Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Bị chính quyền bỏ quên?

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 16/07/2020 19:00 PM (GMT+7)
Trở về nước sau 3 năm dạy tình nguyện ở nước Lào, theo QĐ 10 của tỉnh Quảng Trị, chị Trang đủ điều kiện đặc cách tuyển dụng. Thế nhưng, chị đã mỏi mòn chờ đợi 6 năm ròng vẫn bị chính quyền “bỏ quên”!.
Bình luận 0

Bị chính quyền "bỏ quên?

Đó là trường hợp chị Phan Thị Thuỳ Trang (SN 1989, trú phường 2, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Năm 2011, chị Trang tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, ngành giáo dục tiểu học.

Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Bị chính quyền bỏ quên? - Ảnh 1.

Chị Phan Thị Thuỳ Trang mới sinh con 2 tháng, tai còn nhét bông tránh gió. Chị buồn bã vì 6 năm qua không được tuyển dụng đặc cách cho dù Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị đã gửi công văn về cho TP.Đông Hà đề nghị thực hiện QĐ 10 của tỉnh.

Tháng 8/2011, chị tình nguyện sang nước Lào dạy học theo các quyết định số 1935, 1609 và 1534 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Tại Savannakhet, chị Trang được phân công dạy tiếng Việt, trường tiểu học Nguyễn Trãi, thị trấn Sê Nô. Mỗi tháng, chị Trang được Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet hỗ trợ 2,6 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện.

Tháng 5/2014, chị Trang hoàn thành 3 năm dạy tình nguyện, được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều.

Ngày 16/6/2014, Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị có công văn 147/SGDĐT-TCCB gửi UBND, Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố, đề nghị Hội đồng tuyển dụng viên chức các địa phương căn cứ quy chế tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị (ban hành kèm theo Quyết định 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 - gọi là QĐ 10) để xét tuyển đặc cách đối với các giáo viên, trong đó có chị Trang.

Chị Trang cho biết, có công văn của Sở GDĐT tỉnh, chị vui mừng, tin chắc sẽ được đặc cách tuyển dụng.

"Khi tôi đến Phòng GDĐT TP.Đông Hà hỏi về việc đặc cách cho giáo viên dạy 3 năm ở Lào về thì được trả lời, Sở GDĐT và UBND tỉnh cử đi thì tìm lên đó giải quyết. Vậy là tôi suy sụp, chẳng biết bám víu vào ai, cứ chờ đợi cho đến bây giờ" – chị Trang tâm sự.

Tìm hiểu của PV Dân Việt, sau năm 2014, UBND TP.Đông Hà có xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục. Việc xét tuyển căn cứ QĐ 10 của UBND tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng, UBND TP.Đông Hà lại "bỏ quên" đối tượng được đặc cách tại khoản 1, điều 16, QĐ 10.

Khoản 1, điều 16, QĐ 10 quy định: Đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Chị Trang cho hay, đi cùng lúc với chị có 9 người thì có 8 người ở các địa phương khác, ngoài TP.Đông Hà đã được xét tuyển đặc cách. Duy chỉ có chị đến nay phải mỏi mòn chờ đợi trong nước mắt, tủi thân.

Để kiếm sống, từ năm 2015 đến nay, chị Trang xin dạy hợp đồng các trường trên địa bàn TP.Đông Hà, mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng.

Năm 2017, chị lấy chồng, nay con đầu lòng mới 2 tháng tuổi.

"Hy sinh tuổi thanh xuân sang Lào dạy học, đến bây giờ tôi vẫn chưa được hưởng quyền lợi chính đáng của mình, phải dạy hợp đồng, cuộc sống bấp bênh. Nhiều đêm nằm ôm con, nghĩ về những gì mình phải trải qua, tôi không sao kìm được nước mắt" – chị Trang tâm sự.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài chị Trang còn một số trường hợp khác đã 2-4 năm chờ đợi nhưng vẫn chưa được tuyển đặc cách, có người phải bỏ xứ, kiếm sống xa quê.

Sẽ kiểm tra, tìm phương án giải quyết

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2008-2020, có 35 giáo viên giảng dạy tại Lào. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, nhiều giáo viên trở về nước, được các huyện tuyển dụng đặc cách theo QĐ 10. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên chưa được các địa phương tuyển dụng.

Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Bị chính quyền bỏ quên? - Ảnh 2.

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị cử chị Trang sang Lào dạy học và quyết định khen thưởng của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet dành cho chị.

Theo bà Hương, Sở GDĐT tỉnh sẽ kiểm tra lại từng trường hợp, xem nguyên nhân tại sao địa phương không tuyển dụng đặc cách để có hướng đề xuất, giải quyết quyền lợi cho các giáo viên.

Ông Hồ Ngọc An - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị cho biết, Sở sẽ tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Sở GDĐT, các huyện, thị, thành phố để tìm, thống nhất phương án tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên sang Lào giảng dạy theo QĐ 10.

Như Dân Việt đã đưa tin, nhiều giáo viên tình nguyện qua Lào dạy học, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, lên đường với niềm tin, khi trở về, họ sẽ được xét tuyển đặc cách theo QĐ 10.

Tuy nhiên, ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 31/2019/QĐ-UBND (gọi là QĐ 31) để bãi bỏ QĐ 10. Các giáo viên dù đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy 3 năm ở nước Lào, nhưng không được xét tuyển đặc cách.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực".

Điều này có nghĩa, những giáo viên đã hoàn thành chương trình giảng dạy trước đó hoàn toàn có quyền được hưởng chế độ đặc cách khi xét tuyển theo QĐ 10. Việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển này chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp giáo viên tự nguyện giảng dạy tại Lào sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem