Bưng bít thông tin
Như NTNN số 108 đã thông tin, hàng trăm ha cao su ở Mường La (Sơn La) bị chặt phá. Bức xúc với việc làm không minh bạch của Công ty CP Cao su Sơn La, ông Lê Đình Giai - Bí thư Huyện ủy Mường La cho rằng: “Khi họ trồng cây cao su, tôi là Phó Chủ tịch huyện kiêm Trưởng ban tuyên truyền phát triển cây cao su của huyện. Tôi và nhiều anh em xắn quần lội nương cùng dân, bám dân tuyên truyền trong nhiều năm để có đất tốt nhất giao cho công ty cao su. Bây giờ họ phá cao su, quyền lợi của người dân ra sao thì họ không cho chúng tôi biết”.
Không ít nông dân ở Mường La đã đánh cược sự ổn định và phát triển của gia đình mình với Công ty CP Cao su Sơn La khi tham gia góp đất sản xuất để trồng cao su. Ảnh: Kiều Thiện
Tin rằng mọi thông tin về việc phát triển cây cao su ở Sơn La đều nằm ở Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La (Ban chỉ đạo), PV đã tìm tới đây để tìm hiểu sự việc. Nhưng thật bất ngờ là sau khi nghe chúng tôi hỏi lý do chặt hạ cây cao su ở Mường La, các cán bộ của Ban chỉ đạo đều ngẩn người rồi lắc đầu.
Ông Trần Văn Huân, cán bộ Ban chỉ đạo nói như đinh đóng cột: “Có thông tin gì về cây cao su chúng tôi đều biết cả. Có thể các nhà báo nhầm sang diện tích cây cao su bị phát do ảnh hưởng đường dây điện hoặc bị cháy hôm vừa rồi chứ không thể có chuyện chặt tới mấy chục ha mà chúng tôi không biết gì. Thông tin của nhà báo như thế là quan liêu, hồ đồ…”.
Tôi cố nén lòng đợi ông Huân nói xong rồi mới cho họ xem những hình ảnh mà chúng tôi vừa ghi nhận tại bản Bủng, xã Mường Bú với những gốc cây cao su đã bị chặt hạ. Khi ấy các cán bộ Ban chỉ đạo mới ớ ra, điện thoại đi các nơi để tìm kiếm thông tin về vụ chặt phá cây cao su này. Sau khi truy cứu số liệu đầy đủ như phóng viên cung cấp, ông Vũ Thế Luận - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La thừa nhận: “Số liệu mà nhà báo có là chính xác và đầy đủ đấy”.
Hậu quả của phát triển nóng
Trao đổi thêm với ông Luận, được biết: Việc chặt hạ cây cao su ở Mường La trong thời gian vừa qua là do chính Công ty CP Cao su Sơn La đốn hạ với diện tích hơn 52ha tại bản Phiêng Bủng, ở các lô 01, 02, 06… bởi lý do nghe rất hợp lý là những cây này không có khả năng cho thu hoạch nhựa vì là giống cây cao su chịu rét kém.
Nhưng khi phóng viên chất vấn “Việc chặt hạ cây khi đã hết một chu kỳ kiến thiết gây ảnh hưởng thế nào tới đời sống người nông dân đã góp đất với công ty? Phải chăng có lỗi này là do công tác khảo nghiệm giống cây trồng của Công ty CP Cao su Sơn La chưa được chu đáo?” thì ông Luận khẳng định: “Việc chặt hạ cây sau 7-8 năm kiến thiết không làm ảnh hưởng tới quyền lợi người góp đất làm cổ phần và việc khảo nghiệm các giống cây trồng trước khi đưa vào trồng đại trà là không cần thiết”.
Tuy nhiên, khi phóng viên nêu phản ánh của người dân, ông Luận mới thừa nhận rằng việc triệt hạ cây cao su khi đã vào kỳ khai thác có gây ảnh hưởng đến tâm lý, việc làm và thu nhập của người dân trong vùng. Việc phát hiện cây kém chất lượng và chặt muộn do công tác khảo nghiệm giống chưa đúng quy trình.
“Thời điểm 2007-2008, việc trồng cây cao su khá ồ ạt nên việc lựa chọn giống cũng chưa được sát sao. Khi ấy, doanh nghiệp chỉ lựa giống cao su cho năng suất cao mà không chú ý đến loại cây chịu lạnh nên bây giờ phải chặt. Diện tích cao su cần chặt bỏ để trồng thay thế sẽ còn tiếp tục nhiều hơn trong thời gian tới” – ông Luận khẳng định.
Liên quan đến trách nhiệm của Công ty CP Cao su Sơn La trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, ông Vũ Thế Luận thừa nhận: Thời gian vừa qua, Công ty CP Cao su Sơn La phối hợp với chính quyền địa phương chưa thật sự chặt chẽ. “Còn việc phát triển cây cao su trong những năm đầu có những bước đi chưa phù hợp, phía công ty còn nóng vội mà lựa chọn giống chưa sát với thực tế dẫn tới sau nhiều năm đầu tư vẫn phải chặt bỏ là một ví dụ” - ông Luận nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.