nghị tổng kết vụ đông 2015, bàn kế hoạch triển khai năm 2016 tổ chức mới đây, sự xuất hiện của DN chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng không thấy vai trò của ngành công thương; tập báo cáo tại hội nghị dài gần 300 trang nhưng không hề có một bài tham luận của DN. Như vậy, chẳng khác nào chuyện làm vụ đông vẫn là chuyện riêng của ngành nông nghiệp.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: Cần có chính sách quốc gia cây vụ đông
Để đưa vụ đông trở thành vụ chính thành công thì Nhà nước phải có chính sách quốc gia đối với cây trồng vụ đông, đặc biệt là phải có quy hoạch SX cây trồng theo cơ chế thị trường, theo giá trị thu nhập chứ không nên chạy theo diện tích. Tôi cho rằng mục tiêu đề ra cho SX vụ đông năm nay là không quá cao.
Quyết tâm thực hiện sẽ thành công. Muốn đạt hiệu quả cao, thay vì chỉ có Bộ NNPTNT vào cuộc, cần có sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, bộ ngành. Trong đó vấn đề thị trường phải là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Điểm mấu chốt nữa là phải có chính sách kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào khâu cung ứng vật tư đầu vào cũng như khâu tiêu thụ.
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang: Thưởng cho huyện làm tốt
Vụ đông năm nay tỉnh phấn đấu đạt khoảng 24.400ha diện tích, tuy nhiên dự báo thời tiết vụ đông sẽ phức tạp, khó lường nên tỉnh đã chỉ đạo các xã, huyện quyết tâm thực hiện, cố gắng phấn đấu đạt kế hoạch đề ra. Cùng với việc hỗ trợ giá giống, giải pháp kỹ thuật giúp nông dân SX, tỉnh đã phát động phong trào thi đua SX đối với tất cả các huyện và sẽ có phần thưởng xứng đáng cho huyện nào đạt thành tích cao.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm vụ đông cho bà con như hỗ trợ, cấp, thuê đất làm mặt bằng SX; thu mua chế biến; thưởng cho các doanh nghiệp thu mua nhiều sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, doanh nghiệp nào thu mua trên 10 loại sản phẩm sẽ được thưởng hàng chục triệu đồng, tùy theo lượng sản phẩm thu mua.
Ông Nguyễn Văn Tráng – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hưng Yên): Hỗ trợ nông dân 10 tỷ đồng mua cây giống
Vụ đông năm 2015-2016, mỗi địa phương đã xây dựng ít nhất 1- 2 “Cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn” trồng cây trồng vụ đông với diện tích 10ha trở lên. Để “kích cầu”, tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ 10 tỷ đồng để bà con mua các giống bí xanh, bí ngô lai F1, khoai tây nhập nội, đậu tương có năng suất, chất lượng cao. Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các huyện còn hỗ trợ thêm 1,2 tỷ đồng để mua các giống ngô nếp HN88, khoai tây.
Do vụ đông thường gặp mưa nên UBND tỉnh, Sở NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng cơ giới hóa, đưa máy móc vào thu hoạch lúa và làm đất, gặt đến đâu làm đất ngay đến đó, theo phương châm “sáng lúa, chiều vụ đông” để kịp thời vụ.
Bà Thiều Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Vĩnh Phúc): Lo khó hoàn thành kế hoạch
Vụ đông năm 2016, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 21.500ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu; giá thành sản xuất đầu vào (giống, vật tư, phân bón…) còn ở mức cao so với sản phẩm nông sản, đặc biệt là mưa bão diễn ra liên miên.
Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân như vụ 2015, đồng thời tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, quả, cây ưa lạnh. Áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu để tranh thủ thời vụ. Với rất nhiều khó khăn trước mắt, chúng tôi đang lo khó hoàn thành kế hoạch đặt ra. Vừa rồi Sở cũng đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần đối với các diện tích thiệt hại do các trận mưa lớn từ ngày 23 – 27.5.2016 gây ra.
Trần Quang - Việt Tùng (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.