Vụ KhaiSilk: Luật quy định thế nào về việc “cắt nhãn”, “dán nhãn”?

Thuận Hải – Uyên Phương Thứ bảy, ngày 28/10/2017 14:00 PM (GMT+7)
Một số ý kiến cho rằng, ông chủ Hoàng Khải của thương hiệu lụa KhaiSilk có thể đã đặt các đối tác ở nước ngoài sản xuất khăn lụa, theo tiêu chuẩn của KhaiSilk nên việc “cắt nhãn cũ thay nhãn mới” là chuyện… bình thường. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc dán nhãn hàng hóa?
Bình luận 0

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa: “Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu”.

img

Luật quy định, nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng sản xuất từ nước ngoài về thì phải ghi rõ tên, địa chỉ nơi sản xuất và tên, địa chỉ doanh nghiệp nhập khẩu.

Còn về xuất xứ hàng hóa thì theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thương mại: “Xuất xứ hàng hóa” là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Do vậy, nếu hàng hóa là thành phẩm được nhập khẩu từ quốc gia khác thì nghĩa là công đoạn cuối cùng sản xuất ra thành phẩm này không ở Việt Nam, không thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thì theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Nghị định 46/2017: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”

Như vậy, theo Luật sư Chánh, nếu doanh nghiệp của ông Hoàng Khải nhập hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam để bán thì có trách nhiệm ghi rõ xuất xứ hàng hóa. Còn nếu đúng là doanh nghiệp này có hành vi nhập hàng hóa có nguồn gốc là Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cắt mác “Made in China” để dán nhãn “Made in Vietnam” dưới thương hiệu lụa KhaiSilk thì ở đây có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả.

“Cho dù hàng nhập từ Trung Quốc không phải là sản phẩm kém chất lượng, được KhaiSilk duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập về… thì việc giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất cũng là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Chánh khẳng định.

img

Các cửa hàng KhaiSilk tại TP.HCM cũng đã tạm đóng cửa trong những ngày qua

Về mức độ xử phạt, tùy tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với các trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng, mức phạt vi phạm hành chính từ 200.000 – 500.000 đồng.

Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự khi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… Mức phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

“Về dân sự, nếu đúng là KhaiSilk bán hàng hóa giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì các giao dịch mua bán hàng hóa này với khách hàng là giao dịch có tính chất lừa dối. Do vậy khách hàng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại”, luật sư Chánh cho biết thêm.

Một đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, từ việc “móc túi” mỗi người tiêu dùng một ít, trong thời gian dài hàng chục năm… thì phần tài sản bất chính thu lợi được cũng rất lớn, đáng bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, việc gian lận này còn ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa và nhãn mác trên hàng hóa, “tiếng xấu đồn xa” nên sẽ ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn, trên toàn thế giới, khi mà nhãn hiệu KhaiSilk từng được biết đến như một sản phẩm lụa thủ công, từ các làng nghề hàng trăm năm tuổi của Việt Nam.

“Việc trừng phạt một cách công khai, minh bạch các doanh nghiệp có hành vi “buôn gian bán lận” sẽ giúp giảm tình trạng kinh doanh gian lận, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy động lực kinh doanh chân chính của cộng đồng doanh nghiệp”, vị này phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem