Không hô hào theo phong trào
Ông Dương Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay vấn đề lớn nhất đối với vụ đông ở miền Bắc không phải nằm ở năng lực, trình độ và kỹ thuật sản xuất, mà cốt lõi vẫn là khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa có kế hoạch bài bản.
Điều này dẫn tới người trồng cứ trồng, đến lúc thu hoạch phụ thuộc vào thị trường tự do nên tình trạng “giải cứu” đối với nhiều mặt hàng rau vụ đông liên tục xảy ra, điển hình như chuyện “giải cứu” củ cải, su hào... năm 2017.
Nghề trồng rau cần an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, việc liên kết giữa các đơn vị trong sản xuất, tiêu thụ hết sức quan trọng và đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị xuất khẩu, tránh được tình trạng ép giá, phải giải cứu nông sản’ giúp việc nền sản xuất thêm hiệu quả và bền vững hơn.
|
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn còn quan điểm chạy theo chỉ tiêu diện tích, phải “năm trước cao hơn năm sau”. Đây là điều mà từ vụ đông năm 2017, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã thẳng thắn nhìn nhận cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất vụ đông của tỉnh.
Theo đó, Bắc Giang chủ trương không hô hào đẩy mạnh diện tích vụ đông bằng mọi giá, mà đặt hiệu quả lên hàng đầu. Chính sách hỗ trợ theo đó không tập trung vào hỗ trợ ngân sách cụ thể, mà chỉ tập trung cho khâu kết nối, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp, trên cơ sở tạo điều kiện và khuyến khích cho các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác, các nông dân tích tụ sản xuất lớn.
Đối với công tác thống kê, ngành nông nghiệp tỉnh này đã đề nghị các địa phương phải rà soát, thống kê đúng thực chất về diện tích, tránh số liệu ảo...
Cụ thể vụ đông 2017, kết quả rà soát cho thấy tổng diện tích chỉ còn khoảng 23.000ha, giảm khá mạnh so với các năm trước, tuy nhiên tổng giá trị sản xuất cây vụ đông toàn tỉnh lại ước đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Điều này khẳng định xu thế sản xuất vụ đông đang ngày càng đi vào chiều sâu, tăng giá trị sản xuất, thay vì chạy theo diện tích một cách mơ hồ và rủi ro.
“Với tinh thần đó, vụ đông 2018, Sở đã chỉ đạo các huyện tiếp tục tạo đột phá cho khâu liên kết trong sản xuất. Theo đó, mỗi huyện phải thực hiện tối thiểu 2 - 3 mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm (mỗi mô hình tập trung từ 5ha trở lên). Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 40 mô hình, tăng gần 30% so với năm 2017. Tổng diện tích sản xuất có liên kết ước đạt gần 1.100ha, tăng gần 140% so với vụ đông năm 2017, chủ yếu tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang...” - ông Tùng cho hay.
Nhiều giống bí xanh mới được nông dân các tỉnh miền Bắc đưa vào gieo trồng, chỉ sau 60-65 ngày là cho thu hoạch quả. Ảnh minh hoạ: I.T
Đẩy mạnh liên kết
Vụ đông 2018, nhiều mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân tại Bắc Giang tiếp tục được duy trì và mở rộng, điển hình như: Công ty TNHH Thực phẩm Orion, Công ty xuất nhập Nông sản Hải Dương, Công ty CP Thương mại Tân Nông (liên kết sản xuất, bao tiêu khoai tây phục vụ chế biến và tiêu thụ); Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (liên kết sản xuất bao tiêu dưa bao tử, ngô ngọt, dưa chuột, cà chua bi, ớt...).
Là địa phương có diện tích cây vụ đông lớn, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Vụ đông năm 2018 - 2019, Hà Nội phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt 39.000ha, với cơ cấu giống ngắn ngày là chủ lực, gồm: Đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây, rau các loại… Mục tiêu đưa giá trị sản xuất đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Còn đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những hạn chế ở vụ đông năm trước, vụ đông năm nay Ninh Bình không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung chuyển dịch theo hướng giảm dần các cây trồng truyền thống để trồng các loại cây rau màu phục vụ chế biến, xuất khẩu, đem lại giá trị cao.
Đầu ra cho sản phẩm vụ đông luôn là vấn đề được nông dân quan tâm đầu tiên. Do đó, trong vụ đông này tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa. Đặc biệt là tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở tỉnh này là mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết với Công ty CP Chế biến nông sản Việt Xanh (Yên Khánh). Hiện, Công ty Việt Xanh có nhà máy chế biến có công suất 2.000 tấn ớt, cà chua, dưa chuột/năm, 2.500 tấn dứa nguyên liệu/năm. Năm 2019, Công ty tiếp tục đầu tư thêm 2 dây chuyền chế biến rau, củ, quả cấp đông xuất sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy, công ty đã thuê 60ha đất của nông dân trên địa bàn huyện Yên Khánh, đồng thời đặt hàng, ký hợp đồng bao tiêu với các HTX, tổ hợp tác có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của công ty…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.